Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp. Các đại biểu chỉ rõ, các đơn vị cơ bản đạt các điều kiện, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị, tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.
Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn khi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tồn tại 2 đơn vị hành chính cấp huyện cùng tên gọi là huyện Hồng Ngự (thành lập năm 1813), thị xã Hồng Ngự (thành lập năm 2008 trên cơ sở tách một phần từ huyện Hồng Ngự) và theo Tờ trình, Đề án của Chính phủ sau khi nâng cấp lên thành phố vẫn lấy tên gọi thành phố Hồng Ngự. Trong khi theo quy định tại khoản 2 Điều 20, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 thì “Tên của đơn vị hành chính cấp huyện thành lập mới không được trùng tên đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh”. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi văn Xuyền đề nghị cần làm rõ thêm việc trùng tên thị xã và huyện thì có ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách pháp luật, giấy tờ, thủ tục hộ tịch, hộ khẩu của người dân địa phương hay không.
Cho ý kiến vào đề nghị của Chính phủ về mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực về nông nghiệp và phát triển nông thôn, các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị ban soạn thảo có giải trình bổ sung, làm rõ các lĩnh vực mới về chăn nuôi mà Chính phủ dự kiến quy định bảo đảm tính khái quát, không trùng lặp và đúng thẩm quyền (chỉ quy định mức phạt tiền tối đa cho lĩnh vực mới, chưa được Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định), làm rõ nội hàm của lĩnh vực “hoạt động chăn nuôi” hay về “sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi”.
Các đại biểu cũng cho rằng, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tới, Chính phủ đề xuất quy định mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực “chăn nuôi” là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong đề nghị lần này, Chính phủ đề xuất mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với lĩnh vực “hoạt động chăn nuôi” chưa thực sự thống nhất. Do vậy, các đại biểu đề nghị giải trình, làm rõ hơn về vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung bày tỏ băn khoăn về “tuổi thọ” của các nghị định tới đây của Chính phủ ban hành quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi và về trồng trọt. Các quy định này không chỉ nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt mà cũng cần phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính đang được xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều. Nếu các nghị định của Chính phủ không tính đến các nội dung mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sẽ lại phải sớm sửa đổi.
Một số thành viên Ủy ban Pháp luật cũng băn khoăn với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vì có sự trùng lắp với sản phẩm thức ăn chăn nuôi hiện đã được quy định mức phạt tiền tối đa tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát các vấn đề được các thành viên Ủy ban Pháp luật đặt ra, đối chiếu với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định, bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan.
Cùng ngày, Ủy ban Pháp luật cũng thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.