Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô vui mừng với chiến thắng tại Berlin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga nổ ra thắng lợi, đánh dấu bước đột phá vĩ đại mở đầu thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi và sự ra đời Nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đầu tiên trên thế giới đã trở thành biểu tượng của niềm tin và sự cổ vũ mãnh liệt đối với hàng ngàn triệu người thuộc các dân tộc bị áp bức nô dịch của chủ nghĩa đế quốc, thực dân vùng lên đấu tranh tự giải phóng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, làm thức tỉnh hàng chục triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa thế”.
Đem lại quyền làm chủ cho nhân dân lao động 100 năm đã trôi qua, Cách mạng Tháng Mười vẫn là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử cận đại, một cuộc cách mạng xóa bỏ chế độ người bóc lột người, đem lại quyền làm chủ cho nhân dân lao động và hòa bình cho các dân tộc trên thế giới.
V.I.Lênin từng nhận định, Cách mạng Tháng Mười đã mở đầu “một sự nghiệp mới mẻ”, “Sự nghiệp sáng tạo ra một chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có”; “chúng ta (những người cách mạng) tự hào là đã có hân hạnh được bắt đầu việc xây dựng Nhà nước Xô Viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc”. Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, thủ tiêu mọi hình thức bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc, mở đường thắng lợi cho cuộc đấu tranh cách mạng gắn giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng trong hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, là bằng chứng về sự thắng lợi của hệ tư tưởng của giai cấp công nhân trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cách mạng Tháng Mười đã minh chứng vai trò và sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong việc liên minh, tự giải phóng mình khỏi áp bức, bóc lột.
Giai cấp công nhân là lực lượng sản xuất tiến bộ, gắn với sự phát triển của sản xuất công nghiệp. Điểm chung nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là lực lượng đông đảo trong xã hội, đều bị bóc lột nặng nề, đều có mục đích và nguyện vọng chống áp bức bóc lột, nếu có được tổ chức, tập hợp lại thì sẽ tạo ra được sức mạnh chưa từng có để chống lại giai cấp bóc lột, đưa địa vị của mình trở thành người làm chủ xã hội.
Cách mạng Tháng Mười thành công đã đập tan bộ máy Nhà nước cũ, tiêu diệt triệt để bộ máy Nhà nước của giai cấp bóc lột và thay vào đó một Nhà nước kiểu mới, chính quyền của các Xô Viết, coi như là một trong những hình thức chuyên chính vô sản. Cách mạng Tháng Mười đã thủ tiêu quyền tư hữu tư liệu sản xuất chủ yếu. Ruộng đất, công xưởng, nhà máy, đường sắt, ngân hàng, phương tiện giao thông trên biển, tất cả những thứ đó thuộc quyền sở hữu của nhân dân. Nông dân được chia ruộng mà không phải trả tiền và không phải đóng địa tô cho địa chủ, hoặc những món tiền khác có quan hệ với việc mua ruộng đất.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã biến nước Nga Sa Hoàng lạc hậu thành một siêu cường đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa, một thời kỳ dài trong lịch sử là chỗ dựa cho hàng trăm dân tộc đứng lên chống lại ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình thế giới. Có thể nói, nếu không có Cách mạng Tháng Mười, nhân loại không thể sống trong kỷ nguyên độc lập, tự do. Ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại, những quyền dân sinh, dân chủ, quyền con người … mà nhân dân lao động có được cũng nhờ ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”.
Người cũng chỉ rõ những bài học “hết sức quý báu” đó là: Cần có sự lãnh đạo sáng suốt của một chính đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân; phải thực hiện cho được liên minh công nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất những thắng lợi của cách mạng. V.I.Lênin cũng đưa ra một cách khá hoàn chỉnh hệ thống các nguyên tắc về bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản; nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; sự thống nhất ý chí và hành động của đội ngũ đảng viên; giữ gìn và bảo vệ kỷ luật Đảng; sự gắn bó máu thịt giữa đảng với quần chúng... Những nội dung cơ bản nêu trên được V.I.Lê-nin trực tiếp áp dụng, bổ sung và phát triển trong quá trình xây dựng, rèn luyện Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga và trong điều kiện Đảng ấy trở thành Đảng cầm quyền sau Cách mạng Tháng Mười.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã cho thấy vai trò của một chính đảng được trang bị bởi một học thuyết khoa học và cách mạng. Đảng Cộng sản có khả năng lãnh đạo liên minh giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Nga, như giữa giai cấp công nhân Nga với bần nông; tập hợp thành một làn sóng cách mạng duy nhất tất cả các phong trào cách mạng có những bản sắc khác nhau như phong trào dân chủ để đấu tranh cho hòa bình, phong trào dân chủ của nông dân để giành lại ruộng đất từ tay bọn chúa đất, phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức và phong trào xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản để thiết lập chuyên chính vô sản.
Đi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lê-nin và Đảng Bolshevik Nga đã lãnh đạo tài tình giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga lật đổ chế độ tư bản, bọn áp bức bóc lột, giành chính quyền, đưa nước Nga chậm phát triển thành Liên bang Xô Viết hùng cường, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong một thời kỳ dài phát triển mạnh mẽ về kinh tế, quốc phòng, an ninh và giáo dục,... là trụ cột và lực lượng chủ yếu đập tan chủ nghĩa phát xít Đức trong đại chiến thế giới thứ hai, cứu nhân loại khỏi họa phát xít; ngăn chặn có hiệu quả âm mưu gây chiến của chủ nghĩa đế quốc, giữ vững hòa bình và ổn định tình hình chính trị thế giới trong gần nửa thế kỷ, sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi đi cùng năm tháng Cách mạng Tháng Mười thắng lợi có sức lôi cuốn, cổ vũ, giúp đỡ các dân tộc bị áp bức, chậm phát triển đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và định hướng phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội. Từ sau Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, chủ nghĩa xã hội được biết đến không chỉ là một học thuyết mà còn là một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Nó trở thành tấm gương để các dân tộc bị áp bức noi theo.
Nước Nga Xô Viết và sau này là Liên Xô chỉ 20 năm sau Cách mạng Tháng Mười, đã từ một nước tư bản phát triển trung bình trở thành cường quốc đứng hàng đầu thế giới; xác lập một kiểu tổ chức xã hội mang lại cho quần chúng lao động nhiều quyền lợi. Sức sống, triển vọng và xu thế phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực chính là sự khẳng định, tôn vinh những chân giá trị của Cách mạng Tháng Mười. Trong nhiều thập niên, Liên Xô từng là chỗ dựa vững chắc cho các phong trào cách mạng trên thế giới đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống họa phát xít, vì hòa bình, dân chủ, chủ nghĩa xã hội và tiến bộ xã hội.
Cách mạng Tháng Mười thắng lợi còn chỉ ra những khả năng mới về sự phát triển không ngừng của cách mạng ở các nước thuộc địa, các dân tộc chậm phát triển tự quyết định con đường đi lên gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Theo chỉ dẫn của V.I. Lê-nin, Quốc tế Cộng sản “phải xác định và chứng minh trên lý luận cho một nguyên tắc là: với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô Viết, qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười làm cơ sở, tiền đề để giai cấp công nhân, nhân dân lao động các nước trên thế giới đấu tranh để tự giải phóng mình ra khỏi áp bức, bóc lột. Đánh giá ảnh hưởng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Cách mạng Tháng Mười đã chặt đứt xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc, phá tan cơ sở của nó và giáng cho nó một đòn chí mạng. Cách mạng Tháng Mười như tiếng sét đã đánh thức nhân dân châu Á tỉnh giấc mê hàng thế kỷ nay. Cách mạng Tháng Mười đã mở ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”.
Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, các dân tộc bị áp bức trên thế giới đã vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa để xây dựng đất nước. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc (năm 1945), thắng lợi thuộc về các lực lượng dân chủ, cách mạng thế giới bước vào một thời kỳ phát triển mới. Phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn kết chặt chẽ với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân ở các nước tư bản trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, chủ nghĩa xã hội và tiến bộ xã hội, làm nên sức mạnh to lớn của ba dòng thác cách mạng trên thế giới trong nhiều thập niên qua.
Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã phát triển thành hệ thống thế giới. Chủ nghĩa xã hội là xu thế phát triển tất yếu của thời đại, nhưng với hình thức và bước đi rất khác nhau như chỉ dẫn của V.I. Lê-nin: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội. Đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ,…”. Lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và “sự phát triển rút ngắn” của học thuyết Mác đã được Đảng Bolshevik và V.I. Lê-nin sáng tạo, thể nghiệm thành công qua Chính sách kinh tế mới (NEP) trong những năm đầu thập niên 20, thế kỷ XX. Qua đó, cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu cho các nước chậm phát triển quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội với những bước “quá độ dần dần”; biết “lợi dụng chủ nghĩa tư bản” để xây dựng chủ nghĩa xã hội, v.v.
Hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng của kinh tế tri thức, xu hướng toàn cầu hóa, giai cấp tư sản tận dụng sự phát triển đó để nâng cao năng suất lao động, phân hóa giai cấp công nhân thành các tầng lớp “công nhân cổ xanh”, “công nhân cổ trắng”,... có mức sống chênh lệch nhau ngày càng lớn. Bộ phận công nhân có thu nhập cao dễ thỏa hiệp với giới chủ, giảm nhiệt tình đấu tranh cách mạng và giai cấp tư sản vẫn tồn tại trên cơ sở chiếm đoạt giá trị thặng dư. Điều đó, chứng thực quan điểm của C. Mác rằng, xác thịt của tư bản có thể thay đổi nhưng bản chất bóc lột giá trị thặng dư của nhà tư bản thì không hề thay đổi. Chừng nào xã hội còn áp bức, bóc lột, bất công, chừng đó nhân loại còn phải tiếp tục đấu tranh cho một xã hội tự do, dân chủ, không còn áp bức, bóc lột, bất công.
Cách mạng là sáng tạo. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin xa lạ với những lý thuyết xơ cứng, giáo điều, thoát ly cuộc sống. Theo chỉ dẫn của V.I. Lê-nin: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đó xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”. Để lý luận cách mạng được vận dụng thắng lợi vào cuộc sống trong thời đại hiện nay, nhất thiết phát huy tinh thần nỗ lực, sáng tạo cách mạng của khối quần chúng đông đảo, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi đi cùng năm tháng, cổ vũ cho tinh thần đấu tranh không mệt mỏi để xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.