Sau ba ngày liên tục thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách, sáng 6/11 Quốc hội sẽ bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tổng thời gian dành cho hoạt động này là 2,5 ngày (ngày 6/11, ngày 9/11 và sáng 10/11/2020).
Phóng viên báo Tin tức đã ghi nhận những ý kiến của các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn đầu tiên vào sáng 6/11:
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long): Giám sát tới cùng trách nhiệm, lời hứa của các Bộ trưởng
Đây sẽ là kỳ chất vấn thu hút được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội thực hiện chức năng giám sát của mình đối với hoạt động của Chính phủ cũng như thành viên Chính phủ về lời hứa của mình trước khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Quốc hội giám sát tối cao vai trò của các thành viên Chính phủ cũng như các nhân sự được Quốc hội bầu phê chuẩn thông qua hình thức chất vấn trên hội trường. Sau mỗi kỳ giám sát hay buổi chất vấn như vậy, Quốc hội cũng sẽ có Nghị quyết; trong đó nêu rõ những việc đã làm được, chưa làm được gắn với mỗi ngành, lĩnh vực và cá nhân những thành viên Chính phủ hoặc những nhân sự được Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Trên cơ sở những Nghị quyết đó, các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa, việc thực hiện trách nhiệm của các thành viên Chính phủ thông qua lời hứa trước Quốc hội và cử tri, nhân dân cả nước.
Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và thông qua hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện chức năng giám sát của mình, kiểm tra lại những kết quả không chỉ liên quan đến lời hứa của các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ mà còn có lời hứa liên quan đến các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội): Dịp hiến kế để các Bộ trưởng, Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới
Trong cả nhiệm kỳ này, đại biểu Quốc hội sẽ kiên định với những vấn đề mình đặt ra, những vấn đề nào đó được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng, khi Bộ trưởng trả lời trước hội trường mà chưa thỏa đáng thì các đại biểu có chất vấn trở lại.
"Tôi nghĩ những vấn đề gì mà đại biểu Quốc hội nêu ra mà các Bộ trưởng chưa làm được chắc chắn sẽ được đại biểu Quốc hội hỏi lại. Các Bộ trưởng, trưởng ngành phải báo cáo lại với đại biểu những vấn đề đã hứa trước đây, làm được đến đâu, cái gì chưa làm được và lí do vì sao", ông Cường nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, với tinh thần thẳng thắn và cởi mở, chắc chắn các phiên chất vấn sẽ không có gì căng thẳng mà trở thành cuộc trao đổi có hiệu quả cùng những gợi ý, hiến kế để các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Làm rõ hơn những vấn đề đại biểu quan tâm
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, đây là kỳ họp quan trọng để chúng ta đánh giá lại những mặt được và chưa được để đề xuất những giải pháp cho năm sau.
Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vì vậy trong 3 ngày thảo luận tại hội trường vừa qua, các đại biểu Quốc hội thảo luận rất sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, giáo dục...
Các đại biểu Quốc hội tranh luận rất sâu về từng vấn đề và đã xuất hiện những vấn đề cần có ý kiến trao đi đổi lại, giải trình của các thành viên Chính phủ. Đoàn Chủ tịch cũng đã mời các thành viên Chính phủ trao đổi để làm rõ hơn những vấn đề được đại biểu và cử tri, nhân dân cả nước quan tâm, thấy được những vấn đề đặt ra đã đúng và trúng hay chưa và giải pháp sắp tới là gì.
"Tôi cho rằng những nội dung chất vấn sẽ cũng xoay quanh những vấn đề đại biểu quan tâm và sẽ làm sâu hơn", đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.