Báo Sự thật ca ngợi kinh tế Việt Nam

Báo Sự thật của Nga vừa có bài viết đánh giá về những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam năm 2014 và sự cần thiết Nga phải tăng cường quan hệ với “con rồng mới” ở châu Á.

Bài viết ca ngợi kinh tế Việt Nam trên Báo Sự thật của Nga.


Theo chuyên gia kinh tế Ilya Usov, tác giả bài báo, với tuyên bố ưu tiên chiến lược hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương trong những năm tới, Nga đang chứng tỏ sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của mình. Đặc biệt điều đáng lưu ý, trong "bước ngoặt về phía Đông", Nga đã có những điều chỉnh đáng kể, theo đó không có cái nhìn thiên lệch như trước về những điểm sáng kinh tế. Ông Ilya Usov cho rằng chính sách đa chiều của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương không chỉ giúp Nga có không gian tự do hành động rộng lớn hơn, mà còn mang lại cho Moskva các lợi ích đáng kể về kinh tế. 


Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) vừa diễn ra ở thủ đô Naypyidaw (Myanma), Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đề cập đến Việt Nam như một ví dụ điển hình, khẳng định nếu Việt Nam liên kết thành công với Khu vực thương mại tự do của Liên minh hải quan (gồm Nga, Kazakhstan và Belarus), kinh nghiệm này sẽ được mở rộng ra các quốc gia khác ở Đông Nam Á. 


Ông Ilya Usov cho biết khác với hình ảnh từ lâu đã hình thành trong giới truyền thông Nga, Việt Nam là nền kinh tế tương đối phát triển và đang đà tăng trưởng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng 5,6%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số này là 5,4%, trong khi Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu ở mức 5,8%.


Việt Nam là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, vì vậy việc nhu cầu đối với các loại hàng hoá tăng sẽ kéo theo sự phát triển kinh tế. Trong 3 quý đầu năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam đạt 109,6%, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tăng góp phần củng cố niềm tin của các nhà sản xuất. Kết quả khảo sát của các nhà quản lý mua sắm trong lĩnh vực công nghiệp (chỉ số PMI) cho thấy Việt Nam trong 13 tháng liên tục đạt trên 50 điểm PMI (50 điểm trở lên đồng nghĩa với tình trạng kinh tế đang cải thiện). Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng khá tự tin khi 9 tháng đầu năm 2014, các chỉ số VN-Index và HNX-Index lần lượt tăng 19,9% và 30,4% so với cuối năm 2013 và lọt vào tốp 5 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.


Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách hỗ trợ đồng nội tệ (VND) khi tỷ giá giao dịch với đồng USD được giữ ổn định ở mức 21.100 đồng/1 USD. Trong 10 tháng đầu năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng ở mức 4,5%, cho phép Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cơ bản. Nhờ xuất khẩu tăng, thặng dư thương mại và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng, Chính phủ Việt Nam đã tăng đáng kể nguồn dự trữ ngoại tệ. Năm 2014, lần đầu tiên dự trữ ngoại tệ của Việt nam đạt mức cao kỷ lục 35 tỷ USD.


Bài báo cho biết xác chuyên gia kinh tế quốc tế rất tin tưởng nền kinh tế Việt Nam còn tiếp tục đà phát triển. Theo dự báo của các viện nghiên cứu lớn trên thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6% trong năm 2015 và 7% trong giai đoạn 2016-2017. Với lợi thế trên, Nga sẽ được lợi khi mở rộng quan hệ với các nước châu Á-Thái Bình Dương hiện đang có tốc độ phát triển kinh tế cao.



Cao Cường(P/v TTXVN tại Moskva)

Tổng thống Putin: Quan hệ Nga - Việt sẽ được củng cố
Tổng thống Putin: Quan hệ Nga - Việt sẽ được củng cố

Tổng thống LB Nga Vladimir Putin đã gửi điện chúc mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân kỷ niệm 69 năm ngày Việt Nam tuyên ngôn độc lập và bày tỏ tin tưởng quan hệ đối tác chiến lược hai nước sẽ được củng cố vì lợi ích của hai dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN