Bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Tanzania

Với những tiềm năng chưa được khai thác, chuyến thăm Tanzania của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ là dấu mốc quan trọng đưa quan hệ hợp tác song phương về mọi mặt.

Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Thống nhất Tanzania John Magufuli, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới Tanzania từ ngày 9-11/3. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ hội đàm với Tổng thống Tanzania về các biện pháp thiết thực và cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hợp tác truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đồng thời đẩy mạnh hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại, nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, du lịch… cùng các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.

Cộng hòa Thống nhất Tanzania nằm ở phía Đông châu Phi, với diện tích hơn 900.000 km2, dân số 50 triệu người. Tanzania có vai trò quan trọng tại các diễn đàn khu vực và thế giới, là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2005 - 2006 và là một trong 8 nước được chọn triển khai thí điểm dự án nâng cao hiệu quả hoạt động của LHQ, đóng góp tích cực tại Phong trào Không liên kết, Liên minh châu Phi (AU), Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Cộng đồng kinh tế khu vực Đông Phi (EAC), chủ nhà Diễn đàn Kinh tế (WEF) châu Phi (5/2010). Nền kinh tế Tanzania vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp với tỷ trọng chiếm 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hiện nước này đang triển khai chiến lược “Ưu tiên phát triển nông nghiệp” với mức đầu tư chiếm 7% tổng ngân sách quốc gia.

Lễ đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân tại sân bay. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Ngoài ra, Tanzania cũng đang chú trọng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, nhất là khai thác và sản xuất vàng. Hiện Tanzania là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ 3 khu vực châu Phi. Bên cạnh đó, Tanzania còn có trữ lượng quặng uranium tương đối lớn. Từ năm 2010, Chính phủ quốc gia Đông Phi này đã cấp phép đầu tư cho các công ty nước ngoài vào một số lĩnh vực kinh tế quan trọng và nhiều dự án lớn đã và đang phát huy hiệu quả. Đặc biệt, năm 2013, Tanzania đã phát hiện mỏ khí tự nhiên có trữ lượng rất lớn ở ngoài khơi khu vực Zamdiba. Hiện Mỹ, Trung Quốc, EU và Nam Phi là những nước đầu tư nhiều nhất vào quốc gia này.

Việt Nam và Tanzania thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/2/1965. Các nhà lãnh đạo Tanzania coi Việt Nam là tấm gương đấu tranh chống xâm lược đối với các dân tộc bị áp bức và ủng hộ tích cực Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tanzania đã ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2008 - 2009, thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016. Đặc biệt, Tanzania đã công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Về chính trị, hai nước đã tích cực trao đổi các đoàn cấp cao như chuyến thăm Tanzania của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu (2006), Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân (2013), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (tháng 5/2014), Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son (tháng 10/2015).... Nhiều quan chức Tanzania cũng đã sang thăm Việt Nam như Ngoại trưởng Jakaya Kikwete - tháng 5/2001, Tổng thống Benjamin Mkapa - tháng 12/2004, Thủ tướng Edward Lowassa - tháng 9/2006, Phó Chủ tịch Quốc hội Anne Makinda - tháng 11/2009, Thủ tướng Pinda - tháng 3/2010 và Tổng thống Jakaya Mrisho Kikwete - tháng 10/2014.

Về kinh tế, năm 2014, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 156 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập siêu 105 triệu USD, với mặt hàng điều thô chiếm 50% kim ngạch nhập khẩu. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 204 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 64 triệu USD. Hiện Tanzania là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau Philippines. Tháng 9/2014, Chính phủ Tanzania đã cấp phép cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel xây dựng và vận hành mạng viễn thông tại Tanzania. Đặc biệt, Viettel đã đưa vào sử dụng mạng di động tại Tanzania với thương hiệu Halotel vào tháng 10/2015. Tuy nhiên, hiện kim ngạch trao đổi buôn bán Việt Nam - Tanzania vẫn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của mỗi nước.

Việt Nam và Tanzania đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương (10/2001), Hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ; Thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp song phương (12/2004); Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Tanzania (9/2006); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ (3/2010)... Về hợp tác nông nghiệp, Tanzania sẵn sàng dành diện tích lớn đất canh tác nông nghiệp cho Việt Nam khai thác, sử dụng và đề nghị Việt Nam cử chuyên gia, kỹ thuật viên sang giúp Tanzania trong lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh. Tanzania cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất máy nông nghiệp để cung cấp cho thị trường nước này và 5 quốc gia Đông Phi láng giềng khác. Hiện nay, hai nước đang tiến hành đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần...

Về đầu tư, Tanzania mong muốn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất máy nông nghiệp nhỏ để cung cấp cho Tanzania và thị trường 5 nước Đông Phi, học tập kinh nghiệm của Việt Nam trong trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.

Với những tiềm năng hợp tác chưa được khai thác, chắc chắn chuyến thăm Tanzania của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ là dấu mốc quan trọng đưa quan hệ hợp tác song phương về mọi mặt, đặc biệt là những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, lên một tầm cao mới.

Hoàng Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại châu Phi))
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Tanzania
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Tanzania

Vào lúc 20h40 phút ngày 8/3, tính theo giờ Tanzania, tức 00h40 phút ngày 9/3 giờ Việt Nam, Chuyên cơ đưa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quốc tế Julius, Nyerere, thành phố Dar Es Salaam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN