Đồng chí hãy điểm lại những nét chính trong quá trình Đảng bộ, quân và nhân dân Đà Nẵng kiên cường chiến đấu, giải phóng quê hương, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975?
Cách đây 45 năm, lá cờ Quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta đã tung bay trên nóc Tòa thị chính và trụ sở chỉ huy quân đoàn 1 ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại: Thành phố Đà Nẵng đã được hoàn toàn giải phóng.
Chiến công giải phóng Đà Nẵng là bản anh hùng ca tuyệt vời về lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí cách mạng của quân và dân Đà Nẵng; chính nhân dân Đà Nẵng anh hùng đã làm nên chiến công vẻ vang đó. Đây là kết quả của cuộc tiến công thần tốc, dũng mãnh, táo bạo, khôn khéo của các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng, phối hợp với sự nổi dậy mạnh mẽ, đều khắp của các tầng lớp nhân dân. Vào những ngày này 45 năm trước, nhận thức được thời cơ lớn đã đến và trách nhiệm của mình, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân Đà Nẵng đã nhất tề đứng lên, hàng vạn quần chúng nổi dậy bao vây, đập tan căn cứ quân sự hải - lục - không quân khổng lồ của Mỹ - ngụy.
Với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, trực tiếp là Đặc Khu ủy Quảng Đà, cùng với tinh thần quật khởi và chủ động nổi dậy của nhân dân Đà Nẵng với muôn nghìn hành động gan dạ, thông minh, đã góp phần làm tê liệt sức chống cự của địch, tiến đến làm chủ toàn thành phố, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất đổ máu, hỗn loạn và sự kiện Giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975 đã trở thành chiến công to lớn, vẻ vang và trọn vẹn tuyệt vời.
Trong quá trình đổi mới, xây dựng quê hương, Đảng bộ Đà Nẵng đã có những quyết sách gì để tạo tiền đề cho sự phát triển của Đà Nẵng đạt những kết quả đáng ghi nhận như hôm nay?
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhanh chóng bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, bước đầu tổ chức xây dựng cuộc sống mới trong toàn dân. Sau hơn 20 năm kể từ ngày giải phóng, qua bao khó khăn, gian khổ vượt lên, Đà Nẵng được Trung ương quyết định chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1/1/1997) và đến ngày 15/7/2003, Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại I cấp Quốc gia.
Có thể nói trước năm 1997, Đà Nẵng vẫn chỉ là một đô thị nhỏ, đôi bờ sông Hàn vẫn một bên là phố và một bên là những khu nhà chồ ven sông. Sau khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, công cuộc xây dựng, tái thiết ở Đà Nẵng diễn ra khẩn trương, trọng tâm là thực hiện những chính sách đột phá để xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội sau này. Ngày 16/10/2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị, với những nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, Đà Nẵng đã khoác lên mình một chiếc áo mới, một diện mạo trẻ trung, năng động. Từ chỗ chỉ có gần 100 đường phố, đến nay đã tăng lên gần 2.500 đường phố, với những con đường và cây cầu mới xây dựng hiện đại. Thành phố Đà Nẵng đã thực sự thành công trong việc kết nối đôi bờ Đông - Tây sông Hàn, kết nối khu vực nội thành với các địa phương khác trên địa bàn. Không gian phát triển đô thị được mở rộng gấp 4 lần so với năm 2003, tạo nhiều điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan; kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành quả vượt bậc trong tiến trình xây dựng thành phố cảng biển lớn, đô thị văn minh, hiện đại. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị, quản lý xây dựng, quản lý tài nguyên, môi trường được cải thiện về chất lượng.
Đà Nẵng được Bộ Chính trị đánh giá đã có bước phát triển mạnh mẽ, là một trong những địa phương tiên phong trong quyết liệt cải cách và năng động phát triển, ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Miền Trung: kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, cả về quy mô và tốc độ, ước tăng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2003-2018; các ngành và lĩnh vực kinh tế phát triển đa dạng, hướng tới chất lượng và hiệu quả. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”.
Thành phố đã tập trung thu hút được nhiều nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, dựa trên việc thực hiện linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách với nhiều cách làm mới, sáng tạo, cùng với việc huy động nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tranh thủ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư có mục tiêu. Các ngành dịch vụ chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh, nhất là ngành vận tải, logisstics, tài chính, ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao, từng bước tạo lập vai trò trung tâm của khu vực và cả nước.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 45 năm qua, với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng bộ thành phố, quân và dân Đà Nẵng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho một thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại như ngày hôm nay.
Kinh tế Đà Nẵng đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, liên tục dẫn đầu cả nước nhiều năm liền về các chỉ số phát triển kinh tế như tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT-Index), thu nhập bình quân đầu người ước đạt 4.300 USD, tăng lên hàng chục lần so với năm 1997.
Nhiều chính sách an sinh xã hội đậm tính nhân văn được triển khai thực hiện gắn liền với chương trình “thành phố 5 không”, “3 có”, “4 an”. Chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn trong nhóm tốt nhất cả nước. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Trước yêu cầu đổi mới để phát triển, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy Đà Nẵng đã triển khai những nhiệm vụ, giải pháp nào để Đà Nẵng sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á?
Những thành tựu của thành phố Đà Nẵng đạt được trong thời gian qua là rất rõ nét, nhất là qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, thành phố cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém, như vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng... còn yếu, chưa đạt được như kỳ vọng, còn khoảng cách giữa yêu cầu với thực tế hiện nay…
Những vướng mắc, khó khăn nêu trên đã trở thành “điểm nghẽn”, ngăn cản sự phát triển của thành phố.
Yêu cầu bức thiết đối với Đà Nẵng lúc này là phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển, có mô hình phát triển mới, với những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để Đà Nẵng thực sự bứt phá, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TWvề xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giải quyết được yêu cầu bức thiết nêu trên của Đà Nẵng. Đây là Nghị quyết rất quan trọng và là văn kiện có ý nghĩa lịch sử, định hướng trong quá trình phát triển của thành phố, tạo một nguồn lực có sức động viên rất lớn đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.
Nghị quyết số 43-NQ/TW đã xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm thương mại, tài chính, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; đô thị biển quốc tế… là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc. Với những mục tiêu quan trọng này, Bộ Chính trị đã thống nhất cao, đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Những cơ chế này, tuy vừa mới, vừa phức tạp nhưng lại rất cần thiết cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, tạo động lực mới, khơi dậy các tiềm năng của thành phố; đồng thời, huy động được tối đa các nguồn lực để giúp Đà Nẵng phát triển vượt bậc trong thời gian đến, ngang tầm với các thành phố lớn của khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Với tầm quan trọng của Nghị quyết, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai nghiêm túc Nghị quyết của Bộ Chính trị; ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết. Đồng thời, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố và cơ quan chức năng, địa phương khẩn trương tham mưu Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Đề án về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để trình cơ quan thẩm quyền sớm thông qua các chính sách phát triển thành phố thời gian tới.
Thời gian tới, cùng với việc phát huy những thành quả đạt được, phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương Đà Nẵng, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng vững vàng tiến lên nhanh, mạnh, chắc chắn hơn, phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, tương xứng với tiềm năng cũng như sự kỳ vọng của người dân, khẳng định vai trò là trung tâm của khu vực miền Trung và Tây Nguyên theo đúng mục tiêu đề ra.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!