Theo tác giả bài viết, thời gian qua, với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt, Việt Nam đã kiềm chế thành công sự lây lan của dịch COVID-19 và tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển, trở thành một trong số ít các quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2020. Nhiệm vụ đầu tiên của các lãnh đạo mới là dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng hơn nữa, bao gồm thực hiện các cải cách kinh tế theo điều khoản của các thỏa thuận thương mại mới và giải quyết các nút thắt trong lĩnh vực sản xuất, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ký hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận song phương khác. Ban lãnh đạo mới sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách đối ngoại, bao gồm mở cửa thị trường và hội nhập nền kinh tế quốc tế, cân bằng quan hệ, đồng thời hiện thực hóa khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng và đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi cho rằng quan hệ song phương sẽ hứa hẹn tiếp tục phát triển tốt đẹp hơn nữa. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng của ngoại giao đa phương và Việt Nam coi Nam Phi là một trong những đối tác chiến lược.
Chính phủ mới sẽ tập trung thực hiện các nghị quyết của Đại hội XIII với những mục tiêu và chỉ tiêu cho giai đoạn tiếp theo, đồng thời tiếp tục thúc đẩy xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nêu cao tinh thần kỷ cương hành chính, trong đó có quan điểm chống tham nhũng một cách mạnh mẽ. Chính phủ của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ tập trung vào việc quản lý hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đất nước, bao gồm cơ sở hạ tầng chiến lược, chuyển đổi kỹ thuật số và nền kinh tế kỹ thuật số, xây dựng năng lực và nâng cao vị thế, ảnh hưởng của Việt Nam trên thế giới. Bên cạnh đó, chính phủ mới sẽ tiếp tục chú trọng phát triển toàn diện hệ thống phúc lợi xã hội, trọng tâm là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân.