Trong bài viết, nhà báo danh tiếng của Indonesia - ông Veeramalla Anjaiah - cho biết Việt Nam là quốc gia năng động với rất nhiều câu chuyện thành công về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, đầu tư hay du lịch. Câu chuyện thành công mới nhất của Việt Nam là trong lĩnh vực y tế.
Với 97,75 triệu dân và có đường biên giới dài với Trung Quốc, Việt Nam chỉ có 1.438 ca nhiễm COVID-19 và 35 ca tử vong tính đến ngày 25/12. Đây là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã đạt được thành công lớn trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, Indonesia có tới 700.097 ca mắc COVID-19 và 20.847 ca tử vong tính đến ngày 25/12, nhiều nhất Đông Nam Á và nhiều thứ 3 châu Á, sau Ấn Độ và Iran.
Nhà báo Anjaiah cho rằng điều ngạc nhiên là một quốc gia đang phát triển như Việt Nam lại có thể có một hệ thống y tế tốt hơn và cơ chế điều hành hiệu quả hơn vào thời điểm mà hầu hết các nước phát triển đang phải vật lộn để ứng phó đại dịch COVID-19.
Dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Phạm Vinh Quang, Jakarta Post cho biết có rất nhiều yếu tố đưa đến thành công của Việt Nam, trong đó quan trọng hàng đầu là ứng phó tức thì với đại dịch. Theo bài viết, Việt Nam đã dự báo chính xác tác động của đại dịch và hành động quyết liệt từ đầu tháng 1/2020, ngay cả trước khi virus xuất hiện trong nước.
Bình luận về phản ứng nhanh chóng của Việt Nam, Giáo sư Guy Thwaites - Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là quyết định rất đúng đắn. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam đã hành động rất nhanh chóng theo cách có vẻ như là khá cực đoan vào thời điểm đó, song kết quả sau này đã chứng minh rằng đây là một biện pháp hợp lý”.
Cũng theo Đại sứ Phạm Vinh Quang, Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ tháng 1/2020 như phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng, đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại cùng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Các chính sách chống dịch của Việt Nam cũng minh bạch, hiệu quả và chi phí thấp.
Theo Jakarta Post, Việt Nam được đánh giá cao với quyết định nhanh chóng, thông điệp y tế cộng đồng hiệu quả và truy vết nguồn gốc tích cực ngay từ ngày đầu tiên. Tờ báo đồng thời dẫn lời ông Sudharmono - một nhân viên làm việc tại công ty tư nhân ở phía Tây Jakarta, cho biết như sau: “Tôi nghĩ rằng người Việt Nam tuân thủ các quy tắc của chính phủ. Họ lắng nghe chính phủ của mình. Kết quả là COVID-19 đã được ngăn chặn một cách hiệu quả”.
Một nhân viên ngoại giao cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam thường xuyên gửi thông tin về dịch bệnh và các biện pháp phòng ngừa tới tất cả các số thuê bao di động ở trong nước. Nhờ đó, những thông tin này có thể dễ dàng đến với người dân ở cơ sở và người dân hoàn toàn tin tưởng vào chính phủ.
Theo Đại sứ Phạm Vinh Quang, Việt Nam và Indonesia đã nhất trí hợp tác nhằm ngăn chặn và chấm dứt sự lây lan của dịch bệnh. Trong khuôn khổ song phương, hai nước đã có các động thái hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch trên tinh thần đoàn kết và hữu nghị.
Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với Indonesia trong khuôn khổ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã tích cực phối hợp với Indonesia tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3, các hội nghị đặc biệt cấp bộ trưởng và các hội nghị liên quan khác nhằm thảo luận về các biện pháp ứng phó với COVID-19. Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hai nước đã cùng thúc đẩy thông qua các nghị quyết liên quan đến hợp tác chống đại dịch COVID-19.