* Tại Hà Nội, hội nghị đã thống nhất biểu quyết bằng hình thức giơ tay. Kết quả, tất cả 51 đại biểu đều nhất trí với danh sách sơ bộ gồm 188 ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026; đồng thời nhất trí kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) của người tự ứng cử, những vấn đề cần xác minh đối với người ứng cử.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, ngay sau hội nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ hai tới Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội để bảo đảm thời gian theo quy định. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức họp với đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã nơi có người ứng cử cư trú và đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử để hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri.
Trước đó, ngày 15/3, Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội đã bàn giao 188 hồ sơ (danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản, thu nhập) của người ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Đáng chú ý, trong 188 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, có 185 hồ sơ được cơ quan tổ chức giới thiệu ứng cử và 3 hồ sơ của người tự ứng cử. Các hồ sơ ứng cử đáp ứng yêu cầu về thủ tục, điều kiện giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử.
Còn ngày 17/3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thống nhất danh sách sơ bộ gồm 72 ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV.
* Tại Đắk Lắk, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh H’Kim Hoa Byă nhấn mạnh: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là sự kiện chính trị quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý - dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, là ngày hội của toàn dân. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai có ý nghĩa quan trọng để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử, đồng thời để bàn kế hoạch để gửi lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú. Do đó, bà H’Kim Hoa Byă đề nghị, hội nghị cần tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, sáng suốt lựa chọn những người đủ đức, đủ tài, đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo báo cáo của Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, qua quá trình chọn lựa, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, đến ngày 15/3, Ủy ban bầu cử tỉnh đã tiếp nhận 14 hồ sơ ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, không có hồ sơ tự ứng cử. Toàn tỉnh có 141 hồ sơ ứng cử Đại biểu HĐND tỉnh, trong đó có 1 hồ sơ tự ứng cử. Hầu hết những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk đều được cử tri nơi công tác tin tưởng, tín nhiệm, có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, có sự liên hệ mật thiết với nhân dân.
Tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, với tinh thần thống nhất cao, các đại biểu đã biểu quyết nhất trí lập danh sách sơ bộ gồm 12 ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV và 138 người ứng cử Đại biểu HĐND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần hai, từ ngày 23/3-6/4, Ủy ban MTTQ cấp xã, phường, thị trấn sẽ tiến hành trao đổi, phối hợp với cơ quan, đơn vị có người được giới thiệu ứng cử để tổ chức hội nghị cử tri, lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND.
Nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỉnh Đắk Lắk được phân bổ 9 đại biểu Quốc hội; trong đó có 5 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương, 4 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Số lượng đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 75 người.
* Tại Ninh Bình Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã được tổ chức để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo đó, trên cơ sở kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 13/3/2021, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình đã nhận đủ biên bản giới thiệu người ứng cử tại các hội nghị.
Tỉnh Ninh Bình được bầu 6 đại biểu trong số 12 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó Trung ương giới thiệu 2 người, tỉnh giới thiệu 10 người. Biên bản giới thiệu người tham gia ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương cho thấy những người được giới thiệu tham gia ứng cử đều đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đúng cơ cấu, thành phần, số lượng được phân bổ, được cử tri nơi công tác tín nhiệm cao. Sau khi thảo luận, hội nghị đã tiến hành biểu quyết, kết quả 100% nhất trí danh sách sơ bộ gồm 10 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Báo cáo tại hội nghị, sau khi được thông báo, đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức triển khai thực hiện các nội dung bước 2 Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh theo luật định. Đến hết ngày 11/3, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã hoàn thành việc tổ chức các hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh và nộp biên bản các hội nghị về Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Tỉnh Ninh Bình có 14 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh để bầu ra 50 đại biểu, số người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh gồm 100 người. Những người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đúng cơ cấu, thành phần, số lượng được phân bổ; tại hội nghị cử tri nơi công tác và hội nghị lãnh đạo mở rộng lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh đều đạt 100% số phiếu tín nhiệm.
Hội nghị đã thảo luận và biểu quyết với kết quả 100% nhất trí danh sách sơ bộ gồm 100 người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
*Tại Hải Dương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã nhận đủ các loại văn bản, hồ sơ của 18 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó 15 người ứng cử được các cơ quan, tổ chức, đơn vị tại địa phương giới thiệu, có 3 người tự ứng cử do Ủy ban Bầu cử tỉnh chuyển đến.
Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương cũng đã nhận đủ các loại văn bản, hồ sơ của 118 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII, trong đó 116 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, có 2 người tự ứng cử do Ủy ban Bầu cử tỉnh chuyển đến.
Hội nghị hiệp thương đã đồng ý cho điều chỉnh số lượng đại biểu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương từ 2 người xuống còn 1 người.
Hội nghị đã thảo luận và thống nhất thông qua danh sách sơ bộ goofam 18 người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và 117 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
* Tại Thái Nguyên, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã báo cáo tình hình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tình hình người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Trong số 22 người được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV có 5 người xin thôi ứng cử. Trong số 149 người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV có 17 người xin thôi ứng cử.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh gồm 17 người, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 58,8%; phụ nữ chiếm 70,5%; trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) chiếm 2,5%; người ngoài đảng chiếm 5,9%.
Danh sách ứng cử Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 132 người, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 30,3%; phụ nữ chiếm 47,7%; trẻ tuổi chiếm 29,5%; người ngoài đảng chiếm 11,4%.
*Như vậy trong ngày 18/3 có tất cả 16 đơn vị, địa phương đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Đắk Lắk, Đồng Nai, Hải Dương, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên, Trà Vinh và Tuyên Quang.