Đồng thời, người và phương tiện đến từ các tâm dịch ở các địa phương khác không được lưu thông vào địa bàn tỉnh Hải Dương; trong đó lưu ý người và phương tiện đến từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và đi qua địa phương trên Quốc lộ 38, 18 và các tuyến đường khác.
Tỉnh Hải Dương cũng quyết định tạm dừng hoạt động 20 bến khách ngang sông (bến phà, bến đò) giữa tỉnh Hải Dương với các tỉnh, thành phố lân cận. Trong đó, thị xã Kinh Môn có 9 bến; huyện Nam Sách có 2 bến; thành phố Chí Linh có 1 bến; huyện Kim Thành có 1 bến; huyện Thanh Hà có 3 bến, huyện Bình Giang có 1 bến và huyện Ninh Giang có 3 bến. Các bến phà và bến khách ngang sông nội tỉnh được phép hoạt động, nhưng chỉ được chở tối đa 50% số chỗ nhưng không được quá 20 người/chuyến.
Trước đó, từ 0 giờ ngày 10/5, tỉnh Hải Dương đã tạm dừng hoạt động đối với xe ô tô du lịch. Đối với xe ô tô, phương tiện kinh doanh vận tải khách gồm: xe buýt, xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi chỉ được chở tối đa 50% số chỗ, nhưng không được quá 20 người/xe. Đối với xe từ 5 chỗ ngồi chở xuống chỉ được phép chở tối đa không quá 3 người (gồm cả lái xe). Xe từ 5 chỗ đến 9 chỗ ngồi chỉ được phép chở tối đã không quá 4 người (gồm cả lái xe).
Ngoài ra, tỉnh quyết định thành lập 27 chốt liên ngành cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Các chốt này đặt tại các địa phương tiếp giáp với các tỉnh xung quanh Hải Dương và có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào địa bàn; yêu cầu người, phương tiện vào địa bàn tỉnh phải khai báo y tế, phun khử khuẩn theo quy định; kiên quyết không để người và phương tiện đến từ các tâm dịch ở địa phương khác vào địa bàn.
Để tránh ùn tăc giao thông tại các chốt, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đã phối hợp với Viettel chi nhánh Hải Dương lắp đặt 27 điểm khai báo y tế điện tử (quét mã QR) tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 cấp tỉnh nhằm giúp người dân khai báo y tế nhanh chóng, tiện lợi.