Nhiều vụ việc về tham nhũng tưởng như bị chìm vào quên lãng, nhưng đã được đưa ra ánh sáng, xử lý đúng người, đúng tội. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thành công bước đầu trong công cuộc đấu tranh này là Đảng, Nhà nước ta đã khơi nguồn, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí.
Báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Không chỉ phát hiện, đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng, tiêu cực, báo chí còn góp phần khôi phục niềm tin trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực mới để đất nước đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, giúp dư luận thấy rõ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Chùm bài "Bảo vệ nhà báo trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" đưa ra đánh giá chung về việc báo chí tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng; chia sẻ những khó khăn, vất vả, thậm chí hiểm nguy của những nhà báo trong việc phát hiện, phanh phui các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; từ đó đề xuất các giải pháp để báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Bài 1: Cầu nối giữa Đảng và nhân dân
Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu năm 2013 và nhất là từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã được triển khai trên một cấp độ mới, ráo riết hơn, quyết liệt hơn và đã đạt được những kết quả tích cực.
Báo chí là lực lượng luôn trên tuyến đầu, là vũ khí sắc bén, vào cuộc mạnh mẽ và cho thấy hiệu quả to lớn, là lực lượng tiếp sức cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong Đảng, toàn dân. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực do báo chí phát hiện đã được xem xét, điều tra, xét xử nghiêm minh.
Vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước
Thực tiễn những năm qua, nhất là thời kì đổi mới cho thấy báo chí đã luôn là địa chỉ cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc phát hiện, giám sát, đưa ra ánh sáng hàng nghìn vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Hàng loạt vụ án tham nhũng điển hình được báo chí phát hiện và bám sát để đưa tin kịp thời. Thông qua việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng với các vụ việc được đưa ra xét xử, báo chí tạo được lòng tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhà nước, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội. Đây là kết quả có ý nghĩa vô lớn đối với sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế của đất nước.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thông tấn nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) luôn quan tâm đến việc thông tin tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng với chất lượng thông tin, tuyên truyền ngày càng được nâng cao. Hình thức tuyên truyền có nhiều cải tiến, đổi mới, tăng tính hấp dẫn và khả năng tương tác cao với độc giả.
Cùng với thông tin về phòng, chống tham nhũng trong nước, với lợi thế có mạng lưới phóng viên thường trú rộng khắp TTXVN còn tập trung thông tin về kinh nghiệm, bài học của các nước trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp; sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng... Trên các sản phẩm của TTXVN luôn duy trì, bảo đảm các nội dung thông tin về kết quả thanh, kiểm tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác thu hồi tài sản. Thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng được các đơn vị của TTXVN thực hiện bằng nhiều loại hình (tin văn bản,ảnh, truyền hình, đồ họa) qua các chuyên mục: "Đại hội Đảng khóa XIII", "Nội chính", "Văn bản, chính sách mới", "Xây dựng Đảng- Đoàn thể", "Pháp luật", "An ninh trật tự", "Theo dòng sự kiện". Chuyên mục "Người tốt, việc tốt", bên cạnh giới thiệu các tấm gương tiêu biểu trong các lĩnh vực, các đơn vị thông tin chú ý phản ánh những điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Từ tháng 6/2016 đến 30/5/2021, các đơn vị thông tin nguồn củaTTXVN đã sản xuất, đăng phát trên 20.000 tin, bài, hơn 5.000 ảnh, gần 800 tin, phóng sự truyền hình, đồ họa về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng. Các đơn vị thông tin đối ngoại của TTXVN đã khai thác, biên tập, dịch sang 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha, Nga với hơn 8.000 tin, bài. Truyền hình Thông tấn thực hiện 800 tin, phóng sự, chuyên mục về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Các tin bài tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng trên Báo Nhân Dân luôn được ưu tiên cập nhật trên trang 1 và trang 8. Trong đó, trên trang 8 hàng ngày thường xuyên có những bài viết đề cập chủ đề phòng, chống tham nhũng tại các địa phương, đơn vị, bộ, ngành; trên trang 4 - Chuyên trang Nhà nước và pháp luật vào thứ Sáu hàng tuần thường xuyên đăng bài của các chuyên gia, phóng viên phản ánh khá cụ thể xung quanh việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng.
Hàng nghìn tin, hình ảnh, phóng sự tuyên truyền trên các bản tin và trên hệ thống các chuyên mục, được phát sóng trên khung "giờ vàng" của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), điển hình là các chương trình: "Đảng trong cuộc sống hôm nay", "Quốc hội cử tri", "Vấn đề hôm nay", "Sự kiện bình luận"…; nhất là loạt chuyên đề, phóng sự như: "Nhận diện suy thoái", "Hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng","Kiểm soát quyền lực"...
Trong giai đoạn 2005-2021, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã thực hiện gần 2.000 chương trình chuyên đề, gần 3.000 bài viết bình luận - phóng sự điều tra, hơn 5.000 tin, bài về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Trên tất cả các kênh thời sự VOV1, VOV2, VOVTV, VTC1, VOV.VN, VTC News… nhiều chuyên đề với thời lượng từ 10-45 phút trong các khung "giờ vàng" đã được đăng phát để bàn luận, phân tích về thực trạng tham nhũng, các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu qủa, những bất cập trong công tác phòng, chống tham nhũng...
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí khác cũng tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với các loạt bài phóng sự, phóng sự điều tra phanh phui các sai phạm, vạch trần những tiêu cực trong xã hội. Công tác thông tin, tuyên truyền đã, đang tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên đối với công tác phòng, chống tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Đồng thời, báo chí đã góp phần tích cực trong việc đề cao vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên và người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng. Thông qua báo chí, hàng nghìn tấm gương quần chúng nhân dân, đảng viên đi đầu trong phòng, chống tham nhũng đã được phát hiện, nêu gương, được Đảng, Nhà nước khen thưởng.
Tấn công trực diện vào mặt tiêu cực, xấu, độc
Thời gian qua, Nhà nước ta đã thể hiện sự vinh danh với báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua các giải báo chí, trong đó có thể kể đến Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" (nay là Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực). Sau ba lần tổ chức, Giải đã thu hút sự tham gia của báo chí với hàng nghìn tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm có tính phát hiện, tính chiến đấu cao, đi sâu bản chất sự việc, kiến giải, phân tích, đề xuất biện pháp cần xử lý, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, thể hiện được phẩm chất dấn thân của nhà báo, bản lĩnh cũng như trình độ tác nghiệp.
Kể về quá trình tác nghiệp loạt bài "Cấp ủy ở đâu khi để xảy ra các đại án tham nhũng kinh tế" (giải A Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3), nhà báo Lại Thị Hoa, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) - đại diện nhóm tác giả cho biết: Từ những sai phạm trong đầu tư, quản lý kinh tế tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thời gian qua như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam... đã làm thiệt hại, thất thoát của nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, nhóm đã thực hiện chủ đề trên.
Theo nhà báo Lại Thị Hoa, từ tìm hiểu thực tế nhóm tác giả đã nhận thấy những sai phạm tại một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thời gian qua có trách nhiệm lớn của tổ chức Đảng trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước khi chưa hoàn thành sứ mệnh được giao. Ở những cơ quan, đơn vị này, vai trò Đảng lãnh đạo toàn diện đã không được chấp hành, thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ, dẫn đến hoạt động của tổ chức đảng mờ nhạt, yếu kém, thậm chí tê liệt, mất sức chiến đấu.
Loạt bài đặt ra giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức đảng tại khu vực này, cần đặc biệt chú trọng công tác cán bộ, lựa chọn nhân sự, nhất là người đứng đầu. Bởi, đường lối có tốt, quyết sách có hay mà không chọn đúng người thì kết quả không bao giờ được như mong đợi. Cùng với kiện toàn công tác cán bộ là cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực,phòng chống tham nhũng, lãng phí. Công tác kiểm tra, giám sát trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải thật sự thực chất, cụ thể, tránh tình trạng "trống dong cờ mở". Cùng với đó là thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ, giúp việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hiệu quả các rủi ro, vi phạm pháp luật, lợi dụng kẻ hở cũng như quyền hạn để tiêu cực, tham nhũng.
Kể từ ngày 26/3/2021, Báo Đại Đoàn Kết đăng loạt bài "Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc 'ma mị' giữa Thủ đô" (giải B Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3; giải A Giải báo chí quốc gia lần thứ XVI, năm 2021), báo đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc trong cả nước hoan nghênh, ủng hộ, bày tỏ bức xúc trước những hoạt động của câu lạc bộ này. Các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương, đại biểu Quốc hội, chuyên gia, luật sư và nhiều cơ quan truyền thông cũng đã vào cuộc.
Nhà báo Nguyễn Công Khanh - đại diện nhóm tác giả cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, đầu năm 2021, nhóm phóng viên đã bắt đầu quá trình điều tra những góc khuất của câu lạc bộ Tình Người (thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng có địa chỉ tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội). Sau nhiều ngày thâm nhập, điều tra, thu thập tư liệu, tham vấn ý kiến của các chuyên gia luật pháp, nhóm phóng viên đã thu thập được nguồn tư liệu khổng lồ để vẽ lên những hoạt động khoác áo từ thiện của câu lạc bộ. Xác định đây là đề tài khó bởi câu lạc bộ Tình Người được tổ chức chặt chẽ và có nhiều hoạt động tinh vi nhằm che mắt thành viên, dư luận, cơ quan chức năng nên nhóm phóng viên đã có quá trình thâm nhập, thu thập tư liệu công phu, kín kẽ. Với tình yêu nghề, sự đam mê, quyết tâm đi tới cùng sự thật, nhóm phóng viên đã vượt qua nhiều áp lực để có những tác phẩm báo chí công phá vào "thành trì câu lạc bộ Tình Người".
Sau loạt bài, tháng 4/2021, câu lạc bộ Tình Người ra thông báo ngưng hoạt động, rời trụ sở chính và đóng hotline. Tháng 7/2021, cây lạc bộ chính thức giải tán. Qua loạt bài, Báo Đại Đoàn Kết đã dẫn dắt luồng thông tin chính thống tấn công trực diện vào cái xấu, cái độc, tệ nạn, tiêu cực, tạo nên hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.
Chia sẻ những khó khăn, vất vả, thậm chí hiểm nguy của các phóng viên, nhà báo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài khẳng định: Để có những bài báo chất lượng, trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên, tòa soạn phải đối mặt với những áp lực, khó khăn đến từ nhiều phía, với nhiều mức độ khác nhau. Vì vậy, những phóng viên điều tra chống tham nhũng, lãng phí rất cần và luôn cần có sự động viên, chia sẻ, hậu thuẫn của người thân, đồng nghiệp, cấp trên, cơ quan bảo vệ pháp luật và hơn hết là sự ủng hộ, bảo vệ của công luận, nhân dân. Với quyết tâm của Mặt trận trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ luôn đồng hành với các cơ quan thông tấn báo chí và những người làm báo, cổ vũ, động viên, không để các nhà báo phải "chùn bước" trước gian khó.
Bài 2: Tự bảo vệ mình trước cám dỗ và hiểm nguy