Cải cách tiền lương trên cơ sở phân loại cán bộ, công chức

Cần phân loại cán bộ công chức phù hợp để có chế độ lương, đãi ngộ đúng với mức độ cống hiến của công chức. Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia và đại biểu đề cập trong Hội thảo Định hướng cải cách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2013- 2020 do Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức sáng qua (26/12).

Cần có chế độ lương đúng với mức độ cống hiến của công chức. Ảnh: Danh Lam - TTXVN


TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học- Lao động và Xã hội cho rằng, về nguyên tắc, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức phải được trả theo vị trí công việc trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh và hiệu quả thực thi nhiệm vụ, công vụ, cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chúng ta không tuân theo nguyên tắc này. Cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2013- 2020 cần xác định rõ lộ trình thực hiện từng bước nguyên tắc trả lương theo vị trí công việc và hiệu quả công tác, chất lượng cung cấp dịch vụ công.

Theo hướng này, yêu cầu phân loại cán bộ công chức để có chế độ lương, đãi ngộ phù hợp là đề xuất của nhiều chuyên gia lâu nay. Tuy vậy, theo nhiều đại biểu, chính sách lương hiện hành của chúng ta chưa coi trọng đúng mức việc đánh giá năng lực, tài năng và mức độ cống hiến của mỗi cán bộ công chức. Do đó, việc phân loại cán bộ công chức trở nên cấp thiết, để có chế độ lương, chế độ đãi ngộ phù hợp.

Có nhiều quan điểm được đưa ra tại hội thảo về vấn đề này. Hướng được nhiều người chung quan điểm nhất là nên chia công chức thành ba loại: cán bộ quản lý, chuyên gia tham mưu và đội ngũ thừa hành tác nghiệp. “Vai trò, trách nhiệm, tác động của cán bộ lao động công chức được phân tầng rất cao. Vì vậy, việc trả lương cũng phải thể hiện được đóng góp đó, tránh việc phân tầng càng hẹp thì không phản ánh được thực chất lao động của cán bộ công chức trong điều kiện kinh tế thị trường”, ông Trần Quốc Toản, đại diện Văn phòng Chính phủ nói.

Hiện nay, về lý thuyết, theo ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, thang bảng lương áp dụng từ năm 2004 đến nay của chúng ta đã thể hiện được tính chất đó. Tuy nhiên, thực tế vận hành cụ thể lại chưa được như mong muốn. Vì vậy, việc phân biệt rõ ràng là điều cần tính lại.

Cũng theo ông Toản, trong ba loại công chức trên, đãi ngộ tương xứng cho đội ngũ chuyên gia tham mưu chính sách là việc quan trọng cần phải tính đến trong thiết chế lương công chức giai đoạn tới. Một nền hành chính thiếu đội ngũ chuyên gia, tham mưu để xây dựng cơ chế chính sách là điểm yếu lớn của nền hành chính. Đãi ngộ của đội ngũ này hiện nay rất khác. “Lương cho đội ngũ này có khi còn phải cao hơn đội ngũ trực tiếp lãnh đạo, quản lý. Điều này chúng ta cần phải suy nghĩ khi phân loại cán bộ công chức để tính thang bảng lương”, ông Toản đề xuất. Làm được điều này, sẽ hạn chế được tình trạng chạy theo địa vị, chức vụ. Đây là điều rất lớn nhưng hiện nay chưa được xem trọng.

Cũng cùng quan điểm cần phân loại cán bộ công chức, tuy nhiên, TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại nhìn ở góc độ khác. Theo ông, chính sách tiền lương cần thiết kế lại trên cơ sở điều chỉnh cơ bản hệ thống tiền lương cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm trật tự, thứ bậc hành chính, phản ánh đúng vị trí, việc làm của cán bộ công chức theo hai hệ: Hệ thứ nhất là hệ chuyên môn, nghiệp vụ (bao gồm chuyên viên 10 bậc và chuyên viên cao cấp 3 bậc). Hệ thứ hai là hệ lãnh đạo, quản lý (bao gồm lãnh đạo, quản lý cấp huyện; lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và lãnh đạo, quản lý cấp trung ương). Trong đó, việc xác định mức lương tối thiểu của công chức trên cơ sở tính tới mức lương trung bình xã hội được xác định trên cơ sở tương quan tiền lương giữa các khu vực.

Bên cạnh đó, vẫn phải duy trì khoản phụ cấp tiền lương. Có điều, theo TS. Thang Văn Phúc, cần tính lại theo hướng thu gọn nhóm phụ cấp này. Nên có: phụ cấp lao động đặc thù, phụ cấp thâm niên áp dụng cho các loại công chức; phụ cấp khu vực đắt đỏ; phụ cấp thu hút cho các vùng khó khăn, vùng trọng điểm cần phát triển; nên có phụ cấp đặc biệt là phụ cấp tiền lương thu hút chuyên gia nước ngoài, Việt kiều có trình độ cao về nước làm việc.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Duy Thăng cũng cho biết, Dự thảo về Định hướng cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013- 2020 hiện nay chưa rõ về những vấn đề trên. Tuy nhiên, Bộ đang tích cực đón nhận ý kiến góp ý hoàn thiện đề án để các giải pháp thời gian tới thể hiện rõ được những yêu cầu của thực tiễn đặt ra.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN