Bài viết của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang về xây dựng Quân đội vững mạnh

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, 80 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chú thích ảnh
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết: "Phát huy truyền thống anh hùng, sự nghiệp vẻ vang, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" của Đại tướng, Tiến sĩ Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:

"Cách đây 80 năm, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Đây là sự kiện có tính bước ngoặt đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng vũ trang cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một Quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện.

Ra đời vào thời điểm đầy gian khó của cách mạng Việt Nam, song dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự giúp đỡ, đùm bọc, che chở của nhân dân và ủng hộ của bạn bè quốc tế, suốt 80 năm qua, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, lập nhiều chiến công chói lọi, tô thắm truyền thống hào hùng, bất khuất của dân tộc, xứng đáng với lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Ngay sau khi ra đời, chỉ với 34 cán bộ, chiến sĩ cùng vũ khí thô sơ, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng về nền độc lập, tự do của Tổ quốc, đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng liên tiếp đánh thắng hai trận Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu truyền thống “bách chiến, bách thắng” của Quân đội ta. Chưa đầy một tuổi, Quân đội ta đã làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa, làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Quân đội ta vừa xây dựng vừa chiến đấu, vừa chiến đấu vừa xây dựng, từng bước lớn mạnh, trưởng thành, phát huy vai trò nòng cốt, cùng toàn dân kháng chiến, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Những chiến công oanh liệt: Điện Biên Phủ (năm 1954), “Điện Biên phủ trên không” (năm 1972), Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh là những mốc son vàng chói lọi mà Quân đội ta đã viết tiếp truyền thống bất khuất, hào hùng trong lịch sử dân tộc. Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh kéo dài suốt 30 năm, Quân đội ta, dân tộc ta đã buộc những thế lực thực dân, đế quốc đầu sỏ thế giới phải chấp nhận thua cuộc, rút quân ra khỏi Việt Nam, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Quân đội ta lại anh dũng chiến đấu, hy sinh, cùng toàn dân đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Campuchia và bảo vệ vững chắc biên giới phía bắc của Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Quân đội ta tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xung kích, đi đầu trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng và phát triển đất nước; chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Có thể khẳng định, suốt chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành đầy gian khổ, hy sinh, Quân đội ta đã viết nên truyền thống hào hùng, rực rỡ chiến công, khắc ghi vào lịch sử dân tộc những mốc son chói lọi. Những chiến công hiển hách mà Quân đội ta giành được cũng là chiến công của nhân dân ta, dân tộc ta gắn liền với những thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta tự hào về các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh tuổi thanh xuân để đất nước có được độc lập, tự do, dân tộc ta bước lên đài vinh quang, sánh vai các cường quốc năm châu. Chúng ta biết ơn Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại đã sáng lập, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện Quân đội ta; biết ơn và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hy sinh vì Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào hơn khi dân tộc ta đã sản sinh, nuôi dưỡng nên lớp lớp các thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” - bản sắc độc đáo, riêng có của Quân đội và dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang diễn ra những biến động to lớn, khó đoán định. Hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn, song cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên nhiều khu vực,... tiếp tục gia tăng với sự xuất hiện của nhiều hình thức chiến tranh, phương thức, thủ đoạn tác chiến mới cả trong lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động, nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, thậm chí có thể dẫn đến xung đột. Ở trong nước, công cuộc đổi mới mang lại cho nước ta cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức và xuất hiện những vấn đề phức tạp mới. Các thế lực phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc...

Tình hình đó đòi hỏi toàn quân tiếp tục phải phát huy truyền thống anh hùng, sự nghiệp vẻ vang trong suốt 80 năm qua, tập trung xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ; trong đó, chú trọng thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau.

Một là, kiên định và nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, là bài học lớn, xuyên suốt được đúc rút từ chặng đường 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội ta. Xây dựng vững mạnh về chính trị, là cơ sở, nền tảng vững chắc để Quân đội ta giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc; luôn xác định rõ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Vì thế, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị phải là vấn đề quan trọng hàng đầu và then chốt trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, mà trọng tâm là giữ vững, tăng cường và đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội.

Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn quân cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 51-NQ/TW, ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX), Nghị quyết số 513-NQ/ĐUQSTW, ngày 17/11/2005 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thường xuyên chăm lo, thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ Quân đội thực sự trong sạch, vững mạnh tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện đầy đủ, sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị phải tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc. Tiếp tục thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; đề cao tinh thần tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần “7 dám” và chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới theo Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII). Phát huy vai trò, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, giữ gìn đoàn kết, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chủ động đấu tranh bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng, văn hóa của Đảng trong Quân đội, chống âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch.

Hai là, tập trung xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Sức mạnh của quân đội cách mạng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: Con người, tổ chức, vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến..., trong đó, con người là nhân tố quyết định, vũ khí, trang bị kỹ thuật là yếu tố rất quan trọng. Con người là chủ thể, trung tâm, có ý chí, trí tuệ, kỹ năng sẽ quyết định việc phát huy tối đa sức mạnh vật chất của vũ khí, trang bị kỹ thuật; vũ khí, trang bị kỹ thuật dù có hiện đại đến đâu vẫn do con người sáng tạo và điều khiển mới tạo ra sức mạnh hiện thực. Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại nhất thiết phải tập trung xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, giữ vai trò nòng cốt, nêu gương, đi đầu trong các hoạt động quân sự, quốc phòng.

Các nhà trường Quân đội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới; đổi mới công tác giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; xây dựng hệ thống nhà trường, viện nghiên cứu thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn đào tạo ở nhà trường với huấn luyện và rèn luyện ở đơn vị, gắn nhà trường với thao trường, chiến trường. Tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ và chủ động hội nhập quốc tế để phục vụ đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo trong Quân đội, nhất là đào tạo đội ngũ cán bộ, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Đẩy mạnh tổng kết, nghiên cứu khoa học quân sự, bổ sung, phát triển lý luận, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong đó, chú trọng nghiên cứu vận dụng thành tựu khoa học, lý luận quân sự hiện đại của thế giới vào điều kiện thực tế đất nước, trên nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân; nghiên cứu, biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu phù hợp mục tiêu, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới.

Các cơ quan, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện theo Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương; đẩy mạnh triển khai huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn, môi trường tác chiến, thực tế chiến đấu; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện trong những điều kiện phức tạp, cường độ cao, lấy thực hành làm chính; tổ chức luyện tập, hội thi, hội thao, diễn tập các cấp,… bảo đảm chặt chẽ, an toàn; nâng cao năng lực thực hành, làm chủ vũ khí, khí tài, trang bị trong biên chế, nhất là vũ khí, trang bị mới; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng và các phương tiện kỹ thuật vào huấn luyện.

Cùng với công tác huấn luyện, giáo dục, đào tạo, các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần đẩy mạnh xây dựng chính quy, chấp hành nghiêm kỷ luật. Trong đó, việc xây dựng nền nếp chính quy phải bảo đảm tính toàn diện, trọng tâm là nâng cao chính quy trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý con người, vũ khí, trang bị kỹ thuật; bảo đảm sự thống nhất từ ý chí đến hành động; đồng thời, thường xuyên chăm lo, bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội, quan tâm xây dựng môi trường văn hóa quân sự, chủ động đấu tranh chống những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn, phi văn hóa. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục, xây dựng tính tự giác trong thực hiện chế độ, nền nếp chính quy, về chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong từng cơ quan, đơn vị, nhà trường và toàn quân.

Ba là, đẩy mạnh điều chỉnh tổ chức lực lượng, hiện đại hóa vũ khí trang bị đối với từng quân, binh chủng, lực lượng và toàn quân. Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, cơ bản đã tạo sự cân đối, đồng bộ giữa các quân chủng, binh chủng, giữa cơ quan và đơn vị, giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Đồng thời, chú trọng đầu tư, phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; mở rộng hợp tác quốc tế; nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất thành công một số vũ khí chiến lược cần thiết cho phòng thủ đất nước và bảo đảm một bước về số lượng, nâng cao chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong lộ trình xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh đòi hỏi việc điều chỉnh tổ chức lực lượng của toàn quân phải quyết liệt, tập trung cao độ, bám sát tiến độ; đảm bảo tính đồng bộ, cân đối giữa các lực lượng, bảo đảm về công tác chính sách, cán bộ, phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, khả năng đảm bảo trang bị, cung cấp hậu cần và trình độ tác chiến của bộ đội. Điều chỉnh tổ chức lực lượng phải gắn với củng cố, kiện toàn đơn vị mới, tổ chức, sáp nhập gắn với củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng; gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng. Tiếp tục tăng cường trang bị mới, hiện đại, có tính cơ động cao, có chất lượng tốt, đảm bảo đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời, tích cực giữ gìn, khai thác, sử dụng hiệu quả vũ khí, trang bị hiện có; nghiên cứu kết hợp sử dụng hiệu quả các loại vũ khí, trang bị cũ và mới trong điều kiện chiến tranh hiện đại, phù hợp với đường lối chiến tranh nhân dân. Chủ động bảo đảm vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí, trang bị hiện đại; tiếp tục đầu tư xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, tự chủ, lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu về vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí chiến lược, hiện đại và tích cực mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ quốc phòng.

Bốn là, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Trong suốt 80 năm qua, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân và đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng, chúng ta đã phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, lấy lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp là Quân đội nhân dân làm nòng cốt, tạo sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù (trong cách mạng giải phóng dân tộc) cũng như giữ vững và tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước. Phát huy truyền thống và bài học kinh nghiệm đó, thời gian tới, việc xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại phải gắn với củng cố, tăng cường vai trò nòng cốt của Quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với nền an ninh nhân dân. Đây là nguyên tắc, là điều kiện đảm bảo thành công cho mục tiêu xây dựng Quân đội hiện đại mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Theo đó, cần quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng...

Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đặc biệt là xây dựng “thế trận lòng dân” trên từng địa bàn và cả nước ngày càng vững mạnh. Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho các đối tượng và toàn dân. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, mọi tiềm năng trong xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ các cấp vững chắc; xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, nhất là dân quân thường trực, chốt chiến đấu thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, các lực lượng liên quan xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn và cả nước. Tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân trong sinh hoạt, lao động, sản xuất, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh…, nhằm không ngừng vun đắp mối quan hệ máu thịt quân - dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Cơ quan quân sự các cấp, các đoàn kinh tế quốc phòng phải đề cao trách nhiệm, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; tập trung mọi nguồn lực cho quốc phòng, nhất là hệ thống công trình chiến đấu, công trình phòng thủ, ưu tiên công trình phòng thủ trên tuyến biên giới, biển, đảo, địa bàn chiến lược, trọng điểm; có phương án bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ về chiến lược.

Năm là, tích cực, chủ động mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới. Hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân, góp phần tăng cường nguồn lực xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đối ngoại quốc phòng đã tích cực vận động sự đồng tình, viện trợ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bạn bè quốc tế, góp phần từng bước xây dựng Quân đội ta ngày càng lớn mạnh, trở thành một đội quân có khả năng cơ động cao và có hỏa lực mạnh, mở được những chiến dịch lớn, liên tục, dài ngày, giành và giữ quyền chủ động chiến lược, tiến tới đập tan cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ (năm 1954). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một lần nữa, đối ngoại quốc phòng đã góp phần quan trọng xây dựng Quân đội ta trở thành một đội quân tương đối hiện đại với đầy đủ các quân, binh chủng, cùng nhân dân đánh thắng đội quân nhà nghề, có tiềm lực kinh tế, trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại cả ở trên bộ, trên biển và trên không, giành lại độc lập, thống nhất đất nước.

Ngày nay, xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, cùng với phát huy nội lực, dựa vào sức mình là chính, song cần tích cực, chủ động mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tập trung quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng làm công tác đối ngoại nắm chắc chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhất là Kết luận số 53-KL/TW ngày 28/4/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW ngày 26/02/2024 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo và các kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cũng như các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng; vận dụng sáng tạo đường lối “ngoại giao cây tre”, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần triển khai đồng bộ, sáng tạo, thực chất, có trọng tâm, trọng điểm hợp tác quốc phòng song phương, đa phương. Chủ động giải quyết tốt quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, các nước trong khối ASEAN, các nước bạn bè truyền thống; kiên định chính sách quốc phòng “bốn không”; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế; tăng cường nghiên cứu, chủ động nắm bắt, dự báo chính xác, kịp thời các xu hướng trong quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ giữa các nước, tổ chức có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia của Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, 80 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Phát huy truyền thống anh hùng, sự nghiệp vẻ vang, toàn quân tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

TTXVN/Báo Tin tức
Trưng bày hiện vật, hình ảnh, ấn phẩm tiêu biểu về Quân đội nhân dân Việt Nam
Trưng bày hiện vật, hình ảnh, ấn phẩm tiêu biểu về Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 16/12, Bảo tàng Quảng Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thư viện tỉnh khai mạc Triển lãm chuyên đề "Thành tựu 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN