Đáng chú ý, tại hội nghị, Thủ tướng đã đề nghị các Tỉnh ủy, Thành ủy xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường để đảm bảo công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ này được tập trung, thống nhất, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo MTTQ Việt Nam và nhiều Ban, Bộ, ngành trung ương cùng một số Tập đoàn, Tổng công ty quốc gia.
Tại 63 điểm cầu trực tuyến, ngoài lãnh đạo Tỉnh, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố, còn có sự tham dự của cán bộ quản lý chuyên trách về bảo vệ môi trường và nhiều doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan.
Áp lực môi trường ngày càng nặng nề
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, áp lực môi trường đang ngày một lớn và ngày càng trở thành vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước. Mỗi năm nước ta có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; có 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ khoảng 5% số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong hơn 500.000 cơ sở sản xuất đang hoạt động thì có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu.
Ngoài ra, có 787 đô thị với 3 triệu mét khối nước thải/ngày đêm, nhưng hầu hết chưa được xử lý. Bên cạnh đó, với 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô đang lưu hành, cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Lo ngại hơn, mỗi năm cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học, đã dẫn đến thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, chia cắt các sinh cảnh, suy giảm đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, mặc dù các doanh nghiệp FDI đang đóng góp 70% tốc độ tăng trưởng của nước ta, nhưng các doanh nghiệp này đang có xu hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường, như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai tác và tận thu khoáng sản không gắn với chết biến sâu…
Một số dự án FDI vi phạm pháp luật ô nhiễm môi trường như Công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men…
Vẫn còn tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế, coi nhẹ bảo vệ môi trường
Quan điểm của các bộ, ngành, địa phương đều bày tỏ lo ngại trước thực trạng môi trường đất nước và nhìn nhận những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường là những nội dung cần được ưu tiên trong quản lý Nhà nước thời gian tới.
Đặc biệt, sự cố môi trường biển miền Trung tháng 4 vừa qua diễn ra trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài; ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.
Phân tích về các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh đến những yếu tố chủ quan: “Nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. Cơ chế thu hút FDI bằng mọi giá, đánh đổi với chi phí cơ hội về môi trường”.
Một số ý kiến cũng đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương rà soát các nguồn thải, nguồn ô nhiễm trong cả nước, để hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực này.
Đánh giá thực trạng công tác bảo vệ môi trường , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn tiếp tục diễn ra đáng lo ngại. Thực trạng này xảy ra bởi quá trình tích tụ từ nhiều năm trước đó và đang diễn ra trên diện rộng với nhiều lĩnh vực.
Ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất đai ngày càng nghiêm trọng, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông khu đô thị, thậm chí ngay cả khu vực nông thôn. Khiếu kiện đông người về môi trường diễn ra gay gắt ở nhiều nơi, xuất hiện nhiều điểm nóng môi trường, mà nếu không kịp thời xử lý, giải quyết sẽ gây mất an ninh trật tự.
Đồng tình với nhiều ý kiến phân tích về nguyên nhân những yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường chủ yếu là yếu tố chủ quan, Thủ tướng nhận xét, ý thức tôn trọng pháp luật về môi trường chưa nghiêm. Nhiều doanh nghiệp thực hiện không nghiêm túc những quy định về môi trường. Bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường chưa đồng bộ, thiếu thống nhất từ trung ương đến địa phương, chưa theo kịp các diễn biến phức tạp của các vấn đề về môi trường.
Cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực này thì yếu và thiếu chuyên môn nghiệp vụ, nhất là các địa phương; một bộ phận cán bộ còn vô trách nhiệm, có biểu hiện tiêu cực. Quản lý Nhà nước còn chồng chéo, thiếu thống nhất, chưa có sự phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn hẹp, phân bổ dàn trải, nhất là xã hội hóa nguồn lực còn chậm, thiếu cơ chế chính sách đột phá.
Thủ tướng lo lắng trước việc cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chưa phát huy đúng vai trò bảo vệ môi trường, chưa phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức xã hội, nhất là chưa vận động nhân dân tích cực tham gia vào việc bảo vệ môi trường; việc phát hiện và xử lý còn chậm, chủ yếu qua báo chí và nhân dân mà sự cố Formosa là một điển hình.
Trước thực trạng đó, Thủ tướng cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi tư duy phát triển bám sát định hướng tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; kiên quyết không vì lợi ích trước mắt mà làm tổn hại môi trường; bảo vệ lợi ích và cuộc sống bình yên của người dân.