Cải cách hành chính để xây dựng Chính phủ kiến tạo

Bộ Nội vụ đã có nhiều giải pháp đột phá trong cải cách hành chính để góp phần thực sự xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Lê Vĩnh Tân, trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua và những yêu cầu đòi hỏi chủ quan và khách quan của bối cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay và sắp tới, Bộ Nội vụ xác định cần có những giải pháp đột phá với trọng tâm là cải cách hành chính để xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển.

Sáu nội dung cải cách

Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó chủ yếu là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế về tổ chức, hoạt động của nền hành chính Nhà nước. Điều chỉnh chức năng của Chính phủ cho phù hợp với yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó xác định rõ thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ và cơ quan hành chính địa phương các cấp trong cải cách hành chính. Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp tăng cường chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, chịu trách nhiệm hàng đầu về kết quả cải cách hành chính trước Đảng, trước toàn dân”.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Cũng theo Bộ trưởng, ngành Nội vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế. Phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương để giải quyết các công việc về trật tự an ninh, phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương. Chính phủ làm mạnh hơn nữa các nội dung bảo đảm tập trung, dân chủ, xây dựng một nền hành chính thống nhất, thông suốt có lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đảng và Nhà nước ta xác định mục tiêu cải cách hành chính suốt thời kỳ qua là, xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội ngày càng tốt hơn. Nói cách khác, cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi và nâng cao lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Trong suốt giai đoạn vừa qua, cải cách hành chính hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ được ở 6 nội dung cải cách đặt ra tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trong đó xác định 3 trọng tâm là: Cải cách thể chế; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp và dịch vụ hành chính công.

Chuyển từ nhà nước quản lý sang nhà nước phục vụ 

Như vậy, cải cách hành chính đặt ra yêu cầu vừa phải xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở thống nhất, thông suốt, tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, xã hội. Có nghĩa là, Nhà nước phục vụ phải quan tâm đến nhu cầu, mong muốn của người dân để không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng các cung cấp các dịch vụ công cho người dân, tổ chức. Một trong những nỗ lực xây dựng nền hành chính phục vụ trong thời gian qua là chúng ta đã tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức ở hầu hết cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở địa phương và ở một số bộ, ngành Trung ương (hiện nay, cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được triển khai ở 92,5% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 98,7% UBND cấp huyện và 98,2% UBND cấp xã).

Về vai trò của Bộ Nội vụ trong việc xây dựng nền hành chính phục vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Là cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ có vai trò tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đề ra các chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách đẩy mạnh cải cách hành chính trên phạm vi cả nước. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương triển khai cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ.

Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh trên các lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tập trung cải cách công vụ, công chức nhằm nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức viên chức, như cải tiến thi tuyển, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhằm phục vụ người dân, tổ chức tốt hơn, đáp ứng được sự mong đợi của người dân, tổ chức. Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trên phạm vi cả nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng cho người dân, tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính và hạn chế sự phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức đối với người dân, tổ chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhà nước.

Tăng cường lấy ý kiến đánh giá của người dân, tổ chức về kết quả cải cách  hành chính để giúp cho việc cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính thông qua hai chỉ số, là: Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường triển khai tuyên truyền cải cách hành chính, đặc biệt thông qua các chương trình phối hợp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu để nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức, cũng như của cán bộ, công chức, viên chức về cải cách hành chính để từ đó thu hút được sự tham gia của các đối tượng vào quá trình xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện và giám sát quá trình thực hiện các chính sách về cải cách hành chính, góp phần đảm bảo cải cách hành chính đáp ứng ngày càng tốt hơn sự mong đợi của người dân, tổ chức.
Thanh Vân
Cải cách hành chính quan trọng nhất là khâu cán bộ
Cải cách hành chính quan trọng nhất là khâu cán bộ

Sáng 17/8, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong bộ máy còn nhiều cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực; cơ chế chính sách, thủ tục hành chính còn thiếu minh bạch, chưa hoàn toàn công khai và đặc biệt là dân "kêu" còn nhiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN