Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc sửa hai dự luật đặt trong yêu cầu hết sức cấp bách, cấp thiết, trong tổng thể thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, biên chế, với một tinh thần rất khẩn trương; "quyết định sửa căn bản, toàn diện với triết lý thực sự là tư duy của cải cách, đổi mới, kiến tạo và phát triển”. Hai luật này là một trong những căn cứ rất quan trọng để vận hành nền công vụ, chính quyền địa phương các cấp.
Bộ Nội vụ đã tính toán thiết kế để đáp ứng được yêu cầu về quản trị quốc gia, quản trị địa phương hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và cải cách công vụ, gắn với mục tiêu Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đặt ra, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư là xây dựng luật phải nhằm mục tiêu kiến tạo và phát triển.
Gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tập trung vào 4 vấn đề lớn. Thứ nhất, xác lập một mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thay thế cho mô hình chính quyền địa phương 3 cấp hiện hữu. Chính quyền địa phương hai cấp có cấp tỉnh (tỉnh và thành phố); cấp xã (phường, xã và đặc khu). Mục tiêu thiết kế mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phải đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nhưng quan trọng nhất là gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Thứ hai, Luật phân định một cách rành mạch, cụ thể về thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương. Việc này vừa kế thừa, vừa đổi mới, trong đó đổi mới là căn bản. Thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền thiết kế theo hướng thực hiện phân cấp, phân quyền gần như triệt để. Nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành chuyển gần như tuyệt đối về cho cấp xã. Bên cạnh đó, cấp xã sẽ được tiếp tục phân cấp từ cấp tỉnh nên nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã mới là rất nặng.
“Hiện nay có 99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện thì chuyển cho cấp xã 90 nhiệm vụ, chỉ còn 9 nhiệm vụ là đương nhiên của cấp tỉnh khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện”, Bộ trưởng nói.
Đối với đặc khu, ngoài những chức năng, nhiệm vụ của cấp xã, sẽ bổ sung thêm những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc về tính chất đặc thù của đặc khu. Cùng với đó sẽ có cơ chế, chính sách để sau này Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục bổ sung cho đặc khu để đủ sức vừa thực hiện mục tiêu là khu vực phòng thủ vững chắc, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời cũng là điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, dự luật tập trung vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Đây là điểm nghẽn hiện nay. Bộ trưởng Nội vụ cho hay, có tới 152 nhiệm vụ của Thủ tướng quy định trong 286 luật chuyên ngành và có 143 luật chuyên ngành quy định thẩm quyền của Bộ trưởng. Có 170 luật/186 luật chuyên ngành đang quy định về chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp huyện. Vì vậy bắt buộc phải phân định. Hiện các bộ đang quyết liệt xây dựng nghị định về phân cấp, phân quyền, quyết tâm sau khi bấm nút thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chính phủ sẽ ban hành khoảng 25 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền.
“Chưa bao giờ Chính phủ lại trong một guồng quay, một khối lượng công việc lớn như thế, để thực hiện mục tiêu này”, Bộ trưởng chia sẻ.
Bà cho biết, ngày 9/5, Bộ Nội vụ phải hoàn thiện để báo cáo Bộ Chính trị về việc triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền đáp ứng nguyên tắc và phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Nội dung quan trọng thứ tư trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là giải quyết được những vấn đề hiện nay đang tồn tại của chính quyền địa phương 3 cấp để chuyển giao cho chính quyền địa phương 2 cấp (phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn…).
Nêu cách giải quyết các tồn tại trên, Bộ trưởng nhắc đến phương thức ủy quyền lập pháp. Quốc hội đã ủy quyền cho Chính phủ ban hành các nghị định triển khai, giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn hiện đang nằm ở hơn 300 luật chuyên ngành. Đây là một cuộc cách mạng, một tư duy đột phá của Quốc hội trong việc ủy quyền lập pháp.
Người đứng đầu ngành Nội vụ cũng giải đáp ý kiến một số đại biểu nêu về tiêu chuẩn đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; cho biết tới đây sẽ chuẩn bị tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó sẽ phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để thuận lợi cho việc quản trị địa phương, thúc đẩy phát triển.
Đối với ý kiến về ủy quyền cho địa phương thực hiện giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, trong chính quyền địa phương cấp tỉnh, UBND và Chủ tịch UBND có vị trí, vai trò rất quan trọng. Việc ủy quyền cho địa phương tạm thời thực hiện giao quyền Chủ tịch UBND sẽ không đảm bảo được sự quản lý, quản trị của một hệ thống hành chính quốc gia từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy dự luật vẫn giữ như hiện hành nhưng thủ tục sẽ nhanh hơn. Khi khuyết Chủ tịch UBND, địa phương trình Thủ tướng để Thủ tướng quyết định chỉ định luôn quyền Chủ tịch UBND.
Vẫn giữ ngạch công chức
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân phát biểu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Liên quan đến sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, Bộ trưởng Nội vụ đánh giá, đây là dịp để thay đổi một cách toàn diện về tư duy và triết lý cho nền công vụ, công chức, nên dự luật lần này đổi mới một cách đồng bộ, toàn diện, nhiều nội dung đột phá. Chẳng hạn như xác lập rất rõ về vị trí việc làm.
“Vị trí việc làm là công cụ, là một sợi chỉ xuyên suốt trong tất cả hành trình thiết kế của Luật Cán bộ, công chức, để thể hiện rằng vị trí việc làm là trung tâm, là cốt lõi, quyết định mọi việc từ tuyển dụng, sử dụng đến quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, kỷ luật, khen thưởng”, bà Trà chia sẻ.
Lý giải việc thực hiện vị trí việc làm nhưng vẫn giữ ngạch công chức, Bộ trưởng thông tin, đây là một “công cụ kỹ thuật rất quan trọng để chúng ta phân biệt thứ bậc”. Chúng ta đang triển khai cải cách tiền lương nhưng để thực hiện được còn một chặng đường nữa, nếu bỏ ngay sẽ rất khó thiết kế những vấn đề có liên quan đến cơ chế, chính sách. Vị trí việc làm và ngạch công chức khác nhau hoàn toàn, nhưng lại có mối quan hệ ràng buộc với nhau.
“Khi anh vào vị trí việc làm, tuyển dụng cũng theo vị trí việc làm và đồng thời tương ứng với đó là bổ nhiệm anh vào ngạch luôn, bỏ đi việc tập sự, bớt được 1 năm không cần thiết”, nêu dẫn chứng, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, bỏ việc tập sự sẽ rất hợp lý, đỡ nhiều vấn đề quản lý không cần thiết.
Hay như bỏ kiểm định chất lượng đầu vào quốc gia, đã phân cấp, phân quyền thì không cần thực hiện việc này. “Bộ Nội vụ tổ chức một Hội đồng thi quốc gia để rồi cuối cùng lại giao cho các đồng chí tuyển dụng, quy trình tầng nấc phức tạp, dễ dẫn đến những điểm chúng ta không kiểm soát được, có khi lại bất cập, phát sinh tiêu cực”, Bộ trưởng nói.
Một vấn đề nữa cũng đặt ra khi sửa luật là dứt điểm xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời, thực hiện “có vào, có ra”. Muốn vậy phải thực hiện hai công cụ, thứ nhất là công cụ đánh giá trên cơ sở vị trí việc làm, sử dụng tối đa công nghệ thông tin để đánh giá và công cụ thứ hai là sử dụng cơ chế hợp đồng (hợp đồng chuyên gia, nhà khoa học, một số các vị trí việc làm...)
“Hợp đồng vẫn là xu thế của nhiều nền công vụ tiên tiến trên thế giới. Các nước ít khi bố trí biên chế cứng như chúng ta. Bây giờ chúng ta mở ra thành một cơ chế rất động, rất mở và rất linh hoạt để tuyển dụng và quản lý, để không có biên chế suốt đời”, theo Bộ trưởng nêu rõ.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết sử dụng tối đa công nghệ số, áp dụng KPI để đánh giá, chứ không phải định tính chung chung như hiện nay.