Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời báo chí tại cuộc họp báo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Thực hiện ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ các báo cáo quốc gia về tình hình môi trường nước ta hiện nay, đồng thời thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, thực tiễn quản lý nhà nước và trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng báo cáo đánh giá toàn diện về thực trạng và giải pháp khả thi để tăng cường công tác bảo vệ môi trường hiện nay.
Thực trạng môi trường SOSBáo cáo do Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày nêu rõ, áp lực và các vấn đề môi trường bức xúc ở nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong nước, sức ép cạnh tranh của quá trình hội nhập quốc tế cùng các tác động xuyên biên giới.
Hàng năm, có hơn 2.000 dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nếu không được đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát hiệu quả thì sẽ là những nguy cơ rất lớn đến môi trường.
Các vấn đề môi trường theo dòng chảy sông Mekong, sông Hồng, các sông xuyên biên giới ngày càng phức tạp. Việc xây dựng các dự án thủy điện của một số quốc gia trên dòng chính sông Mê Công đã và đang có những tác động, ảnh hưởng lớn đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường.
Hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế.
Có 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý; lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô tạo ra nguồn phát thải lớn đến môi trường không khí. Hàng năm, có 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật được sử dụng.
Trong đó khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định; hiệu suất sử dụng chỉ đạt 25-60%; công tác thu gom, lưu giữ và xử lý bao bì chưa được quan tâm, nhiều nơi thải bỏ ngay tại đồng ruộng gây phát sinh mùi, khí thải.
Hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan. Đó là những nguồn tác động rất to lớn đến môi trường ở nước ta.
Nhận thức rõ những thách thức, áp lực rất lớn nêu trên, Đảng và Nhà nước đã đề ra chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, từng bước được bổ sung và hoàn thiện. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường.
Tính từ năm 2006 đến nay đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 2.229 tổ chức, đồng thời buộc các đối tượng vi phạm thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại. Qua đó nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường chậm lại.
Tuy vậy, môi trường nước ta vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn và vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết, xử lý, cụ thể là hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường.
Hoạt động khai thác khoáng sản thải đất đá và nước thải mỏ, bụi thải, quặng xỉ ngấm xuống nguồn nước hoặc phát tán ra môi trường; làm thay đổi hệ sinh thái rừng, suy thoái và ô nhiễm đất nông nghiệp. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ, giảm hiệu quả sử dụng đất, đặc biệt tại khu vực tập trung nhiều mỏ khai thác khoáng sản.
Chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh; tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng. Nhiều làng nghề hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất đang gây ô nhiễm cao đối với môi trường như: tái chế nhựa, kim loại, ắc quy chì, chăn nuôi gia súc, sản xuất giấy...
Đặc biệt, đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung; bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường.
Sự cố môi trường biển miền Trung tháng 4 vừa qua diễn ra trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài; đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; đồng thời đã làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.
Chiều 24/7, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) Hơn 500 đoàn viên, thanh niên và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cùng chung tay thu gom rác thải và làm sạch 2km bãi biển tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN |
Tình trạng hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý; rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường: Hiện chỉ có 40/786 đô thị trên cả nước có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn với tổng công suất xử lý khoảng 800.000 m3/ngày đêm.
Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới chỉ đạt 10% - 11%; còn lại thải trực tiếp ra môi trường. Nhiều địa phương chưa có bãi chôn lấp chất thải công nghiệp; tình trạng đổ thải, chôn lấp chất thải công nghiệp trái quy định còn xẩy ra ở nhiều nơi.
Nguồn nước mặt, nước dưới đất trong các đô thị, khu dân cư ở một số địa phương bị ô nhiễm nặng: Tại các lưu vực sông, ô nhiễm nghiêm trọng và suy thoái chất lượng nước tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu, như ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu, hệ thống sông Đồng Nai.
Các khu vực ô nhiễm tồn lưu chậm được xử lý, cải tạo, phục hồi dẫn đến ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm: Đến nay, vẫn còn 160/240 điểm, khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg. Việc đầu tư cho xử lý ô nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu mới đáp ứng 21% so với kế hoạch đã đề ra.
Diện tích các hệ sinh thái tự nhiên giảm mạnh, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái nhanh: Các hệ sinh thái tự nhiên khác như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển... mặc dù được quan tâm trồng mới, bảo tồn nhưng cũng đang đứng trước tình trạng suy thoái, chưa được khôi phục.
Các vấn đề môi trường cấp bách nêu trên nếu không được giải quyết kịp thời sẽ những tác động tiêu cực ngày càng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cũng như tác động trực tiếp tới an toàn sức khỏe và sinh kế người dân.
Thực trạng môi trường nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan do Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh, mạnh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, đầu tư phát triển rất cao, kéo theo nhiều áp lực đến môi trường. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn so với dự báo làm phức tạp thêm các vấn đề môi trường.
Tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài đã tác động đến nền kinh tế của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta bị chững lại trong giai đoạn 2011 đến nay dẫn đến đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội cho công tác bảo vệ môi trường bị giảm sút, không đáp ứng được yêu cầu.
Song chủ yếu từ những nguyên nhân chủ quan, đó là nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư.
Cơ chế thu hút FDI được ưu tiên cao và chưa tính toán đầy đủ các chi phí cơ hội về môi trường. Khu vực FDI hiện đóng vai trò đầu tàu xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 71% xuất khẩu và 59% nhập khẩu của Việt Nam.
Không thể phủ nhận vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, song cũng cần tỉnh táo để đánh giá xem rằng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam có phải vì môi trường đầu tư hấp dẫn, vì những lợi thế so sánh của đất nước, do chúng ta tạo ra hay vì những lý khác.
Tại sao FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực giá rẻ, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, da giày, khai thác và tận thu khoáng sản không gắn với chế biến sâu, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất, chế biến nông sản thực phẩm…? Có phải do các quy chuẩn về bảo vệ môi trường của nước ta chưa theo kịp với các yêu cầu, diễn biến mới của quá trình hội nhập?
Việc đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng chưa chú trọng đúng mức tới công tác kiểm tra, giám sát? Phải chăng lợi ích mà FDI mang lại cho chúng ta không đủ bù đắp những phí tổn về khí hậu và môi trường đang diễn ra? Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng chỉ tiêu “GDP xanh” trong đánh giá tăng trưởng kinh tế thay vì khái niệm GDP đơn thuần như hiện nay, theo đó phải tính toán đến cả các chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế.
Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao, đặc biệt trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Quy hoạch bảo vệ môi trường chậm được ban hành làm căn cứ thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; chất lượng của các báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư, đặc biệt là một số dự án đầu tư lớn chưa cao, chưa phát huy tốt hiệu quả của công cụ phòng ngừa ô nhiễm. Trong khi đó, còn thiếu các cơ chế, tiêu chí về môi trường để sàng lọc hiệu quả các loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất, các dự án đầu tư vào khu vực nhạy cảm về môi trường.
Thiếu cơ chế thúc đẩy khu vực kinh tế xanh, đầu tư vào các loại hình sản xuất thân thiện với môi trường. Đang xuất hiện ngày càng nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn được cấp phép song thiếu tính toán về quy hoạch, chưa được đánh giá đầy đủ các tác động tới môi trường; việc kiểm soát, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường trong các dự án đầu tư chưa được quan tâm thích đáng.
Đầu tư cho bảo vệ môi trường còn rất hạn chế, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu; còn thiếu các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho bảo vệ môi trường; nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.
Nền kinh tế nước ta đã chuyển dịch toàn diện theo cơ chế thị trường trong khi đó các chính sách kinh tế tài nguyên, môi trường chưa có sự chuyển đổi để thích ứng kịp thời. Chưa nhận diện được một cách đầy đủ các mặt trái mà nền kinh tế thị trường đã mang lại là chú trọng thâm dụng tài nguyên, môi trường của thế hệ tương lai để tối đa hóa lợi nhuận.
Quan điểm đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển mà Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra chưa được thể chế hóa một cách kịp thời bằng các cơ chế, chính sách trên thực tế. Trong từng dự án đầu tư, chưa tính toán một cách đầy đủ tỷ lệ đầu tư tương xứng cho môi trường.
Việc sử dụng các công cụ thuế, phí, ký quỹ, đặt cọc hoàn trả chưa hiệu quả, chưa tạo được nguồn thu tương xứng để đầu tư trở lại cho công tác bảo vệ môi trường, chưa bảo đảm đúng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền, trả đúng, trả đủ”, “người hưởng lợi về môi trường phải chi trả”. Đầu tư cho môi trường ở các nước phát triển trung bình hàng năm đều chiếm trên 3-4% GDP, đầu tư từ xã hội là rất lớn.
Chưa phát huy được vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực bảo vệ môi trường và giám sát chặt chẽ công tác quản lý, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Trên thực tế, bảo vệ môi trường dường như vẫn đang được xem là trách nhiệm của Nhà nước. Quan điểm bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội vẫn chưa được thực thi một cách đầy đủ do thiếu những quy định xác định rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, phân định nhiệm vụ giữa Nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư.
Dự báo đặt ra những yêu cầu mớiBiến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng đặt ra những yêu cầu mới trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phát triển bền vững tiếp tục được coi mục tiêu phát triển trọng tâm của thế giới trong những thập niên tới với việc Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc được tổ chức tại New York năm 2015 vừa qua đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, trong đó xác định 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu phát triển bền vững.
Các nước công nghiệp phát triển đi trước cũng đã từng trải qua giai đoạn phát triển đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường tương tự như Việt Nam hiện nay (Nhật Bản, Đức vào những năm 60 - 70; Singapore, Hàn Quốc vào những cuối những năm 70 đầu năm 80 của thế kỷ trước; …), thậm chí gay gắt, xảy ra các sự cố môi trường làm chết, ảnh hưởng đến hàng nghìn người (ví dụ như vụ Minamata ở Nhật Bản năm 1956).
Nguyên nhân sâu xa của những khủng hoảng môi trường này bắt nguồn từ mô hình phát triển lấy tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm, khuyến khích một xã hội tiêu thụ, dựa trên nền tảng những công nghệ tiêu tốn năng lượng, lạm dụng quá mức tài nguyên và không gian môi trường.
Với Việt Nam, còn tồn tại nhiều loại hình sản xuất, công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Điều đó đặt ra những thách thức trong quá trình thay đổi mô hình, công nghệ sản xuất từ năng lượng đen (ô nhiễm môi trường) sang năng lượng xanh (thân thiện với môi trường), thay đổi thói quen tiêu dùng để hướng tới nền kinh tế xanh, phát thải cácbon thấp.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang dần hiện hữu, do vậy, nếu chậm trễ, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ đen, lạc hậu và ô nhiễm của thế giới.
Các giải pháp phải thực hiệnChính phủ nhiệm kì 2016 - 2021 bắt đầu hoạt động của mình với phương châm là một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, trong đó coi tài nguyên, môi trường vừa là đối tượng phải bảo vệ, vừa là nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động phát triển.
Để thực hiện được mục tiêu đó, cần tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trước hết cần khẩn trương xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia làm căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư phù hợp với quy hoạch môi trường.
Xây dựng và ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường, trong đó có các quy định về cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương bảo đảm nguyên tắc Trung ương chỉ đạo thống nhất và địa phương xây dựng năng lực tự ứng phó theo phương châm 3 tại chỗ đã được xây dựng trong phòng chống thiên tai.
Ban hành hệ thống các tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, trong đó có các quy định về cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.
Xây dựng hệ thống các chỉ tiêu thống kê hằng năm về môi trường trong hệ thống các chỉ tiêu thống kê phát triển kinh tế - xã hội quốc dân, bảo đảm phản ánh đầy đủ các nội dung quản lý môi trường, phát triển bền vững, trong đó có các chỉ tiêu theo dõi về nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và xã hội cho bảo vệ môi trường.
Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường; cụ thể hóa các cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải, phát triển công nghệ xử lý nước thải, tái chế chất thải.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; về kiểm tra công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống phòng ngừa, cảnh báo sớm sự cố môi trường.
Thực hiện tổng điều tra các nguồn thải, nguồn gây ô nhiễm trên phạm vi cả nước, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh để quản lý thống nhất, có cơ chế chia sẻ thông tin và cảnh báo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường ngành phải nghiêm ngặt hơn các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nói chung, đặc biệt chú trọng các ngành nhuộm, thuộc da, sản xuất giấy, luyện thép từ quặng..., tiếp cận với quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của các nước tiên tiến.
Rà soát quy hoạch, xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại đáp ứng nhu cầu theo quy mô phát sinh các loại chất thải này tại các địa phương, các khu vực kinh tế trọng điểm, nơi có các dự án lớn.
Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý, thải bỏ, chôn lấp các loại chất thải, nhất là chất thải nguy hại. Đầu tư và có các chính sách thu hút đầu tư của khối tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường; phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường.
Tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường trên phạm vi cả nước. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc, đánh giá về chất lượng môi trường làm cơ sở phục vụ công tác thẩm định, xét duyệt các dự án đầu tư, đồng thời, để các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và người dân thực hiện kiểm soát, giám sát về môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát đảm bảo việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường đối với những dự án đã đi vào hoạt động, trước hết là các dự án có nguồn thải ra sông, ra biển.
Tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải, hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý chất thải thông thường, trong đó có nội dung quy định về sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, coi chất thải là tài nguyên.
Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường tại các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm tiết kiệm, hỗ trợ và thực hiện có hiệu quả các hoạt động quản lý môi trường tại địa phương.
Trước mắt, điều chỉnh tái cơ cấu đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường ngay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tập trung ưu tiên cho các dự án tiết kiệm năng lượng, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các dự án theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Các giải pháp lâu dài là tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung, bám sát thực tế và theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, diễn biến nhanh và mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường.
Thể chế hóa kịp thời và tổ chức thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; tăng cường sự phối hợp, chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương.
Có các giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường. Bộ TN&MT chịu trách nhiệm tổng thể về kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện đúng trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.
Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngày càng lớn, phức tạp.
Rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp, nhất là ở các địa phương, ưu tiên cấp huyện, xã, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Xây dựng cơ chế tham vấn, phối hợp trong công tác bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường ở địa phương.
Tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư xử lý chất thải; xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái do trước đây để lại. Tăng chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, tập trung giải quyết vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng kéo dài.
Tăng cường vai trò điều phối, phân bổ nguồn lực đầu tư, chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các nguồn thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường phải được đầu tư trở lại cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
Có cơ chế thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào vận hành thử nghiệm đối với các dự án đầu tư lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thu hút mạnh đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”.
Rà soát, chấn chỉnh, tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; sớm đưa các chế tài hình sự về môi trường vào áp dụng; hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trước năm 2020. Tổ chức đánh giá, xếp hạng công tác bảo vệ môi trường của các địa phương từ năm 2017.
Công nhân đưa rác thải vào lò đốt để xử lý tại một nhà máy xử lý chất thải rắn ở huyện Gò Dầu (Tây Ninh). Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN |
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường. Tiếp tục quan tâm xây dựng các dự án ưu tiên về bảo vệ môi trường nhằm kêu gọi hỗ trợ từ nguồn vốn ODA. Nghiên cứu, kiến nghị cơ chế cử cán bộ đại diện ngoại giao về môi trường tại các nước nhằm tăng cường cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, các vùng miền; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà Bộ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương xem xét, ban hành Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương đến năm 2020, có tiến độ hoàn thành và định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.
Kiến nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới; trong đó, chú trọng xây dựng các tiêu chí sàng lọc, tiếp nhận các dự án đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Chỉ đạo rà soát chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ, ngành liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong công tác quy hoạch, quản lý chất thải, công nghệ môi trường.
Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, công trình lớn có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao do Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời, chỉ đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, công trình có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.
Quan tâm tăng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường bảo đảm yêu cầu trong giai đoạn mới, đặc biệt là có cơ chế phù hợp và tăng chi ngân sách cho các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn thực hiện Chương trình quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2016 - 2020.
Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường thực hiện quyền phản biện, giám sát, tham gia quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phải đảo đảm bố trí không dưới 1% ngân sách của địa phương chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường; tăng cường theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn chi này một cách hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chi đúng mục tiêu và đủ kinh phí theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước.
Quan tâm chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực cho các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường tại địa phương; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tuyển chọn cán bộ có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý môi trường.
Rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rủi ro xảy ra sự cố môi trường và có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, phòng ngừa các sự cố môi trường bằng các biện pháp kỹ thuật - công nghệ phù hợp, kết hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng này.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của địa phương; tập trung xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xây dựng năng lực ứng phó với sự cố môi trường, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường.