Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Tạo cơ chế đột phá về hạ tầng giao thông

Trước thềm năm mới 2022, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về những kết quả đạt được qua các dự án của ngành năm 2021 và kế hoạch hành động, những thách thức cần tháo gỡ trong năm mới Nhâm Dần 2022 và nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, mỗi dự án hạ tầng giao thông luôn có sự giám sát của nhân dân. Ngành GTVT có thể rút ngắn về thời gian thi công nhưng không thể đánh đổi bằng chất lượng. Hiện nay, không có chủ đầu tư nào của ngành dám làm ẩu, bởi làm ẩu thì không “ngủ được” do mỗi dự án phải từ 5 - 10 năm mới hết trách nhiệm với công trình, đất nước và người dân.

Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng khái quát về những thành tựu lớn nhất ngành giao thông đạt được trong năm 2021?

Năm 2021 là năm hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với ngành Giao thông. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, Chính phủ, Bộ GTVT đã hoàn thành hầu hết các mặt công tác. Trong giai đoạn đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại các địa phương phía nam, Bộ GTVT đã cùng các bộ, ngành, địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, không xảy ra ùn tắc kéo dài, đảm bảo lưu thông hàng hóa 24/24 giờ phục vụ người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả rõ nhất khi hàng xuất nhập khẩu qua các cảng biển có sự tăng trưởng mạnh, hàng container tăng 12%. Đặc biệt, lần đầu tiên ngành Đường sắt đã có những chuyến tàu hàng container đi châu Âu.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên 5 quy hoạch ngành được triển khai đồng bộ. Đến nay, 4 quy hoạch ngành đã được phê duyệt, quy hoạch ngành Hàng không cũng đã được Hội đồng thẩm định thông qua. Nhiều dự án trọng điểm, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội đã về đích như: Đường sắt Cát Linh - Hà Đông; sửa chữa mặt cầu Thăng Long; sửa chữa 2 đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; các dự án cao tốc Bắc Nam đang đáp ứng tiến độ... Đáng chú ý, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ GTVT được giao giải ngân vốn đầu tư công hơn 43.000 tỷ đồng và đã giải ngân đạt mức 96%, hoàn thành kế hoạch Chính phủ giao.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Bên cạnh đó, năm 2021 là năm đầu tiên trong 10 năm liên tục, tai nạn giao thông giảm sâu về số vụ, số người chết, số người bị thương. Nếu như năm 2011 có khoảng 12.000 người chết vì tai nạn giao thông, năm 2021 chỉ còn khoảng 6.000 người tử vong.

Năm 2022, ngành Giao thông xác định những nhiệm vụ trọng tâm nào để bứt phá, đảm bảo giao thông luôn đi trước mở đường, thưa Bộ trưởng?

Bộ GTVT tập trung cải cách thể chế, thực hiện các chủ trương phân cấp, phân quyền. Trước tiên, phân cấp, phân quyền các cảng thủy nội địa cho các tỉnh quản lý, điều hành. Tiếp đến, tập trung khôi phục vận tải sau đại dịch, đảm bảo hàng hóa thông suốt phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, tập trung thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025 sau khi được Quốc hội đồng ý về chủ trương, phấn đấu đến năm 2025 có 3.000 km và 5.000 km cao tốc vào năm 2030. Cuối cùng, phát huy kết quả đã đạt được về bảo đảm an toàn giao thông, với mục tiêu giảm 5 - 10% cả 3 chỉ số (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Bộ GTVT hy vọng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, cùng ngành Giao thông tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, về mặt bằng... tạo ra cơ chế đột phá để xây dựng và tiến tới hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đất nước. Ngoài ra, Bộ GTVT cần các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng nhanh, dứt điểm, để những công trình giao thông sớm phát huy được hiệu quả, phục vụ tăng trưởng kinh tế cho các địa phương.

Nhiệm kỳ 2021 - 2025, Bộ GTVT được bố trí 420.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, nên áp lực giải ngân không nhỏ. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp trọng tâm để hoàn thành tiến độ giải ngân?

Đây là áp lực lớn với ngành Giao thông. Với những dự án đang triển khai, Bộ GTVT nỗ lực giữ vững tiến độ giải ngân. Dự án đầu tư thì đang tập trung lập đầu tư và thiết kế, đảm bảo khởi công trong tháng 7 – 8/2022 để giải ngân vào tháng cuối năm. Bộ GTVT xác định giải ngân đảm bảo tiến độ và xem đó là nhiệm vụ quan trọng, nên sẽ có các giải pháp quyết liệt với nhà thầu về tiến độ cam kết và nếu vi phạm sẽ tịch thu bảo lãnh trúng thầu. Các Ban Quản lý dự án kiểm điểm và yêu cầu cam kết tiến độ, không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân là cách chức hay điều chuyển công tác lãnh đạo; cắt và chuyển vốn chậm, thậm chí nếu làm tốt thì bố trí bổ sung thêm vốn…

Thưa Bộ trưởng, vì sao 12 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 lại phải đầu tư công?

Dự án giai đoạn 2 phải đầu tư công để phục hồi kinh tế, tăng cường kết cấu hạ tầng, do đó, kinh phí đầu tư phải đảm bảo tiến độ. Các dự án cao tốc nếu đầu tư bằng PPP sẽ bấp bênh thu hút vốn tín dụng và khó thành công. Việc chuyển các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 sang đầu tư công để đảm bảo cán đích năm 2025, tạo đột phá, kích cầu xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Bộ GTVT trình Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương ban hành cơ chế cho phép chỉ định thầu, tư vấn giảm được từ 3 - 4 tháng, cơ chế này rút ngắn từ 6 - 9 tháng để tập trung cho giải phóng mặt bằng, thi công và về đích đứng kế hoạch giao.

Xin Bộ trưởng chia sẻ những thách thức đối với 12 dự án cao tốc Bắc Nam sắp tới?

Các dự án cao tốc Bắc Nam khó khăn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp nguồn vật liệu và năng lực thi công của nhà thầu về xử lý nền đất yếu, chất lượng công trình. Rút kinh nghiệm thi công dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020, những mỏ đất cát khai thác bao nhiêu, dự án nằm trong quy hoạch, thì Bộ GTVT sẽ làm việc với HĐND tỉnh, thành phố xúc tiến mở mỏ, khai thác ngay. Chính phủ, Bộ GTVT cũng chỉ đạo quyết liệt cho nhà thầu khai thác mỏ đưa vật liệu vào công trường chỉ đóng thuế môi trường, không phải mua nguồn vật liệu chênh lệch giá cao như hiện nay.

Một thách thức nữa là về năng lực nhà thầu thi công và nhân lực tư vấn giám sát, thiết kế yếu và mỏng. Nếu chỉ định thầu, Bộ GTVT sẽ ban hành hồ sơ mời thầu, đảm bảo trình độ, năng lực phải đáp ứng mới xét duyệt. Theo tính toán chỉ có khoảng 5 - 7 đơn vị tư vấn được chỉ định thầu để chọn đơn vị chất lượng và rút ngắn được tiến độ thi công so với đấu thầu. Song, khó khăn là các nhà thầu đang triển khai giai đoạn I, nếu triển khai tiếp giai đoạn II có thể nguồn nhân lực. Vì vậy, phải xét duyệt kỹ lưỡng trước khi chỉ định thầu.

Nhiều ý kiến cho rằng, tiến độ hoàn thành các dự án cao tốc Bắc Nam gấp gáp, có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Quan điểm của Bộ trưởng ra sao về vấn đề này?

Chất lượng cao tốc là ưu tiên hàng đầu. Đây là bài học “xương máu” rút ra từ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, khiến nhiều cán bộ trong ngành vướng vòng lao lý. Cao tốc Bắc Nam được đầu tư xây dựng 3 năm, khó khăn nhất là xử lý đất yếu. Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan bàn giao mặt bằng từng đoạn tuyến cụ thể, để có thời gian gia cố đất yếu từ 8 - 10 tháng, được giám sát chặt chẽ từ lựa chọn nguồn vật liệu, kỹ thuật, tư vấn, chất lượng từng hạng mục… trước khi tổng lực thi công. Bộ GTVT cũng cam kết đốt cháy giai đoạn dự án trọng điểm này, không đánh đổi chất lượng với thời gian và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, trước sự giám sát của nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Đăng Sơn(thực hiện)/Báo Tin tức
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sẽ phân cấp các cảng vụ đường thủy nội địa về địa phương quản lý
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sẽ phân cấp các cảng vụ đường thủy nội địa về địa phương quản lý

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phân cấp tất cả các cảng vụ đường thủy nội địa về địa phương quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN