Bà Nguyễn Thị Đang, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang cho biết, trước đây khi thực hiện Luật Công chứng năm 2014, công tác quy hoạch do địa phương đề xuất và xác định tiêu chí, còn điều kiện thì do Trung ương quyết định.
Tuy nhiên, hiện nay đã xóa bỏ quy hoạch công chứng nên để đảm bảo hiệu quả quản lý các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn, Sở Tư pháp Tiền Giang đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành quy chế xét tiêu chí thành lập Văn phòng Công chứng theo hướng tránh tập trung về một nơi, nhất là khu đô thị; tránh tình trạng thành lập ở các huyện sau đó chuyển trụ sở về đô thị, nếu chuyển phải đáp ứng các tiêu chí của đô thị.
Cùng quan điểm này, bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng nhận định, việc nhiều Văn phòng Công chứng thành lập đã phát sinh các vấn đề phức tạp, trong khi đó một số quy định về quản lý công chứng còn chưa đồng bộ.
Do đó, Sở Tư pháp Đà Nẵng đã tích cực tham mưu cho UBND thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu phần mềm về công chứng, trong đó kết nối với các cơ quan liên quan như cơ quan thuế, tài nguyên và môi trường để tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực công chứng.
Khẳng định bỏ quy hoạch công chứng không có nghĩa là buông lỏng quản lý, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, đối với việc địa phương đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu ban hành chính sách phát triển ngành công chứng, tới đây, có thể trình ban hành Nghị quyết phát triển công chứng theo hướng đảm bảo chất lượng, tránh tràn lan.
“Đây là dịch vụ công của nhà nước, không phải doanh nghiệp đơn thuần. Chúng ta không cấm thành lập nhưng muốn thành lập phải tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn về điều kiện đồng thời sẽ có các biện pháp để kiểm soát sai phạm trong lĩnh vực công chứng như tăng các hình phạt bổ sung, tăng mức phạt tiền, tước thẻ hành nghề… ”, bà Đỗ Hoàng Yến nói.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Lê Thành Long ghi nhận các ý kiến góp ý của các Sở Tư pháp địa phương về vấn đề này. Bộ trưởng cũng nhận định, ngành Tư pháp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nên cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo phù hợp với nguồn nhân lực và nguồn kinh phí.
Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các đơn vị thuộc bộ, tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp cá địa phương tiếp tục bám sát chương trình, kế hoạch đã được ban hành.
Đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong bối cảnh bỏ quy hoạch công chứng, Bộ trưởng Lê Thành Long đặc biệt lưu ý đến vấn đề đảm bảo quản lý nhà nước về công chứng, trong đó tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động này để kịp thời phát hiện sai phạm và chấn chỉnh tình trạng các Văn phòng Công chứng thành lập ồ ạt.
Nhắc đến lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch có yếu tố nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn có những trường hợp tại địa phương chưa phân định rạch ròi thuộc quản lý nhà nước của bộ, ngành nào. Do vậy các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này và có biện pháp xử lý.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho ý kiến chỉ đạo đối với các lĩnh vực công tác khác của Bộ như lý lịch tư pháp; quản lý, xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự…