Video Đại biểu Lê Hoàng Anh, Đoàn ĐBQH Gia Lai chia sẻ:
Mức đầu tư cho Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam lớn. Thực tế Việt Nam chưa có kinh nghiệm làm đường sắt tốc độ cao, chưa có nền công nghiệp về đường sắt, nhưng Việt Nam có thể đi nhanh hơn các nước trước đây khi xây dựng đường sắt tốc độ cao trên cơ sở tiếp thu công nghệ các nước. Vì vậy, có thể rút ngắn được thời gian, đảm bảo tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, đây là dự án lớn, có tính phức tạp về công nghệ và tính vận hành. Quá trình chuẩn bị đầu tư phải thật kỹ lưỡng. Các nước trên thế giới có thời gian chuẩn bị đầu tư lâu và giải ngân nhanh. Còn Việt Nam quá trình chuẩn bị đầu tư nhanh, nhưng giải ngân chậm. Thực tế cho thấy, tốc độ giải ngân 9 tháng đầu năm nay chưa đến 50%. Điều này có thể thấy trong đầu tư công nói chung và lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng. Dự án nêu thời gian chuẩn bị của dự án là 2 năm, nhưng cần cân nhắc thêm thời gian thực hiện.
Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam cũng kèm theo 19 chính sách đặc thù đặc biệt để Quốc hội xem xét và có chính sách để rút ngắn thời gian, sớm đưa đường sắt tốc độ cao vận hành năm 2035. Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị phải hợp lý, khoa học và sát với thực tế, để tránh tăng tổng mức đầu tư.
Video Đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH Phú Yên chia sẻ:
Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam sẽ phát huy hiệu quả lớn của đường sắt, thông tuyến Bắc Nam. Với kinh nghiệm đã triển khai hệ thống đường cao tốc những năm qua, các đại biểu tin tưởng, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan triển khai tốt khi có chuẩn bị kỹ lưỡng để bấm nút khởi công.
Vieo Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội chia sẻ:
Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam là dự án có mức tiền đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Thực tế cho thấy, nhà đầu tư trong nước sẽ chủ động, như với đường dây 500 KV mạch 3 triển khai khá thần tốc. Vì vậy, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam có làm được hay không phụ thuộc vào Việt Nam có làm chủ được hay không.
Việt Nam cần tính đến phương thức để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, không bắt buộc chỉ đầu tư ngân sách của Nhà nước. Cách làm là Nhà nước cần thu hút các Tập đoàn, nhà đầu tư trong nước để huy động nguồn vốn cùng thực hiện. Đồng thời, tạo ra cơ chế cạnh tranh để tìm ra nhà đầu tư phù hợp.