Các địa phương được dự báo trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 1 đã khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng chống, di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh bão an toàn...
Trước thông tin Bến Tre là 1 trong số các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 1, Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh đã có công văn khẩn yêu cầu các địa phương ven biển túc trực 24/24h. Đồng thời khẩn trương tiến hành các biện pháp kiểm tra, di dời, hỗ trợ người dân chằng néo nhà cửa và kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão.
Tại huyện Bình Đại, nơi được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã tiến hành di dời hơn 1.500 nhân khẩu từ các cồn, cù lao và một số địa bàn xung yếu tại các xã giáp biển. Theo đó, toàn bộ người dân tại các cồn Thừa Đức, Bình Thời, Thới Trung, Bình Thắng đã được di dời tới những những nơi trú ẩn an toàn. Hiện toàn huyện còn 262 tàu chưa vào bờ, tuy nhiên tất cả đều được kết nối liên lạc và đang nằm ngoài tầm ảnh hưởng của bão. 302 tàu khác đang trong bờ đã được yêu cầu không ra khơi, đồng thời tiến hành các biện pháp bảo vệ an toàn. Tại huyện Ba Tri, theo ông Nguyễn Văn Nhị, Phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện, UBND huyện đã có văn bản khẩn tới tất cả các đơn vị liên quan về thông tin bão cũng như các biện pháp phòng chống. Công tác di dời được hoàn thành vào 4h sáng nay. Theo đó, có hơn 200 người dân tại các xã Bảo Thuận, An Thủy và các cù lao An Hiệp, An Bình thuộc xã An Thủy được đưa đến nơi trú ẩn an toàn. Huyện cũng yêu cầu các trường học ngưng toàn bộ hoạt động cho đến khi có thông báo chính thức. Toàn bộ tàu thuyền chưa kịp vào bờ đều đang nằm ngoài tầm ảnh hưởng của bão, còn các tàu trong bờ đều đang trú ẩn an toàn.
Di dời dân từ xã đảo Thạnh An, Cần Giờ, TPHCM vào sâu trong đất liền tránh bão. Ảnh: Thế Anh-TTXVN. |
* Ngày 1/4, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang cho biết: địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác triển khai các giải pháp đối phó với cơn bão số 1 trong trường hợp đổ bộ vào đất liền, không để thiệt hại xảy ra cho nhân dân các huyện duyên hải Gò Công: Gò Công Đông, Tân Phú Đông, Thị xã Gò Công.
Tỉnh Tiền Giang có 806 tàu khai thác hải sản xa bờ với 6.432 thuyền viên trong đó có 790 chiếc đã vào các nơi tránh trú bão an toàn gần nhất. Số tàu đang hoạt động trên biển là 275 chiếc với 4.681 thuyền viên đánh bắt tại ngư trường ngoài vùng ảnh hưởng của bão. Số tàu thuyền này tỉnh đã liên lạc và thông báo cập nhật kịp thời diễn biến cùng đường đi của bão để chủ động phòng tránh nên chưa có thiệt hại. Ngoài ra, 96 người trên các đáy song cầu và lượng người trên các chòi giữ nghêu đã được sơ tán vào bờ an toàn trong các ngày qua. Đối với nhân dân sống ven biển có khả năng bị ảnh hưởng khi bão đổ bộ vào đất liền, tỉnh đã kịp thời sơ tán bước 1 trên 7.000 người, huy động 2 máy đào cùng vật tư, nhân lực trực sẵn sàng ứng cứu đê biển Gò Công 24/24h. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung gần 30 phương tiện trong đó 25 xe khách sẵn sàng sơ tán bước 2 trên 35.500 dân trong tình trạng khẩn cấp. Tỉnh Tiền Giang đã dự trữ 10 nghìn gói mì tôm và 10 nghìn chai nước suối để cung cấp cho di tán bão. Bội đội Biên phòng tổ chức 200 cán bộ chiến sĩ sẵn sàng cứu đê và giúp dân đối phó thiên tai. Đến trưa ngày 1/4, bão số 1 chưa gây thiệt hại gì đối với địa phương.
* Sáng 1/4, tại vùng biển tỉnh Bình Thuận có mưa lớn, sóng to, gió lớn đã gây sạt lỡ uy hiếp hàng chục căn nhà của bà con khu phố 5, phường Đức Long, tp Phan Thiết (Bình Thuận).
Trước tình hình này, lãnh đạo TP Phan Thiết đã trực tiếp chỉ đạo và huy động lực lượng công an, quân sự và nhân dân địa phương …. với lực lượng tham gia gần 100 người và điều 5 xe tải cùng các phương tiện khác đến hiện trường giúp đỡ và tổ chức di dời bà con vùng bị sóng lớn gây sạt lỡ đến nơi trú ẩn an toàn. Theo ông Phạm Tấn Công, Phó Chủ tịch UBND phường Đức long cho biết: đến thời điểm này đã di đời được 13 hộ đến nơi an toàn và lãnh đạo thành phố, phường và lực lượng cứu hộ, cứu nạn phòng, chống bão lụt đang có mặt tại hiện trường để khẩn trương tiếp tục vận động, di dời những hộ dân cư ra khỏi vùng xung yếu, có khả năng bị sóng biển xâm thực gây sạt lỡ đến nơi trú ẩn an toàn theo phương án phòng chống bão lụt đã đề ra. Phóng viên đang theo dõi và tiếp tục có thông tin về cơn bão.
* Buổi sáng ngày 1/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra lần cuối công tác neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá trên địa bàn. Đại tá Trần Công Hiểu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, qua kiểm tra, hiện các tàu thuyền đã thực hiện nghiêm việc neo đậu, chằng buộc, chống va đập, theo đúng hướng dẫn. Theo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, đến 9 giờ sáng ngày 1/4 đã có 3.852 tàu cá với hơn 19.700 ngư dân vào các cảng cá của trên địa bàn tỉnh neo đậu tránh trú bão và đều được sắp xếp ổn định. Toàn bộ 34 hộ đóng đăng đáy tại Sao Mai, Cồn Thu và Long Sơn (Tp.Vũng Tàu) cũng đều đã vào bờ từ trước ngày 31/3. Riêng 4 nhà hàng nổi và 65 lồng bè tại xã Long Sơn đã cam kết sẽ vào bờ trước khi bão đổ bộ vào.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết thêm, cân nhắc tình hình thực tế, hiện tại tỉnh vẫn chưa quyết định di dời dân đến các điểm tập trung quy mô lớn mà mới chỉ yêu cầu các hộ gia đình có người già, trẻ em di chuyển sang các hộ có nhà cửa chắc chắn ở gần đó. Ngày 1/4, tỉnh đã cho đóng cửa tất cả các chợ trên địa bàn và cấm hội họp đông người.
* Theo báo cáo từ Ban chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau thì tính đến 12 giờ trưa ngày 1/4, bà con ngư dân tỉnh Cà Mau đã cơ bản hoàn thành triển khai các biện pháp đối phó với bão số 1.
Theo đó đã có gần 300 tàu đã cặp bến 2 cửa biển Sông Đốc và cửa biển Khánh Hội, gần 1.200 phương tiện vào trú ngụ tại các hòn đảo ngoài khơi như đảo Hòn Chuối, đảo Hòn khoai. Như vậy các phương tiện nầy đã vào tạm trú ở những nơi an toàn. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Cà Mau vẩn còn gần 1.000 phương tiện đang hoạt động ngoài khơi, bà con đã nhận được thông tin cũng như biết được hướng đi của bão nên đã chủ động đối phó. Nhiều phương tiện đã điều khiển cho tàu đi khỏi nơi ảnh hưởng của bão và tiếp tục khai thác.
Tỉnh Cà Mau là địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều thuộc hạng nhất nước với gần 4.000 chiếc, trong đó có gần 1.000 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên. Năm 1997 bão số 4 bất ngờ ập vào Mũi Cà Mau làm cho 1.300 người thiệt mạng, tổn thất đó còn ảnh hưởng cho tới bây giờ. Từ đó đến nay chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho ngư dân, trong đó bắt buộc các chủ phương tiện phải thực hiện đầy đủ các quy đinh về trang bị áo phao, tín hiệu cấp cứu, thông tin liên lạc. Mặt khác, ý thức về thảm họa của bão đối với người dân bây giờ cũng được nâng lên, cộng với sự chính xác trong dự báo thời tiết, nhờ đó mà bà con ngư dân chủ động sống chung với mọi điều kiện thời tiết.
TTXVN/Tin tức