Bầu thêm đại biểu QH và quy trình thực hiện

Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia có cuộc trả lời phỏng vấn về vấn đề bầu thêm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND xã, phường và quy trình bầu cử thêm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Lê Minh Thông phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cập nhật thông tin công bố kết quả bầu cử từ các địa phương trong cả nước cho thấy: một số địa phương bầu thiếu đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu thiếu đại biểu HĐND cấp xã, phường nhiệm kỳ 2016-2021. Ngày 31/5, ông Lê Minh Thông, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề bầu thêm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp xã, phường và quy trình bầu cử thêm.

* Vừa qua, một số địa phương bầu thiếu số lượng đại biểu Quốc hội đã được ấn định. Xin ông cho biết hướng giải quyết việc này như thế nào?


Ông Lê Minh Thông: Theo Luật Tổ chức Quốc hội, "Tổng số đại biểu Quốc hội không quá năm trăm người". Điều đó có nghĩa là Luật vẫn cho phép không nhất thiết phải bầu đủ 500 đại biểu nếu như do những lý do khách quan không bầu đủ số lượng đại biểu. Nếu không bầu đủ 500 đại biểu, việc xem xét bầu cử thêm do Hội đồng Bầu cử Quốc gia quyết định.

Việc bầu cử thêm phụ thuộc vào hai yếu tố: Một là, đề xuất của địa phương nơi bầu thiếu bởi vì xuất phát từ lợi ích và quyền đại diện của cử tri cũng như tình hình thực tế của địa phương. Hai là, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cân nhắc các yếu tố để căn cứ vào đề nghị của địa phương quyết định cho bầu cử thêm hay không. Với tất cả những vấn đề như vậy, vừa qua, một số địa phương như thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng bầu thiếu số lượng đại biểu Quốc hội đã được ấn định. Trong đó, thành phố Cần Thơ có văn bản chính thức đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét việc cho phép Cần Thơ được bầu cử thêm. Căn cứ vào đề xuất của địa phương và tình hình thực tiễn về mức độ thiếu số lượng đại biểu Quốc hội phân bổ cho địa phương, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã đồng ý cho thành phố Cần Thơ bầu cử thêm. Cuộc bầu cử đã diễn ra vào ngày Chủ nhật vừa qua 29/5, với kết quả tốt, đã bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội cần bầu thêm. Cho đến bây giờ, việc bầu cử đại biểu Quốc hội cơ bản hoàn tất.

* Qua thống kê sơ bộ cho thấy, tại nhiều địa phương, số lượng đại biểu HĐND cấp xã, phường bị bầu thiếu nhiều, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Lê Minh Thông: Trước hết phải khẳng định rằng, công tác bầu cử đã thành công với số lượng cử tri đi bầu cao và các hoạt động bầu cử diễn ra đúng quy định của pháp luật. Việc kết quả số lượng ứng cử viên trúng cử, tôi nghĩ không có gì phải băn khoăn nhiều vì đó là tất yếu của bầu cử. Việc bầu không đủ, phải bầu thêm cũng là câu chuyện bình thường trong công tác bầu cử. Tuy nhiên, việc bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tương đối đủ, một số địa phương bầu thiếu đại biểu HĐND cấp xã điều này khẳng định trước hết phải tôn trọng ý chí của cử tri, cử tri đã lựa chọn, chúng ta trân trọng kết quả đó. Một khi ý thức của dân ngày càng cao, trách nhiệm chính trị của dân ngày càng nâng lên, việc người dân không tín nhiệm ai đó trong danh sách ứng cử viên cũng là câu chuyện bình thường. Điều đó cho thấy, mức độ trưởng thành dân chủ của chúng ta rất tốt, ý thức của nhân dân ngày càng cao. Rõ ràng, đại biểu HĐND gắn liền với người dân, gần dân, do đó họ rất quan tâm. Cử tri đã lựa chọn cẩn thận cấp HĐND cuối cùng bởi vì đó là những người đại diện trực tiếp cho dân và giải quyết những công việc trực tiếp nơi người dân sinh sống. Việc phải bầu thêm đại biểu HĐND cấp xã, phường cho thấy cử tri rất quan tâm và kỳ vọng vào HĐND cấp cơ sở. Sự lựa chọn cẩn trọng đó xuất phát từ sự đánh giá cao HĐND cơ sở, cử tri lựa chọn những người họ biết vì những ứng cử viên đó là những người sống với họ, họ chia sẻ thông tin và đánh giá được năng lực của các ứng cử viên. Đây là điều rất đáng mừng.

Việc này cũng cho thấy bài học về việc lựa chọn ứng cử viên để giới thiệu cho cử tri bầu. Có thể công tác chọn nhân sự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, phường chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống ở cơ sở. Đồng thời, công tác vận động bầu cử, cách thuyết trình của các ứng cử viên cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để cử tri lựa chọn được đúng người, nói lên tiếng nói của mình. Bên cạnh đó, cần phải nghiên cứu về những mối quan hệ phức tạp ở nông thôn, ở cơ sở. Đây cũng là một yếu tố có thể tác động đến kết quả bầu cử. Những yếu tố như: dòng họ, văn hóa của từng thôn bản, lệ làng... cũng tác động tới việc lựa chọn đại biểu trúng cử. Bên cạnh đó, công tác tác chỉ đạo bầu cử của địa phương cũng có những điểm cần tiếp tục hoàn thiện.

* Thưa ông, việc bầu cử thêm đại biểu HĐND cấp xã, phường sẽ được tiến hành như thế nào?

Ông Lê Minh Thông: Quy trình bầu cử thêm phải tiến hành theo đúng quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Theo đó, khoản 2, 3 Điều 79 nêu rõ: Trong cuộc bầu cử đầu tiên, nếu số người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chưa đủ hai phần ba số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử, Ban bầu cử phải ghi rõ vào biên bản xác định kết quả bầu cử và báo cáo ngay cho Ủy ban bầu cử chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp đó để quyết định ngày bầu cử thêm ở đơn vị bầu cử đó ( khoản 2). Trong trường hợp bầu cử thêm, ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên. Trong cuộc bầu cử thêm, cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử sẽ không tổ chức bầu cử thêm lần thứ hai (khoản 3).

* Trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Hoa (thực hiện)
Cử tri quân đội nghiêm trang bỏ phiếu bầu cử
Cử tri quân đội nghiêm trang bỏ phiếu bầu cử

Hòa trong không khí vui tươi, phấn khởi ngày hội lớn của cả nước, sáng 22/5, tại đơn vị bầu cử số 8, khu vực bầu cử số 12, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, các đồng chí: Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; cùng các tướng lĩnh, sỹ quan cấp cao, cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên chức quốc phòng cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã dự Lễ khai mạc và tiến hành bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN