Với chủ đề “Phát huy nội lực, khai thác thế mạnh, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, Hội nghị được tổ chức nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, hội viên, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, hội viên, nông dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tại Hội nghị, đại biểu nông dân, Giám đốc các Hợp tác xã, doanh nghiệp đặt nhiều câu hỏi. Trong đó có những vướng mắc cần tháo gỡ về liên kết, hình thành, phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã; xử lý, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân nông thôn; kết nối, hỗ trợ nông dân nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và sức tiêu thụ trên thị trường; quản lý, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Nhiều đại biểu kiến nghị chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát; vấn đề ổn định đời sống, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho nông dân trong quá xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với phát triển đô thị hóa...
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm đã tiếp thu các ý kiến, câu hỏi của các đại biểu và giao lãnh đạo sở, ngành liên quan trực tiếp trả lời tại Hội nghị.
Kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang khẳng định, những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới" là một trong ba khâu đột phá.
Tuyên Quang đã chỉ đạo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đồng thời xác định nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới…
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn là 16.500 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2016 - 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 51,1 triệu đồng/người/năm, tăng gần 2,5 lần so năm 2015, chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn trong tỉnh dần được rút ngắn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung và hội viên, nông dân nói riêng được cải thiện, nâng cao...
Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huy động mọi nguồn lực, phát huy vai trò, trách nhiệm của hội viên, nông dân trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu có 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu 2 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và mở rộng công nghệ, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (VietGAP, hữu cơ, quản lý rừng bền vững...).
Các ngành, địa phương hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản phẩm OCOP trong việc đăng ký bảo hộ và xác lập quyền sở hữu trí tuệ; hướng tới phát triển một số sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Cùng với đó kịp thời giải quyết tốt khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, nhất là lao động trẻ nông thôn muốn khởi nghiệp...
Dịp này, tỉnh Tuyên Quang đã trao 3 tỷ đồng cho Quỹ hỗ trợ nông dân. Ngoài ra, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.