Cải cách hành chính tại TP Hồ Chí Minh - Bài 4: Tinh giản bộ máy hành chính

Nếu cải cách hành chính được thực hiện ở các khâu mà không tập trung vào tinh giản bộ máy hành chính thì các kết quả đạt được chỉ mang tính bề nổi, cải cách sẽ không được triệt để, không mang lại kết quả bền vững. Chính vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng vấn đề tinh giản bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, giảm sự chồng chéo, đồng thời nâng cao hiệu quả xử lý công việc hàng ngày.

Chú thích ảnh
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm. Ảnh minh họa: Hải Yến/TTXVN

Sáp nhập các cơ quan chuyên môn...  

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Kết luận số 224/KL/TU ngày 24/11/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Thông báo số 30/TB/TW ngày 23/5/2017 và Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, đến giữa năm 2018 thành phố đã thực hiện tinh giản biên chế 317 trường hợp.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, thành phố đã thực hiện thủ tục tiếp nhận công chức không qua thi đối với 22 trường hợp, thỏa thuận công nhận kết quả xét tuyển viên chức đối với 968 trường hợp, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp với 2.358 trường hợp, duyệt danh sách tinh giản biên chế đối với 107 trường hợp. Thành phố đã phê duyệt 31/31 đề án vị trí việc làm của các cơ quan hành chính nhà nước.

Thành phố đã tổ chức lại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố, sắp xếp lại các ban quản lý dự án của thành phố, quận, huyện, thành lập trung tâm báo chí thành phố, thành lập Trung tâm Quản lý Đường thủy trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Khu Quản lý Đường thủy nội địa và Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy. Thành lập Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4. Thành phố cũng đã sáp nhập Văn phòng Tiếp công dân thành phố thành Ban Tiếp công dân thành phố, thành lập thí điểm Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức lại 24 trung tâm y tế dự phòng thành Trung tâm y tế thuộc UBND các quận, huyện.

Ngoài ra, thành phố đã thông qua và triển khai đề án ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố, UBND và Chủ tịch UBND quận huyện theo Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức, UBND thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
 
Đánh giá bước đầu về việc sáp nhập này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, văn phòng mới sau khi sáp nhập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội vào Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động tốt, vận hành công việc bình thường, không bị gián đoạn hay chậm trễ so với trước đây.

Còn theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố, các Ban quản lý dự án được thành lập trên cơ sở nhập chức năng quản lý của một đơn vị chuyên ngành như thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng - đô thị thành phố, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp… vẫn đảm bảo công việc, cơ cấu lại nhân sự tinh gọn, tăng cường sự tập trung trong chỉ đạo, điều hành quản lý của thành phố trong đầu tư các dự án đô thị cũng như giảm sự chồng chéo chức năng của các đơn vị trước đây

Tinh giản bộ máy hành chính cấp phường, xã

Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng kể trên nhưng theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay tiến độ thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Một số chức năng quản lý nhà nước vẫn còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn. Số lượng tinh giản biên chế chưa đạt được yêu cầu so với chỉ tiêu đề ra. Chưa tiếp tục tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp sở, ngành, cấp phó phòng và tương đương theo quy định. Thái độ của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ tiếp xúc với nhân dân vẫn còn chưa chuẩn mực.

Một trong những giải pháp trọng tâm của UBND thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính bộ máy quản lý là việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Mới đây, UBND thành phố đã thống nhất Tờ trình số 2876/TTr-SNV, ngày 26/7/2019 của Sở Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 – 2021. UBND thành phố giao Sở Nội vụ hoàn chỉnh nội dung báo của sở, tham mưu văn bản cho UBND thành phố để trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.

Cụ thể, tại Quận 2 sẽ nhập phường An Khánh và phường Thủ Thiêm thành một phường; nhập phường Bình Khánh và Bình An thành một phường. Quận 3 sẽ nhập 3 phường là Phường 6, Phường 7, Phường 8 thành một phường; nhập Phường 13, 12, 14 thành một phường. Quận 4 sẽ nhập Phường 5, Phường 1 thành một phường; nhập Phường 12, 13 thành một phường. Quận 5 sẽ nhập Phường 12, Phường 13 thành một phường. Trong khi đó, Quận 10 sẽ nhập Phường 3, Phường 2 thành một phường và quận Phú Nhuận sẽ nhập Phường 12, Phường 11 thành một phường; nhập Phường 14 và Phường 13 thành một phường.

Theo quan điểm của UBND thành phố, dân số trung bình của thành phố hiện nay có hơn 8,5 triệu dân, sau 5 năm gia tăng thêm 1 triệu người. Quá tình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, cùng với đó là tình trạng quá tải về hạ tầng, giao thông, trường học, bệnh viện trên diện rộng, tạo áp lực rất lớn lên bộ máy quản lý nhà nước.

Trong bối cảnh đó, những phường thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn này là những phường ở vị trí lõi trung tâm của thành phố, áp lực quản lý hành chính, quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân không những tại địa phương mà còn khách du lịch, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, người dân tạm cư.

UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, sở, ban ngành đẩy mạnh việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức cơ quan hành chính đơn vị sự nghiệp công lập và khu phố, ấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với nhiều giải pháp như đơn giản thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin thì việc cải cách bộ máy quản lý, tinh giản biên chế sẽ góp phần quan trọng để thành phố hoàn thành chủ đề “năm đột phá về cải cách hành chính”, đồng thời tạo động lực để tiếp tục cải cách mạnh mẽ những năm tiếp theo.

Cải cách hành chính tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Lấy sự hài lòng  của người  dân làm thước đo hiệu quả công việc

Trần Xuân Tình (TTXVN)
Cải cách hành chính tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc
Cải cách hành chính tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc

Nền hành chính tinh gọn, hiệu quả sẽ tạo ra môi trường phục vụ, đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đem lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm đang được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN