Ban Bí thư ban hành quy chế kiểm soát quyền lực, chống 'chạy chức, chạy quyền'

Để có cơ sở đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Quy chế về kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền”, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng chuyên đề: Kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ.

Chuyên đề tập trung đánh giá tình hình kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay; nhận diện những tồn tại, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ.

Nhận diện quyền lực nằm ở đâu trong công tác cán bộ


Đánh giá về những bất cập, hạn chế trong việc kiểm soát quyền lực, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: “Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở”, “công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái”. Thực tế là cơ cấu tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa hợp lý, số đầu mối bên trong tăng nhanh, làm phát sinh những bất cập về kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018,  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng: Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền” một cách hiệu quả; vẫn còn hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn; bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai…

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, coi trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa để tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, các quy định, quy chế về tổ chức xây dựng Đảng còn hạn chế, bất cập. “Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng “chạy chức, chạy quyền” vẫn là nỗi niềm trăn trở, băn khoăn của các cấp ủy Đảng, nhất là của Tổng Bí thư, thường vụ cấp ủy và bí thư cấp ủy các cấp”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nói.

Cho rằng chuyên đề kiểm soát quyền lực, phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” là rất cần thiết trong công tác tổ chức cán bộ, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, phải nhận diện quyền lực nằm ở đâu trong công tác tổ chức cán bộ; một số biểu hiện rất dễ nhận dạng là từ công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng, đề bạt, luân chuyển cán bộ...

Thực hiện các mục tiêu “4 không” để ngăn ngừa tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Công an phân tích, muốn “không thể” tham nhũng, yêu cầu đặt ra là phải có quy chế, quy định hết sức rành mạch, rõ ràng, khiến không thể lách hay phá rào được. Để “không dám” tham nhũng thì phải xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm. Để “không muốn” tham nhũng, cần có cơ chế chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo điều kiện để cán bộ sống và làm việc hiệu quả.  Bên cạnh đó, cần bảo đảm không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ” đối với bất kỳ ai có hành vi vi phạm. Về giải pháp, Thứ trưởng cho rằng nên nhận diện rõ hơn quyền lực cấp Trung ương và cấp địa phương; phân cấp mạnh mẽ hơn, tăng cường kiểm tra, xác định trách nhiệm người đứng đầu. “Kiểm soát quyền lực từ bên trong, chỉ có trách nhiệm người đứng đầu; thủ trưởng mà không nhúc nhích thì không ai dám làm cả” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng, để không lạm dụng quyền lực thì không có cách nào khác phải tăng cường công tác kiểm tra.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng: Phải nhận diện cho rõ là xảy ra “chạy quyền lực” trong công tác tổ chức cán bộ là ở cấp nào, ở đâu và cần nhận diện rõ xung quanh điểm yếu, “lỗ hổng” trong thời gian qua. Theo ông Lê Đình Sơn, có nhiều nguyên nhân nhưng sâu xa nhất là cán bộ suy thoái, trong đó có cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ. Ông đưa ra giải pháp phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ trước hết là cần xây dựng thể chế kiểm soát quyền lực. “Khi có thể chế rồi, con người vận hành thể chế. Điều này quan trọng hơn, bởi vì hư là từ con người vận hành. Quy trình phải công khai dân chủ, minh bạch; phải đánh giá cán bộ đúng, đánh giá thực chất; tập trung kiểm tra giám sát ngay từng khâu trong quá trình thực hiện”.

Công khai, minh bạch trong công tác cán bộ

Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ kém hiệu quả, nạn “chạy chức, chạy quyền” diễn biến phức tạp, tinh vi, do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Nhận thức về kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” chưa được coi trọng đúng mức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ có chức, có quyền có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, có biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cán bộ cấp cao còn tiếp tay, bao che, dung dưỡng cho “chạy chức, chạy quyền”. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng: “chạy chức, chạy quyền” là tham nhũng.

Vì vậy, để giảm tham nhũng thì cần phải làm cho không dám tham nhũng vì sợ bị trừng trị, không thể tham nhũng vì quy định của pháp luật chặt chẽ và không cần tham nhũng vì thu nhập đầy đủ và vì danh dự lớn lao của mỗi cán bộ. Theo ông cần “Quan tâm đến chế độ đãi ngộ, làm thế nào giảm biên chế, nâng lương bộ máy. Thứ hai, lựa chọn chính xác người đứng đầu. Người đứng đầu một cơ quan tổ chức quan trọng, nếu lựa chọn đúng người đứng đầu thì người đứng đầu sẽ lựa chọn hệ thống của mình. Tăng cường giáo dục đạo đức, tác phong, tư tưởng, phát huy tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên; quy định chức năng, quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng, quyền lực ở đâu thì trách nhiệm đến đó”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, để phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” cần làm cho những người đang có ý định đó thấy rằng không cần thiết phải “chạy chức, chạy quyền”; thấy rằng “chạy chức, chạy quyền” là không có kết quả. Muốn như vậy, cùng với việc làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho từng cán bộ đảng viên thì việc công khai minh bạch trong công tác cán bộ là điều rất cần thiết. "Công khai minh bạch công tác cán bộ ở đây không chỉ là đội ngũ cán bộ, đảng viên mà người dân, báo chí truyền thông tham gia giám sát, phản biện, để có những nhận xét, đánh giá khách quan về cán bộ, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn hơn", ông  Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ.

Để kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” điều quan trọng nhất là xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ, khắc phục những hạn chế, yếu kém; đấu tranh phòng, chống có hiệu quả nạn “chạy chức, chạy quyền”, hướng tới 4 không: Không thể “chạy”; không dám “chạy”; không cần “chạy”; và không muốn “chạy”.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết chống tham nhũng trong công tác cán bộ
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết chống tham nhũng trong công tác cán bộ

Ngày 19/1, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN