Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, với chức năng và vai trò từ vị thế của cơ quan lập pháp, các nghị viện, cũng như cá nhân các nghị sĩ, đóng vai trò hết sức quan trọng để thúc đẩy và giám sát việc thực hiện các mục tiêu này.
Diễn đàn là dịp để các đại biểu thảo luận về các ý tưởng và hành động nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh đồng thời phải ứng phó với biến đổi khí hậu; để các nghị sĩ chia sẻ những bài học, kinh nghiệm hay trong xây dựng chính sách, pháp luật, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy các hành động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Với việc mời đại diện các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển tham dự, Việt Nam mong muốn Diễn đàn cũng là cơ hội để trao đổi về các sáng kiến thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong đó có cộng đồng Pháp ngữ, các đối tác phát triển, các thể chế tài chính và khu vực tư nhân, hướng tới các mục tiêu mà chủ đề của Diễn đàn đặt ra.
"Từ kinh nghiệm của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy hướng đi thành công nhất để đạt được các mục tiêu này là mô hình hợp tác có sự tham gia của nhiều bên, trong đó điển hình nhất là hợp tác ba bên: một bên là các nước có nhu cầu tiếp nhận hỗ trợ, một bên là những nước và tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để chia sẻ, và một bên là những nước và đối tác phát triển có nguồn lực để tài trợ thực hiện việc chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Diễn đàn nghị viện về hợp tác Pháp ngữ là một trong những hoạt động của nghị viện Pháp ngữ, sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Paris. Quốc hội Việt Nam mong muốn thông qua hoạt động này góp phần thúc đẩy hợp tác Pháp ngữ: Theo đó, khuyến khích, ủng hộ các hoạt động hợp tác về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số, khởi nghiệp, thúc đẩy đối tác công - tư; quảng bá tiếng Pháp, thúc đẩy đa dạng văn hóa; và nhấn mạnh quyết tâm của các nước Pháp ngữ trong việc thực hiện phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa nỗ lực tăng trưởng, xóa đói nghèo và bảo vệ môi trường.
Trên tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn, nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các nước trong cộng đồng Pháp ngữ để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo sinh kế cho mỗi hộ gia đình và an ninh lương thực cho mỗi quốc gia, đi đôi với việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong xóa đói và giảm nghèo bền vững cũng như trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và đang nỗ lực hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững theo Chương trình nghị sự đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam vừa bước qua năm 2024 với nhiều thành quả ấn tượng: Tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD; lạm phát được kiểm soát dưới 4%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận kỷ lục 786 tỷ USD; đầu tư nước ngoài thu hút 38,2 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện đạt 25,4 tỷ USD; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, kinh tế vĩ mô được giữ vững ổn định.
Nông nghiệp là một trong những thành quả quan trọng mà Việt Nam đạt được thời gian qua. Trong giai đoạn khó khăn của Đại dịch COVID-2019, nông nghiệp đã là trụ đỡ của nền kinh tế. Nhờ đầu tư vững chắc cho nông nghiệp, Việt Nam đã không chỉ tự đảm bảo được an ninh lương thực, mà còn cung cấp nông sản cho thế giới.
Năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD; trong đó xuất khẩu gạo trên 9 triệu tấn, đạt giá trị 5,7 tỷ USD. Hướng đến mốc 100 năm lập nước, Việt Nam đang đặt mục tiêu bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với mong muốn về một kỷ nguyên dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
"Để đạt được các mục tiêu này, chúng tôi đang tập trung quyết tâm chính trị cao, tiến hành nhiều giải pháp cải cách mạnh mẽ và đột phá chiến lược, khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc và khát vọng phát triển đất nước", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.
Diễn đàn với ba phiên thảo luận chuyên đề: Hợp tác giữa các nước Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững; Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề an ninh lương thực; Chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia và hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong ngày mai (22/1), các đại biểu sẽ tham quan thực địa một số điển hình của Đồng bằng sông Cửu Long về mô hình nông nghiệp bền vững và chuyển đổi sinh kế, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đi đôi với ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng rằng, qua các hoạt động ý nghĩa này, các đại biểu, nhất là các nghị sĩ, sẽ có thêm kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Một điểm nhấn của Diễn đàn là dự kiến thông qua Tuyên bố Cần Thơ về hợp tác Pháp ngữ trong các lĩnh vực nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời cho rằng, đây sẽ là kết quả quan trọng để khẳng định vai trò quan trọng của các nghị viện Pháp ngữ, đóng góp của các nghị sĩ Pháp ngữ trong việc chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy hợp tác khu vực, liên khu vực và nhiều bên, góp phần biến cam kết thành hành động cụ thể.