Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong năm 2018, Bộ Công an đề ra phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Đây là sự thay đổi rất quan trọng trong tư duy, phương pháp làm việc để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy cán bộ.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, chức năng, nhiệm vụ của ngành Công an không có gì thay đổi nhưng bộ máy được tổ chức lại cho hiệu quả, bản chất là sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, cán bộ. Hai mảng công việc rất lớn để làm được điều này là không tổ chức cấp trung gian và tăng cường bám sát vào cơ sở, bám vào dân.
“Chúng tôi xác định, tất cả mọi vấn đề về an ninh trật tự đều xuất phát từ cơ sở, xuất phát từ dân. Do đó, tư duy mới là nhiệm vụ của lực lượng công an phải làm sao xây dựng được một xã hội trật tự, kỷ cương, an lành trong từng xóm làng, khu phố, giảm tỷ lệ tội phạm”, Bộ trưởng nói. Lực lượng Công an cùng với cấp ủy chính quyền cơ sở cần tập trung giải quyết ngay những mâu thuẫn, bức xúc của dân, xóa bỏ ngay những điều kiện, nguyên nhân nảy sinh tội phạm, không để hình thành vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, bộ máy mới phải gắn liền với cách làm mới, tư duy mới, kể cả vấn đề nghiệp vụ của lực lượng công an. Ngoài ra, bước đánh giá, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, từ các khâu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cho đến chính sách cán bộ.
Việc sắp xếp, bố trí cán bộ cơ bản ổn định, đáp ứng yêu cầu công tác
Về kết quả đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ gắn với xây dựng Đảng trong Công an nhân dân theo tinh thần Nghị quyết 18, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy Công an Trung ương đã chỉ đạo tổng kết quá trình hình thành, phát triển tổ chức bộ máy Bộ Công an từ khi thành lập, xin ý kiến Bộ Chính trị cho phép xây dựng Đề án về sắp xếp bộ máy nhằm giải quyết hai vấn đề cốt lõi là bỏ cấp trung gian và tăng cường cơ sở.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề án và quán triệt chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết 18 của Đảng, Đảng uỷ Công an Trung ương đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 01 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức Bộ Công an. Sắp xếp lại mô hình tổ chức bộ máy mới theo Nghị định mới của Chính phủ; tổ chức Công an theo 4 cấp chính quy, bước đầu thực hiện bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ cơ bản đã đảm bảo ổn định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác; thực hiện nghiêm túc quy định Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện không phải là người địa phương.
“Theo thông tin chúng tôi mới nhận được gần đây, thông báo của Bộ Tài chính là việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an đã tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng. Đấy là hiệu quả về mặt kinh tế, có ý nghĩa rất quan trọng giữa việc sắp xếp bộ máy và đảm bảo nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Không gây gián đoạn, xáo trộn trong thực hiện chức năng nhiệm vụ
Đảng ủy Công an Trung ương cũng đã kịp thời kiện toàn tổ chức Đảng các cấp, đề xuất Bộ Chính trị kiện toàn Đảng ủy Công an Trung ương, có bước chuẩn bị ban đầu về công tác nhân sự Công an tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025; chuẩn bị đội ngũ cấp chiến lược tham gia Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII. Đồng thời từng bước rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý có liên quan; đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân.
“Tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động đã đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, không gây gián đoạn, xáo trộn trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của Công an các cấp, không để một ngày, một giờ nào nhân dân không được phục vụ”, người đứng đầu Bộ Công an khẳng định.
Đề cập đến một số thuận lợi, khó khăn trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, theo Bộ trưởng Tô Lâm có thuận lợi là sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với Đảng ủy Công an Trung ương trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chủ trương triển khai thực hiện. Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an và cán bộ chiến sĩ có quyết tâm chính trị cao, đoàn kết thống nhất, kiên định, quyết tâm đổi mới, gương mẫu đi đầu, dám hy sinh một phần quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung. Phối hợp chặt chẽ, sự giúp đỡ hiệu quả của các bộ, ban, ngành, và sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Bộ trưởng cho biết, những khó khăn trong quá trình thực hiện là phát sinh những bất cập về hệ thống cơ sở pháp lý; khó khăn trong bố trí, sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy; khó khăn trong thực hiện chế độ chính sách, ổn định tư tưởng, cho cán bộ chiến sỹ.
Trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, Đảng ủy Công an Trung ương đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Thứ nhất: đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự thành công của việc đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy. Mọi chương trình kế hoạch hành động phải quán triệt chủ trương của Đảng trên cơ sở đảm bào hài hòa giữa các lợi ích. Thứ hai là phát huy sức mạnh tập thể, đoàn kết thống nhất, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các địa phương thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công tâm; lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng trong quá trình nghiên cứu, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Thứ ba, xác định rõ thời cơ thuận lợi, khó khăn để có kế hoạch, giải pháp phù hợp, chủ động làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kết hợp chặt chẽ với thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân; chủ động phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, lợi dụng vấn đề này để chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết nội bộ.
Thứ tư là đổi mới phải đi đôi với kế thừa có chọn lọc những ưu điểm của các mô hình, tổ chức bộ máy trong quá trình hình thành, phát triển.
Phấn đấu giảm từ 3.000-5.000 vụ án mỗi năm
Về một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, lực lượng Công an nhân dân phấn đấu đến năm 2019 - 2020 giảm 5% lượng tội phạm. Con số này về mặt xã hội có ý nghĩa rất lớn, ước tính giảm từ 3.000-5.000 vụ án/năm, tức là tương đương mỗi năm có 3.000-5.000 gia đình không có người đi tù. “Một gia đình có người đi tù hoặc tử hình, hậu quả vài chục năm cũng chưa khắc phục được. Trong khi nếu giảm 3.000 người đi tù là giảm được một trại giam, giảm được một đội ngũ cán bộ. Nếu chúng ta không tập trung yếu tố này, biên chế tổ chức sẽ phát triển rất lớn”, Bộ trưởng Tô Lâm phân tích.