Các địa phương chuẩn bị phương án đối phó với virus Corona

Nhiều địa phương trên cả nước đang chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp sẵn sàng đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona.

* Sáng 2/2, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức Diễn tập phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (xã Phong An, huyện Phong Điền). Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã đến theo dõi, giám sát và nắm bắt tình hình diễn tập.

Chú thích ảnh
Tình huống giả định: Bệnh nhân được các bác sỹ chuyển vào phòng cách ly. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Tình huống giả định là tiếp nhận 2 trường hợp nghi nhiễm nCoV, các y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế phải chẩn đoán, cách ly và điều trị cho các bệnh nhân. Trong đó, một trường hợp là bệnh nhân nam có tiền sử đi công tác từ vùng có dịch nCoV, nhập viện kèm triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi 2 ngày. Và một trường hợp bệnh nhi ngoại tỉnh, có dấu hiệu ho, sốt, khó thở; du lịch cùng gia đình tại Trung Quốc từ 7 ngày trước.

Tham gia đợt diễn tập là đông đảo đội ngũ các nhân viên y tế thuộc nhiều khoa bệnh như cấp cứu, nhiệt đới, vi sinh, nhi, phổi, xét nghiệm và Ban phòng chống dịch của Bệnh viện. Ekip trực tiếp điều trị của các khoa đã diễn tập thực hiện các bước tiệt khuẩn, tiệt trùng, thăm khám lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm, hội chẩn, đặt nội khí quản, thở máy, chụp X-quang và đưa ra phác đồ điều trị... đối với 2 trường hợp giả định.

Thông qua diễn tập, các y, bác sỹ chủ động, sẵn sàng tinh thần, kĩ năng y khoa và phát huy hiệu quả phối hợp “chiến đấu” với dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV tại địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh, thành lân cận.

Tính đến sáng 2/2, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với nCoV. Tuy nhiên tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động cụ thể để phòng, chống dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn. Đặc biệt, Bệnh viện Trung ương Huế đã chuẩn bị sẵn sàng để “chiến đấu” với dịch bệnh ngay khi có trường hợp nghi ngờ.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh viện hiện là một trong ba đơn vị được Bộ Y tế phân tuyến điều trị cuối khi có diễn biến nặng hoặc được xác định dương tính với nCoV đối với người bệnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên (từ Quảng Bình đến Phú Yên). Bệnh viện đã triển khai chặt chẽ, một cách chính quy, chuyên nghiệp nhiều hoạt động đảm bảo phòng, chống dịch nCoV để khi có tình huống xảy ra, chủ động đối phó và tránh phát sinh những sự cố liên quan đến dịch bệnh.

Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức 3 khu cách ly cho những bệnh nhân vào làm công tác xét nghiệm và chẩn đoán xác định có virus Corona hay không khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm nCoV. Ngoài ra, trong trường hợp có dịch xảy ra lẻ tẻ, rải rác với số lượng nhiều bệnh nhân thì bệnh viện đã có khu cách ly riêng để tổ chức cách ly đảm bảo cho công tác điều trị cũng như phòng chống lây lan dịch bệnh cho những đối tượng khác.

Chú thích ảnh
Tình huống giả định: Phun thuốc tiệt khuẩn xung quanh giường bệnh của bệnh nhân khi đưa vào phòng cách ly. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Đặc biệt, với trường hợp xấu dịch bệnh bùng phát, bệnh viện sẽ tổ chức một khu độc lập tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế (huyện Phong Điền, cách thành phố Huế hơn 20 kilomet) phân lập với các vùng khác. Điều này rất thuận lợi trong việc thu dung, cách ly bệnh nhân cũng như hoàn tất cho công việc điều trị trong công  tác phòng chống dịch.

Trước đó, bệnh viện cũng đã tổ chức tập huấn đột xuất cho các y, bác sỹ cách ly, phòng ngừa và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân để tránh trường hợp lây lan bệnh dịch ngay tại bệnh viện.

Ngoài ra, hai đội cơ động thường trực phòng chống bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus mới Corona gồm 12 thành viên của Bệnh viện Trung ương Huế được thành lập, sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới theo sự điều động của Bộ Y tế.

Trước tình hình “sốt” khẩu trang và các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch khắp cả nước, Bệnh viện Trung ương Huế đã quyết định xuất kho hàng ngàn khẩu trang mỗi ngày để tặng cho những người dân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở kèm theo sự hướng dẫn cụ thể về dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh dịch nCoV. Ngoài ra, hệ thống các quầy thuốc tại bệnh viện cũng được yêu cầu duy trì giá bán khẩu trang theo khung giá định sẵn.

* Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (dịch bệnh nCoV), song song với các giải pháp đồng bộ về y tế đã được triển khai trên địa bàn, tỉnh Kiên Giang tập trung thực hiện nhiều giải pháp khác ứng phó với dịch bệnh này.

Theo đó, tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và truyền thông Kiên Giang chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan báo, đài tập trung tuyên truyền cho nhân dân và cộng đồng để mọi người hiểu rõ, có trách nhiệm tích cực phòng chống, không hoang mang, dao động trước diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng cập nhật, theo dõi xử lý và phản bác những thông tin không chính xác, bịa đặt, lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc nhằm gây hoang mang cho cộng đồng.

Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang làm đầu mối, phối hợp với các ngành hữu quan, địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV trong hoạt động lễ hội, di tích, nhất là kiểm tra, giám sát việc tổ chức các lễ hội tại đình, chùa như: Lễ cầu an, lễ kỳ yên, lễ cầu quốc thái dân an… Tạm dừng tổ chức các lễ hội chưa khai mạc, các hoạt động tập trung đông người, hội nghị, hội thảo để tập trung phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân hạn chế tham gia hoạt động du xuân, lễ hội và đeo khẩu trang khi ra đường, đến nơi đông người…

Tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang và các tổ chức thành viên chủ động phối hợp với ngành y tế và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động toàn xã hội tích cực thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh nCoV.

Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, tỉnh cho phép học sinh nghỉ học từ ngày 3 - 8/2/2020 và chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV. Trường Đại học Kiên Giang tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cho sinh viên của trường đến hết ngày 09/02/2020 để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh nCoV.

Sở Y tế Kiên Giang yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược phải đảm bảo nguồn hàng cung cấp có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; niêm yết, công khai giá các mặt hàng tại cơ sở kinh doanh dược. Sở Y tế nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa thị trường và dịch bệnh để thu gom, bán hàng kém chất lượng, hàng giả, tăng giá bán bất hợp lý đối với các trang thiết bị y tế bảo vệ sức khỏe như: Khẩu trang, nước sát trùng, găng tay y tế cho người dân… Sở Y tế Kiên Giang và các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra tất cả cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn kết hợp tiếp nhận thông tin từ đường dây nóng, người dân phản ánh để xử lý, nếu phát hiện các hành vi sai phạm sẽ đình chỉ hoạt động của cơ sở và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đến thời điểm này, các ngành chức năng đã ra quân kiểm tra, kiểm soát mặt hàng khẩu trang y tế trên toàn địa bàn tỉnh hơn 150 cơ sở kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế, xử lý 1 cơ sở vi phạm không niêm yết giá; tuyên truyền vận động các cơ sở cam kết không lợi dụng dịch bệnh găm hàng, tăng giá bất hợp lý, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Cùng với đó, Sở Y tế Kiên Giang thành lập 27 đội thường trực cơ động phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh nCoV. Những đội này thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở y tế thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh nCoV khi có yêu cầu và mức độ dịch.

Cụ thể là tại Sở Y tế thành lập 1 đội, gồm 3 tổ: Chuyên môn, thông tin tổng hợp báo cáo và hậu cần. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thành lập 2 đội, với mỗi đội được trang bị phương tiện, trang thiết bị, hóa chất…; các đội còn lại thành lập ở trung tâm y tế huyện, thành phố và bệnh viện lớn của tỉnh, mỗi đội trang bị 1 xe ô tô cứu thương và đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe như: Máy thở, máy hút đàm, oxy, thuốc, dịch truyền, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn… theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch.

* Ngày 2/2, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng đã chủ trì cuộc họp với Sở Y tế về công tác chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Nhiềm điểm trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được phun thuốc khử trùng trước khi học sinh trở lại học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế sẵn sàng các phương án phòng chống dịch bệnh cụ thể và sát với tình hình thực tế của tỉnh; khẩn trương phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các kế hoạch phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Sở Y tế thường xuyên cập nhật các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của Bộ Y tế để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng chống dịch bệnh; bảo đảm đủ phương tiện vật tư, trang thiết bị và hướng dẫn chuyên môn cho các địa phương. Đặc biệt là tầm quan trọng đối với việc lập phòng, khu vực cách ly ca bệnh có nghi ngờ hoặc ghi nhiễm; chủ động thành lập đội phản ứng nhanh ở các bệnh viện và Trung tâm y tế các huyện; đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức của người dân về dịch bệnh không nên chủ quan.

Ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ và nhiễm nCoV. Tuy nhiên ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành và địa phương triển khai tích cực công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona.

Theo đó, ngành tập trung giám sát chặt chẽ những trường hợp có nghi ngờ như sốt, ho, hoặc đến từ vùng có dịch sẽ tổ chức luồng khám riêng, để cách ly. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân về một số cách phòng chống dịch bệnh như là mang khẩu trang những nơi công cộng, nơi tụ tập đông người; thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng; nếu có biểu hiện sốt, ho... cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm, khám và chẩn đoán. Tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai các phương án sàng lọc, cách ly người bệnh, chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, tập huấn cho nhân viên y tế về dự phòng, truyền thông và quy trình tiếp nhận ca bệnh nghi ngờ nhiễm nCoV.

Ngày 2/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cũng đã có công văn hỏa tốc số 145/SGDĐT-VP về việc cho học sinh, sinh viên toàn tỉnh nghỉ học để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đó, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh được nghỉ học 2 ngày (3 - 4/2/2020); đồng thời ngành Giáo dục, các địa phương và các cơ sở giáo dục tổ chức dọn dẹp trường lớp học.

Cũng trong sáng 2/2, nhiều điểm trường học trên địa bàn thành phố Sóc Trăng đã tổ chức việc phun thuốc khử trùng trường lớp, để đảm bảo an toàn môi trường học đường, học sinh yên tâm học tập.

* Ngày 2/2, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, Sở vừa ban hành công văn gửi các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn về việc lùi lịch học sau Tết Nguyên đán của học sinh và tổ chức vệ sinh trường, lớp để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Theo đó, học sinh các trường Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long nghỉ đến đến hết ngày 5/2; học sinh tất cả các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh nghỉ đến hết ngày 7/2.

Các trường khẩn trương tổ chức tổng vệ sinh, rửa, lau tất cả mặt sàn, bàn ghế của các phòng học, phòng chức năng, ký túc xá, thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ và hành lang, lối đi trong khuôn viên trường bằng xà phòng, hoàn thành trước 15 giờ ngày 3/2. Sau khi các trường vệ sinh xong phòng học, phòng chức năng, các thiết bị, đồ chơi..., ngành y tế sẽ tổ chức phun thuốc diệt khuẩn trong khuôn viên các trường kể từ ngày 3/2.

Song song đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long cũng lưu ý, trong thời gian học sinh nghỉ, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vẫn đến trường để triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành và của Sở về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Các trường cử cán bộ, giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về phòng, chống dịch bệnh do các cơ quan chức năng tổ chức; rà soát, thống kê danh sách cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh của nhà trường trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán đã đến những địa phương (trong và ngoài nước) có người bị nhiễm nCoV,  báo ngành chức năng theo dõi tình hình sức khỏe và kịp thời xử lý.

Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, đến ngày 2/2, tại tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc nCoV. Tuy nhiên, có 3 trường hợp sốt có tiếp xúc với người Trung Quốc và tiếp xúc với Việt kiều về Việt Nam quá cảnh tại Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nhưng không thuộc trường hợp phải giám sát theo Quyết định số 181/QĐ- BYT ngày 21/01/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành "hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona".

Sở Y tế tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị theo dõi tình hình sức khỏe các trường hợp này, đồng thời tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona trên địa bàn toàn tỉnh.

PV TTXVN tại các địa phương
Ninh Bình cách ly 3 trường hợp nghi nhiễm virus Corona
Ninh Bình cách ly 3 trường hợp nghi nhiễm virus Corona

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đang thực hiện cách ly 3 người nghi nhiễm nCoV tại Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện để theo dõi, trong đó có 1 người Việt Nam và 2 người Trung Quốc. Cả 3 trường hợp nhập viện ngày 1/2 với triệu chứng sốt chưa rõ nguyên nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN