Theo bài viết, là nước láng giềng tiếp giáp với Trung Quốc - tâm dịch đầu tiên của virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã "có màn thể hiện ngoạn mục" trong cuộc chiến toàn cầu chống COVID-19. Tính đến ngày 6/4, Việt Nam mới ghi nhận 245 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 95 trường hợp khỏi bệnh và không có trường hợp tử vong.
Bài viết nêu rõ thành tích chống dịch của Việt Nam đã được quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ghi nhận vì mô hình phòng chống dịch bệnh toàn diện, chi phí thấp. Bài viết dẫn lời đại diện WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Ki Dong Park đánh giá Chính phủ Việt Nam đã “luôn chủ động và chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống”. Việt Nam đã nhanh chóng có các biện pháp phòng chống dịch từ sớm, lên phương án ngăn chặn dịch bệnh bùng phát ngay từ khi Trung Quốc ghi nhận các trường hợp mắc bệnh đầu tiên.
Bài viết lưu ý, ngày 1/2, khi Việt Nam ghi nhận trường hợp thứ sáu dương tính với virus SARS-CoV-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phân loại đây là bệnh truyền nhiễm loại A có thể lây truyền rất nhanh và lan truyền rộng với tỷ lệ tử vong cao. Chính phủ Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 quốc gia để đẩy nhanh phản ứng trước đại dịch. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã nhanh chóng giới thiệu ứng dụng để người dân khai báo tình trạng sức khỏe và cập nhật thông tin về dịch bệnh...
Bài viết điểm lại các biện pháp của Chính phủ Việt Nam như cách ly toàn xã hội, cấm tụ tập hơn 2 người ở nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, tạm thời đóng cửa các hoạt động kinh doanh không cần thiết, bao gồm cả nhà hàng, trung tâm giải trí và địa điểm du lịch... Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra những cảnh báo chống tích trữ hàng hóa, tránh tâm lý hoảng loạn và có chế tài xử lý các doanh nghiệp có hành vi đẩy giá bán nhằm kiểm soát giá cả.
Bài viết nêu rõ để đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động bị ảnh hưởng, Việt Nam đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính trị giá 111,55 triệu USD, bao gồm tất cả các chi phí cho người lao động trong khu cách ly hoặc đang phục hồi sau khi mắc bệnh.
Theo bài viết, Việt Nam có mật độ dân cư đông đúc và người dân có nguy cơ cao tiếp xúc với mầm bệnh. Điều này đòi hỏi một hệ thống y tế công cộng đủ mạnh để kịp thời ứng phó với những thách thức mới nổi và nhanh chóng phổ biến thông tin. Nhờ hệ thống y tế tập trung vào sự an toàn và sức khỏe của người dân, Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Năm 2003, WHO tuyên bố Việt Nam là quốc gia đầu tiên ngăn chặn thành công dịch SARS.
Bài viết còn đề cập tinh thần hợp tác của người dân Việt Nam bắt nguồn từ một hệ thống xã hội nhấn mạnh vào nỗ lực tập thể và sự thống nhất của các quyết sách. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi mọi doanh nghiệp, mọi người dân, mọi khu dân cư phải là một pháo đài ngăn chặn dịch bệnh. Lời hiệu triệu này đã khơi dậy ý thức dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam.
Bài viết trên liberationnews.org kết luận thành công của Việt Nam cho đến nay không đơn giản là một phép màu. Đó là kết quả của một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế.