Lãnh đạo giáo hội của 43 tổ chức tôn giáo đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống dịch, có chỉ dẫn, thông tin minh bạch (thông bạch) yêu cầu các tổ chức tôn giáo trực thuộc giảm các cuộc lễ cầu nguyện tập trung đông người, không mời, đón giáo sỹ tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là ở các quốc gia có dịch (Italy, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Chung tay phòng, chống dịch
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã hủy chương trình đón đoàn Phật giáo Nepal, Trung Quốc vào Việt Nam; có văn bản báo cáo xin phép Bộ Y tế chấp thuận cho mua khẩu trang gửi hỗ trợ kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản phòng chống dịch; tạm dừng lễ hội, khóa tu...
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Phật giáo quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, ngay sau khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động toàn dân chung tay phòng, chống dịch COVID-19, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra thông bạch gửi Ban Trị sự các tỉnh, thành phố và các tăng, ni, Phật tử ủng hộ kinh phí để mua trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm kịp thời giúp đỡ đồng bào trong khu cách ly tập trung.
Với tinh thần từ bi của đạo Phật, ngày 19/3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trao tặng 5 phòng áp lực âm, trị giá 3,5 tỷ đồng cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để chuyển đến các tỉnh, thành đang có diễn biến dịch bệnh căng thẳng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh…
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ nơi cách ly tại các tự viện lớn khi cần thiết, cũng như sẽ tiếp tục vận động tăng, ni, Phật tử phát tâm đóng góp để cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh. Giáo hội cũng cam kết tiếp tục chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận và nhân dân cả nước để đóng góp một phần công sức của mình vào công tác chống dịch.
Các tổ chức tôn giáo khác như: Hồi giáo, tôn giáo Baha’i Việt Nam; Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam; Phật giáo Hòa Hảo; Cao Đài, Minh Sư đạo, Minh Lý đạo… hoãn các cuộc thi giáo lý, các đại hội nhiệm kỳ, hội nghị, hội thảo tôn giáo, tích cực khai báo y tế, kịp thời thông tin về dịch bệnh trên các trang thông tin, website của giáo hội để khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Một số giáo hội đã vận động ủng hộ kinh phí gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội, để đồng hành trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 như: Hội thánh Tin lành Lời sự sống Việt Nam ủng hộ 100 triệu đồng; Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của chúa Jesu Kito ủng hộ 50.000 chiếc khẩu trang, trị giá khoảng 300 triệu đồng.
Những việc làm tích cực, kịp thời, trách nhiệm của giáo hội các tôn giáo được chính quyền các cấp ghi nhận và đánh giá cao, đã góp phần kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động tích cực, vẫn có các hoạt động của một số tôn giáo có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Điển hình là việc 106 người (số liệu rà soát đến ngày 20/3) ở 5 tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh dự sự kiện tôn giáo (Istimah) tại thánh đường Hồi giáo Seri Petaling, ở ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia, nơi tập trung khoảng 16.000 người theo đạo Hồi giáo đến từ nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong số này, hai người đã xác định mắc COVID-19 (bệnh nhân số 61 và 67).
Bệnh nhân số 61 là ông B.T.T, một chức sắc tôn giáo tại Ninh Thuận. Ngày 27/2, ông này xuất cảnh sang Malaysia bằng con đường du lịch, ngày 4/3 trở về Việt Nam trên chuyến bay VJ826 và ở lại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 5/3, ông B.T.T trở về Ninh Thuận và tham dự buổi lễ cầu nguyện tại thánh đường Hồi giáo Văn Lâm, có tiếp xúc với nhiều người ở địa phương.
Nêu cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng
Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, trong tháng 4/2020, các tôn giáo có nhiều lễ trọng như: Lễ Phục sinh của đạo Công giáo, Tin lành (12/4), Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn Hội đồng Giám mục Việt Nam và các Hội thánh Tin lành có cách thức sinh hoạt tôn giáo phù hợp với tình hình thực tiễn, không tập trung tổ chức cầu nguyện; chính quyền các cấp không tổ chức thăm hỏi chúc mừng Lễ Phục sinh; giao các vụ chuyên môn của Ban thiết lập kênh liên lạc trực tuyến hướng dẫn hoạt động tôn giáo; hướng dẫn các tổ chức tôn giáo nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch, không để lây lan dịch bệnh trong khu vực dân cư.
Đối với lễ Phật đản của Phật giáo, Tết Chol Chnam Thmay trong đồng bào Khmer và các đại hội nhiệm kỳ 2020 -2025 của các Hội thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan, Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý, Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo... diễn ra ở 20 tỉnh, thành phố phía Nam, đây là những lễ trọng theo Hiến chương, điều lệ của các tôn giáo nên sẽ có nguy cơ lây nhiễm rất cao, vì các sinh hoạt tôn giáo rất khó hạn chế được số lượng người tham dự. Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản yêu cầu giáo hội tạm dừng và lùi thời gian đại hội vào thời gian thích hợp cho đến khi dịch bệnh COVID-19 được ngăn chặn, đẩy lùi.
Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục hướng dẫn lãnh đạo giáo hội các tổ chức tổ chức tôn giáo thực hiện nghiêm túc việc hoãn các đại hội, lễ hội tôn giáo thường niên và hạn chế các cuộc lễ có đông người tham dự; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, vận động những người ở nước ngoài trở về Việt Nam trong thời điểm này phải khai báo y tế chi tiết, đầy đủ về địa điểm, hành trình di chuyển… nêu cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Đồng Nai, An Giang, Tây Ninh và Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo các tỉnh, thành phố, kiểm tra, xác minh và phát hiện nhanh các tín đồ Hồi giáo đã đi Malaysia dự lễ và tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người dương tính với COVID-19 mà chưa tự giác khai báo, để vận động họ ra khai báo, thực hiện biện pháp cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Ban Tôn giáo Chính phủ đã đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo các địa phương rà soát, lập danh sách, phân loại các trường hợp đã tham dự lễ tại Malaysia đã tiếp xúc với F0, F1... áp dụng các biện pháp cách ly triệt để. Đối với những vùng có dịch, chính quyền địa phương trao đổi với lãnh đạo Giáo hội để đóng cửa các cơ sở thờ tự, thực hiện các biện pháp phòng dịch, khử khuẩn và thông tin kịp thời, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng, chống dịch.