Cách mạng Cuba thành công - sự kiện chính trị ảnh hưởng lớn ở Mỹ Latinh thế kỷ XX

Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2019, nhân dân Cuba vui mừng tổ chức Kỷ niệm 60 năm Ngày Cách mạng Cuba thành công (1/1/1959 - 1/1/2019).

Nhân dịp này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phỏng vấn Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera về ý nghĩa của sự kiện đối với Cuba nói riêng và khu vực Mỹ Latinh nói chung. 

Chú thích ảnh
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Ngày 1/1/1959 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Cuba khi chế độ độc tài Batista bị lật đổ, cách mạng dân tộc dân chủ của nhân dân Cuba giành thắng lợi, chấm dứt 5 thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Đồng chí có thể cho biết quân và dân Cuba, dưới sự lãnh đạo của người chiến sĩ cách mạng kiên trung Fidel Castro, đã giành được chiến thắng quan trọng này như thế nào và sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đối với đất nước và người dân Cuba nói riêng và khu vực Mỹ Latinh nói chung?
 
Chiến thắng ngày 1/1/1959 là một trong những sự kiện chính trị có sức ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ Latinh trong thế kỷ XX. Với Cuba nói riêng, chiến thắng này là kết quả của cuộc đấu tranh giành độc lập được khởi xướng từ thế kỷ XIX, đầu tiên là chống lại thực dân Tây Ban Nha, sau đó là lật đổ chính quyền phản động được Mỹ hậu thuẫn.

Quá trình bảo vệ cách mạng trải qua nhiều gian khổ, khi Cuba chỉ nằm cách Mỹ 90 dặm và phải đối mặt với ách cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính nặng nề mà chưa quốc gia nào bị gánh chịu.
 
Ở trong nước, cách mạng đã vực dậy nhiều lĩnh vực vốn bị coi nhẹ, nhờ có các chính sách dân chủ xã hội bao trùm. Những chính sách này đã biến Cuba trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và văn hoá. Từ sau năm 1959, không bậc cha mẹ nào phải lo kiếm tiền cho con đi học ở tất cả các cấp, bao gồm cả đại học, cũng không phải trả tiền khám chữa bệnh.
 
Những thành quả xã hội của cách mạng Cuba đã đem lại lợi ích cho nhiều dân tộc khác. Hiện nay, Cuba vẫn đang tiếp tục đóng góp vào việc cải thiện thực tiễn xã hội cho nhân loại ở nhiều cấp độ. Đến nay, hơn 35.600 cán bộ y tế của 138 nước đã được đào tạo miễn phí ở Cuba. Các bác sĩ Cuba cũng thực hiện nhiệm vụ tại 165 quốc gia trên thế giới. Thông qua Chương trình “Tôi có thể” do các chuyên gia Cuba thiết kế, hơn 9 triệu người ở 30 quốc gia đã được xóa mù chữ.

Cuba cũng hỗ trợ cuộc đấu tranh giành độc lập của Angola và Namibia. 
 
Trong quan hệ đối ngoại, Cuba đóng vai trò tích cực trong Phong trào các nước không liên kết. Ở khu vực, Cuba tiên phong trong việc thành lập các cơ chế hội nhập và hiệp thương chính trị như Liên minh Bolivar vì nhân dân châu Mỹ của chúng ta (ALBA/TCP) và Cộng đồng Mỹ Latinh và Caribe (CELAC). 

Chú thích ảnh
Binh sĩ Cuba tại buổi lễ kỷ niệm 59 năm Cách mạng thành công, ngày 1/1/2018. Ảnh tư liệu: Reuters/TTXVN

Ngày nay, 60 năm sau khi giành được độc lập, đất nước Cuba đang bước vào giai đoạn phát triển mới, thực hiện tiến trình cập nhật hóa mô hình kinh tế và xã hội, xã hội chủ nghĩa. Đồng chí cho biết Đảng và Nhà nước Cuba đã đề ra những chủ trương, chính sách và giải pháp gì để thực hiện thành công tiến trình này, đưa đất nước Cuba tiếp tục phát triển trong thời gian tới?
 
Công cuộc cập nhật mô hình kinh tế - xã hội ở Cuba xuất phát từ nhu cầu đổi mới để hoàn thiện các cấu trúc, thể chế và chính sách tương ứng với tình hình thực tế và sửa chữa những khuyết điểm, nhằm hỗ trợ một cách thực tế và sáng tạo quá trình phát triển của đất nước.

Phương hướng để xác định và hoàn thành các nhiệm vụ này nằm trong 3 văn kiện then chốt: Đường lối chính sách kinh tế và xã hội; Khái niệm hóa mô hình kinh tế xã hội theo định hướng xã hội xã chủ nghĩa và Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội quốc gia đến năm 2030. 
 
 Trong bối cảnh những thay đổi này, Cuba đã thực hiện nhiều biện pháp quan trọng trong lĩnh vực hành chính, cơ cấu doanh nghiệp và các mô hình quản lý khác nhau cùng tồn tại trong nước. Năm 2013, Luật di cư mới có hiệu lực, đem lại nhiều lợi thế hơn cho người Cuba sinh sống làm ăn ở nước ngoài. Năm 2014 Cuba thông qua luật đầu tư mới như một sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 
 
Cuối cùng, với mong muốn tạo ra một bộ luật thống nhất với những thay đổi đang diễn ra trong nước, Cuba đã tiến hành cải cách hiến pháp dân chủ, trong đó mọi người dân đều được tham gia, kể cả người định cư ở nước ngoài. Quá trình này đã giúp Cuba có một khung pháp lý phù hợp để tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế, thể chế và xã hội. 

Chú thích ảnh
Hình ảnh lãnh tụ Fidel Castro trên đường phố Habana, Cuba ngày 10/6/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam và Cuba đã vượt qua thử thách của lịch sử và thời gian, trở thành biểu tượng của thời đại. Theo đồng chí, trong thời gian tới, hai nước chúng ta cần làm gì để làm sâu sắc hơn mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho sự phát triển của mỗi nước?
 
Quan hệ Việt Nam - Cuba là mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác hiếm có và mẫu mực trên thế giới. Hai nước cùng đối mặt với nhiều thách thức chung. Cả Việt Nam lẫn Cuba đều theo đuổi mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc Đổi mới và Cập nhật hệ thống kinh tế xã hội của mỗi bên, phù hợp với điều kiện riêng của từng nước. 
 
Tuy hai nước đã có nhiều kinh nghiệm hợp tác kinh tế thương mại, Việt Nam và Cuba cần nâng mối quan hệ lên xứng tầm với quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có. Hiện nay hai nước đang cùng nỗ lực để tăng cường quan hệ thương mại và mở rộng sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án đầu tư ở Cuba.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 28 - 30/3/2018, La Habana đã tái khẳng định ủng hộ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào quá trình phát triển của Cuba, trong bối cảnh đất nước Mỹ Latinh đang đẩy mạnh cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội.
 
 Tôi cho rằng, hai bên cần tiếp tục triển khai các thỏa thuận trong chuyến thăm cấp Nhà nước Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 8 - 10/11 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel, cũng như tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế hợp tác như Ủy ban liên Chính phủ, cơ quan này đã nhóm họp gần đây nhất vào tháng 11/2018 ở La Habana. 
 
Hai nước cũng cần hỗ trợ các thành phần kinh tế, để Việt Nam có sự hiện diện ngày càng lớn ở Cuba và để thúc đẩy các sáng kiến trao đổi trong những lĩnh vực Cuba có nhiều tiềm năng như chăm sóc sức khỏe, thể thao và y dược.

Cuối cùng, chúng ta cần bảo vệ và nhân rộng những kinh nghiệm hợp tác giữa Việt Nam và Cuba trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, xây dựng, khoa học công nghệ, tư pháp, giáo dục đại học, báo chí và văn hóa.
 
Trân trọng cảm ơn Đại sứ.

Nguyễn Thu Phương/TTXVN (thực hiện)
Việt Nam - Cu Ba là biểu tượng của tình đoàn kết vượt khoảng cách địa lý
Việt Nam - Cu Ba là biểu tượng của tình đoàn kết vượt khoảng cách địa lý

Cách đây 45 năm, vào khoảng giữa tháng 9/1973, đồng chí Fidel Castro, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ đã vượt nửa vòng trái đất đến thăm vùng tuyến lửa Quảng Trị để được tận mắt chứng kiến chiến trường ác liệt và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN