Các nông sản sạch được trưng bày tại Trung tâm tư vấn, giới thiệu nông sản thực phẩm an toàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN |
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương tổng kết việc thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất cụ thể về việc này trong thời gian tới.
Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ, trong đó có quy định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm và phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giữa các bộ, ngành, bảo đảm phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng tăng mức phạt tiền, bảo đảm có tính răn đe hơn; sớm ban hành Thông tư thay thế Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế quy định về giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm.
Bộ Tài chính chủ trì xử lý sớm vấn đề kinh phí cho công tác an toàn thực phẩm; phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu phương án bảo đảm kinh phí lâu dài, ổn định cho công tác an toàn thực phẩm theo tinh thần Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Nghiên cứu đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Thanh tra các bộ, ngành được để lại và sử dụng toàn bộ tiền phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, bố trí nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; bổ sung hướng dẫn về mức thu phí, lệ phí tổ chức xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm theo Thông tư 149/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Các bộ: Công an, Quốc phòng, Công thương, UBND các tỉnh có biên giới tăng cường kiểm tra kiểm soát ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn.