Có cơ hội lựa chọn nguồn huy động vốn đầu tư công cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Liên quan đến dự án tuyến đường sắt tốc độ cao (350 km/giờ) trên trục Bắc – Nam, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS. TS. Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội để làm rõ các nội dung đang được quan tâm về nguồn vốn, công nghệ và nhân lực để triển khai dự án.

Chú thích ảnh
Ông Hoàng Văn Cường. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương thông qua, giao Chính phủ xây dựng Đề án trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8 dự kiến khai mạc ngày 21/10 tới. Ông đánh giá như thế nào về lợi ích dự án này mang lại?

Việt Nam là đất nước có địa hình chạy dài tư Bắc vào Nam và hầu hết trung tâm kinh tế lớn, trung tâm đô thị đều nằm trên trục Bắc Nam. Khi chúng ta có tuyến đường sắt tốc độ cao nối Bắc với Nam gần như sẽ kết nối các trung tâm kinh tế đó, tạo thành huyết mạch cho kinh tế Bắc - Nam. Và, khi tạo ra được huyết mạch kinh tế này, chúng ta sẽ khơi thông được các luồng di chuyển, tạo ra khả năng phát triển giữa các vùng miền.

Đặc biệt, hiện nay điểm nghẽn hay rào cản trong phát triển thu hút đầu tư chính là chi phí logistics rất cao. Nếu có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, chi phí này sẽ giảm, từ đó tăng thu hút đầu tư, không phải chỉ các thành phố lớn, đô thị lớn, các nơi có giao thông thuận lợi mà sẽ giúp cho các nhà đầu tư sẵn sàng đi đến các vùng khác trên dọc giao thông Bắc - Nam để khai thác các tiềm năng, lợi thế của các vùng này. Tuyến đường sắt này sẽ lan tỏa sự phát triển không chỉ tính trên trục đi qua, còn cả những khu vực lân cận, tạo ra các cực phát triển mới trên mọi miền cả nước. Lúc này, tuyến đường sắt cũng sẽ tạo ra điều kiện phát triển đồng đều giữa các vùng miền, phân bố đều dân cư, nguồn lực, không quá tập trung, quá tải vào một số thành phố, đô thị như hiện nay. 

 Theo dự kiến tổng mức đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam khoảng 67,34 tỷ USD, theo ông sẽ phải cân đối bài toán nguồn vốn này ra sao trong bối cảnh ngân sách hiện nay?

Về nguồn vốn, tôi cho rằng là đây là một dự án đầu tư chưa từng có với số vốn gần 70 tỷ USD. Con số này lớn không lớn chỉ đối với Việt Nam từ trước đến nay và với thế giới cũng là một cái dự án có quy mô đầu tư lớn. Tất nhiên, khi chúng ta quyết tâm đầu tư thì phải đầu tư dứt điểm, đầu tư tập trung để sớm đưa vào vận hành. Vậy nên, tôi cho rằng cần có phương án để tính toán huy động đủ nguồn lực này.

Với quy mô kinh tế của Việt Nam hiện nay, nguồn lực để huy động 70 tỷ USD, tôi cho rằng cũng không phải quá thách thức. Lúc này, chắc chắn chúng ta phải nghĩ đến nguồn đầu tư công, bởi rất khó có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đường sắt không thể chỉ bán vé để thu tiền đầu tư, bởi lợi ích đầu tư đường sắt là lợi ích đầu tư lan tỏa, tạo sự phát triển cho xã hội, cho đất nước. Do vậy, đầu tư hạ tầng đường sắt phải là đầu tư công, phải dùng tiền ngân sách.

Hiện dư địa về vay nợ để có nợ công, để có tiền là rất lớn. Bởi, nợ công đang được xác định khoảng chừng 37% GDP, trong khi trần nợ công được phép là 60%. Như vậy, nếu tăng trần nợ công, chúng ta sẽ có được hơn 100 tỷ USD, chứ không phải chỉ 70 tỷ USD. Và, việc đầu tư 70 tỷ USD này không phải đầu tư một lúc nên cũng không phải một lúc huy động ngay mà rải ra mỗi năm trong khoảng hơn một chục năm. Vậy là, mỗi năm chỉ huy động khoảng chừng 6 tỷ USD và mỗi năm huy động như vậy tính ra chỉ tăng bội chi ngân sách một năm khoảng hơn 1% và tăng từng đó có nghĩa là tăng nợ công thêm 1%. Với quy mô tăng nợ, tăng quy mô ngân sách về GDP, chúng ta có huy động toàn bộ tiền đầu tư đường sắt này bằng vay nợ công thì hoàn thành đường sắt, con số về tỷ lệ nợ công cũng chỉ tăng lên khoảng 44 - 45%. Đây là một con số hết sức an toàn so với trần nợ công 60%. Cho nên, dư địa để huy động vốn cho dự án đường sắt này thông qua con đường vay nợ công, tôi cho rằng là hoàn toàn an toàn và quan trọng là chúng ta có cơ sở, khả năng vay được. Song, việc phát hành trái phiếu để vay trong nước là ưu tiên.

Nếu như vay trong nước một năm trái phiếu 6 tỷ USD chỉ bằng khoảng 1% so với tổng tài sản của các định chế tài chính hiện có. Tại nước ta, định chế tài chính ngân hàng, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư Việt Nam hiện khoảng 600 tỷ USD. Vậy chỉ cần huy động khoảng 1% của khối tài sản đó đã đủ cho vay thực hiện hệ thống đường sắt này. Đấy là dư địa cho vay mà chúng ta nhìn thấy có thể có vay được, hoặc thậm chí có thể vay nước ngoài nếu như có cơ chế thực sự ưu đãi. Hiện nợ nước ngoài của chúng ta cũng rất thấp. Nếu toàn bộ dự án chuyển vay nước ngoài thì dư nợ nước ngoài cũng chỉ khoảng 45% mà con số vẫn thấp hơn dư địa được gọi là trần cho phép.

Phân tích trên để thấy chúng ta có cơ hội để lựa chọn, xem là phát hành trái phiếu trong nước để huy động tiền trong nước có lợi hơn, hay là tìm được nguồn vốn nào đó ở nước ngoài thực sự có hiệu quả. Khi kết hợp được hai nguồn này, tôi cho rằng sẽ một phương án để có thể yên tâm huy động được tiền vốn cho đầu tư công dự án này. Và khi có cơ chế huy động sức mạnh tổng hợp thì sẽ yên tâm có nguồn lực đầu tư để cho phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Việc đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ đòi hỏi về vốn, mà còn là công nghệ và nhân lực. Vậy đâu là vấn đế khó khăn nhất trong việc thực hiện dự án này, thưa ông?

Tôi cho rằng, việc phát triển một dự án có quy mô lớn như thế này mà lại trong một lĩnh vực cũng mới với Việt Nam là hết sức khó khăn. Ở đây là việc chúng ta chưa có kinh nghiệm, phải theo kinh nghiệm của nước ngoài. Cho nên, vấn đề quan trọng là phải lựa chọn được công nghệ và nhà cung cấp nào cho thực hiện dự án. Và, lựa chọn ở đây không phải chỉ là rẻ, chỉ là tốt được mặt, mà phải chọn công nghệ tiên tiến thật cũng như phải có khả năng chuyển giao công nghệ, tức là chúng ta phải làm chủ được công nghệ sau đó.

Nói cách khác, sau khi xây dựng xong đường sắt này, công nghệ phải trở thành của chúng ta và chúng ta có thể hoàn toàn sửa chữa, thay thế, sản xuất mới nếu cần. Chúng ta không phải lệ thuộc người khác, nước khác trong quá trình vận hành sau này. Như thế, ngành công nghiệp đường sắt mới hình thành được và tuyến đường sắt này mới phát triển bền vững. Còn, nếu không nhận được chuyển giao, cứ lệ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài, nhà thầu nước ngoài thì có khi việc triển khai dự án này sẽ trở thành một gánh nặng.

Khi này, mấu chốt là phải có đủ năng lực để tiếp nhận các dự án đầu tư và phải biến thành công nghệ của mình. Tôi cho rằng, đấy là điều rất quan trọng và như vậy thì đòi hỏi phải có chuẩn bị ngay từ bây giờ, không thể nói chung chung được.

Chúng ta phải chỉ đích danh xem ai là người đứng ra vận hành sau này, ai là người tiếp nhận cái đó, thậm chí ta chỉ định ngay một vài doanh nghiệp, tập đoàn lớn để các doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lự này đứng ngang hàng với các nhà đầu tư quốc tế. Khi đấy chúng ta mới có thể tiếp nhận được các công nghệ của họ. Chứ nếu chúng ta không chỉ đích danh được, không chuẩn bị được cho những nhà đầu tư trong nước như thế thì đến khi nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư xong rút ra chúng ta vẫn là tay trắng.

Trân trọng cảm ơn ông.

Diệp Anh - Thành Trung (TTXVN)
Nhân lực dự án đường sắt tốc độ cao: Giải bài toán không phụ thuộc nước ngoài
Nhân lực dự án đường sắt tốc độ cao: Giải bài toán không phụ thuộc nước ngoài

Khi dự án đường sắt đô thị triển khai chậm, gặp nhiều vướng mắc có cả lý do chưa có những nhân lực am hiểu về loại hình vận tải này. Việc đào tạo nhân lực để không quá phụ thuộc vào nhân lực từ các nước có kinh nghiệm về đường sắt cao tốc là bài toán đang được đặt ra ngay từ khi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN