Đặc biệt, là khơi gợi được tinh thần khởi nghiệp ở mọi tầng lớp nhân dân, khuyến khích những ý tưởng sáng tạo, để ai cũng có niềm tin và động lực vươn lên làm chủ kinh tế.
Vì sao, khởi nghiệp luôn có sức thu hút và giành được sự quan tâm lớn từ cộng đồng xã hội, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này với phóng viên TTXVN.
Phóng viên: Chương trình khởi nghiệp đã được Chính phủ khởi xướng và triển khai nhiều năm qua. Ông có thể cho biết một số kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại cần rút kinh nghiệm?
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Ông Nguyễn Quang Vinh: Khởi nghiệp là một trong những chương trình quan trọng mà VCCI được giao, đảm trách từ 12 năm nay. VCCI cũng đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành và địa phương triển khai nhiều hoạt động có liên quan tới các chương trình khởi nghiệp.
Thực tế, trong 12 năm qua, các chương trình khởi nghiệp chưa có bước tiến xa. Song, cũng có nhiều việc đã làm rất đáng được ghi nhận. Tại nhiều trường đại học, phong trào khởi nghiệp do VCCI khởi xướng cách đây khoảng 10 năm đến 12 năm đã xây dựng được đội ngũ sinh viên trưởng thành và trở thành các doanh nghiệp thành công. Những tấm gương ấy có thể được chia sẻ và sẽ nhân rộng trong các doanh nghiệp trẻ ở Việt Nam sau này.
Sau 12 năm, chúng ta không chỉ gieo hạt mà cũng đã gặt hái được một số thành quả ban đầu. Tuy nhiên, tới đây, sẽ còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự đồng lòng và phát huy nhiều nỗ lực hơn nữa, để gây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thành công từ khởi nghiệp. Lấy đó để chia sẻ và nhân rộng, tạo nên sự chuyển biến giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn nữa cả về số lượng và chất lượng. Cũng như sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp thành công, đi lên từ phong trào khởi nghiệp.
Trước mắt, VCCI sẽ cùng với các cơ quan hữu quan xem xét, nhìn nhận lại những việc đã và đang làm để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ đó, đánh giá hiệu quả, cách thức hỗ trợ để lựa chọn giải pháp nào thiết thực, giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển không chỉ đúng hướng mà còn phải bền vững. Quan điểm xuyên suốt là phải phù hợp với chủ trương của Nhà nước, nhất là theo Nghị quyết của Chính phủ về tạo điều kiện để doanh nghiệp trở thành động lực phát triển của nền kinh tế.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình khởi nghiệp khó tiến xa bởi những vướng mắc liên quan tới cơ chế và hỗ trợ về mặt tài chính, ông nghĩ sao?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Thực ra thì khởi nghiệp không nhất thiết phải là vấn đề kinh phí. Vì đôi khi người ta khởi nghiệp chỉ bằng những ý tưởng độc đáo và sáng tạo.
Tất nhiên, nhiều trường hợp thì không có kinh phí cũng không làm được. Song, tôi muốn nhấn mạnh, kinh phí không đóng vai trò quan trọng. Ví dụ, như khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin chẳng hạn, đôi khi, chỉ cần ý tưởng, cần kỹ năng, tài năng. Hay trong các ngành, lĩnh vực khác đòi hỏi sự sáng tạo, đầu tư về chất xám…
Thực tế thì cũng đã có những quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, những cơ chế chính sách để giải quyết các vấn đề mà lâu nay doanh nghiệp thường than là khó khăn, vướng mắc trong việc thành lập doanh nghiệp. Nếu, anh có ý tưởng tốt, thì chắc chắn sẽ được tạo điều kiện thuận lợi, nhanh gọn để thành lập công ty và giúp doanh nghiệp nhanh chóng đi vào hoạt động. Đơn giản đó cũng là khởi nghiệp, chứ đâu phải là những việc làm đao to búa lớn.
Vấn đề là làm sao biến những ý tưởng khởi nghiệp, trở thành những mô hình kinh doanh một cách có hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường và trong một khung cảnh thuận lợi. Với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp như vậy, sẽ giúp chúng ta kiến tạo được một quốc gia khởi nghiệp. Và từ đây cũng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tốt hơn nữa.
Phóng viên: Rủi ro trong khởi nghiệp có đáng quan ngại không thưa ông? Ông Nguyễn Quang Vinh: Rủi ro trong kinh doanh là điều đương nhiên. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, trong 100 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thì có thể chỉ có một vài ý tưởng, sáng kiến thành công. Nhưng như thế, cũng còn hơn là không có sáng kiến nào.
Rõ ràng, đầu tư vào khởi nghiệp gần như là sự đầu tư mạo hiểm. Độ mạo hiểm càng lớn thì lợi nhuận thu được càng cao. Đấy chính là lý do vì sao, khởi nghiệp vẫn thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư trên thế giới.
Phóng viên: Vậy, trong thời gian tới, các chương trình khởi nghiệp sẽ cần phải được triển khai như thế nào để đạt hiệu quả cao hơn, thưa ông? Ông Nguyễn Quang Vinh: Ngoài những nỗ lực trong vòng 12 năm qua, tới đây, VCCI sẽ tiếp tục kêu gọi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, phải tìm ra hướng đi và cách làm sao để có những chương trình khởi nghiệp hiệu quả hơn, được nhân rộng hơn, thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia hơn. Đó có thể là các doanh nghiệp từng là sinh viên, thanh niên, hay là những doanh nghiệp đã có tên tuổi lâu đời trên thương trường cũng có thể tham gia vào những sáng kiến về khởi nghiệp.
Quan điểm là không phải chỉ dành cho những sinh viên mới ra trường, mới là đối tượng thụ hưởng của các chương trình khởi nghiệp. Như vậy, sẽ nhanh chóng gia tăng thêm đội ngũ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp tái khởi nghiệp để tiến tới một quốc gia khởi nghiệp.
Phóng viên: Thông điệp mà VCCI muốn truyền tải tới các doanh nghiệp tương lai là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Chính phủ đang có hàng loạt giải pháp, chiến lược hành động và VCCI cũng có hàng loạt chương trình và sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức, đào tạo nâng cao trình độ, hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm hay những thông lệ kinh doanh tốt… cho những ai quan tâm tới khởi nghiệp. Tôi nghĩ trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam áp dụng những mô hình kinh doanh tốt như thế này để có thể thành công hơn trong kinh doanh, hay có thể hội nhập sâu hơn nữa vào thị trường khu vực và quốc tế.
Tôi tin rằng, nếu nhận được sự hỗ trợ để khởi sự kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ khởi nghiệp theo một tinh thần khác, đầy tính khoa học và nhân văn. Họ sẽ khởi nghiệp mà không coi việc tạo ra lợi nhuận là mục tiêu duy nhất. Họ sẽ khởi nghiệp và thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội như tạo công ăn việc làm, vì tiến bộ xã hội, đảm bảo an toàn cho môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững.
Sẽ có các chương trình huấn luyện, đào tạo hoặc tái đào tạo để khởi nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp hiểu biết thêm về pháp luật, về những hợp đồng kinh tế… Những điều mà hầu hết các doanh nghiệp của chúng ta, với hơn 98% là quy mô nhỏ và vừa, đang thiếu và yếu như hiện nay.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!