Trong đó, tập trung thống kê, rà soát cụ thể về thiệt hại, huy động nguồn lực hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai như dựng lại nhà ở, khôi phục sản xuất, chăm sóc về y tế...; tổ chức các đoàn đến thăm hỏi những gia đình bị thiệt hại do thiên tai đang gặp hoàn cảnh khó khăn.
Chính quyền địa phương cũng chú trọng tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về phòng, chống thiên tai; chủ động bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, có kế hoạch sản xuất, nuôi trồng thủy sản hợp lý.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của thời tiết, thiên tai, đặc biệt là tình trạng sạt lở đê biển, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Ngân hàng Thế giới thống nhất để tỉnh thực hiện cơ chế xử lý khẩn cấp đối với các công trình xử lý sạt lở bờ biển, đê biển; vì nếu làm đúng quy trình sẽ mất nhiều thời gian, không thể xử lý kịp thời sự cố, có thể dẫn đến vỡ đê, gây thiệt hại rất lớn.
Trước mắt, Cà Mau kiến nghị bộ, ngành Trung ương hỗ trợ gần 74 tỷ đồng để địa phương triển khai các công trình khẩn cấp bảo vệ tuyến đê biển Tây. Trong đó, hỗ trợ trên 23 tỷ đồng để khắc phục ngay 2.100 m đang bị sạt lở rất nguy hiểm, có nguy có vỡ đê bất cứ lúc nào theo tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây; hỗ trợ 35,4 tỷ đồng để xử lý sạt lở trên chiều dài 5.447 m tại những đoạn sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến đê biển Tây (đây là những vị trí đai rừng chỉ còn khoảng từ 5 - 15m); hỗ trợ 15,2 tỷ đồng để bơm đất, tạo bãi, phục hồi đai rừng phòng hộ đoạn từ Kinh Mới - Đá Bạc và đoạn Ngọn Tiểu Dừa với chiều dài khoảng 7.000 m.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong những ngày đầu tháng 8/2019, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện mưa to kèm theo sét, dông, lốc xoáy, làm 2 người bị thương, sập 156 căn nhà, tốc mái 817 căn nhà và 1 trường học, làm hỏng 1 trụ ăng ten. Triều cường dâng cao cũng gây ngập cục bộ 1.845 căn nhà, 2.540m lộ nông thôn, 100 ha lúa Hè Thu, 470m bờ bao nuôi tôm bị ngập; sạt lở đất ven sông chiều dài 235m gây thiệt hại 6 căn nhà. Ngoài ra, trên vùng biển Cà Mau thường xảy ra sóng to, gió lớn đã nhấn chìm 2 tàu cá… Tổng thiệt hại ước tính khoảng 32 tỷ đồng.
Đáng chú ý là sóng lớn kết hợp với mưa kèm theo dông lốc và triều cường dâng cao (mực nước đo được tại cống Đá Bạc là +1,70m) khiến nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3 - 0,4m, gây sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 2.100m, sạt lở nguy hiểm 5.447m. Những đoạn sạt lở này có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 26.000 hộ dân sinh sống ven biển và 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Trước tình hình cấp bách trên, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 1278/QĐ-UBND về tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau nhằm huy động mọi nguồn lực cho công tác hộ đê khẩn cấp. Tỉnh đã huy động nhân lực, vật lực xử lý được 356m bằng cừ tràm, 356m bằng vải bạt và tấn 15.000 bao tải đất, tạm thời giữ ổn định cho đê và đang triển khai đắp con trạch bằng bao tải cát trên mặt đê, dự kiến chiều dài con trạch là 356m để ngăn nước biển tràn vào bên trong đê.
Hiện nay, tình trạng đê biển Tây đã tạm ổn định. Tuy vậy, tỉnh Cà Mau vẫn chủ động bố trí lực lượng duy trì túc trực 24/24 giờ tại hiện trường để kịp thời xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra trong mùa mưa bão.