Ngày 27/12, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 11 (khóa IX) bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại các điểm cầu tỉnh, thành phố; thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung chuẩn bị trình Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 6 (dự kiến tổ chức ngày 30/12) và cho ý kiến thống nhất ban hành kết luận của Đoàn Chủ tịch về đề án "Tăng cường công tác bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới".
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài, đồng chủ trì Hội nghị.
Nhấn mạnh hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2021 có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự ảnh hưởng sâu rộng, tác động nhiều mặt của đại dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, những kết quả đạt được của hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp là rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, qua hoạt động thực tiễn, nhiều hạn chế, bất cập đã bộc lộ và cần được chỉ rõ nguyên nhân để khắc phục. Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cởi mở, ông Đỗ Văn Chiến mong muốn các đại biểu dự Hội nghị tích cực thảo luận, đưa ra ý kiến đóng góp để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện trình Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét quyết định theo thẩm quyền.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Căn cứ vào chương trình làm việc toàn khóa và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ban Thường trực đã chỉ đạo xây dựng thành kế hoạch cụ thể, giải pháp khả thi có kế thừa và tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Theo đó, ba lĩnh vực chủ yếu mà công tác Mặt trận năm 2022 sẽ tập trung gồm: Nâng cao thực chất chất lượng giám sát, phản biện xã hội; đa dạng hóa cách thức để lắng nghe, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước; tăng cường công tác hiệp thương, phối hợp hành động, tạo nên sức mạnh của hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương.
Năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, song cơ bản chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Phương thức hoạt động của Mặt trận có nhiều đổi mới, chú trọng tính hiệu quả, thực chất, nhằm góp phần nâng cao tính đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Hệ thống Mặt trận không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó, có những mặt công tác đạt kết quả nổi bật, tích cực, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao; được các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đồng tình, hưởng ứng.
Hoạt động của công tác Mặt trận đã để lại những dấu ấn nổi bật như: Tham gia tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội; tham gia tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch; vận động nhân dân triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động…
Tại hội nghị, các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều đóng góp, chia sẻ thẳng thắn. Từ điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Hoàng Thám góp ý hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần xác định nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực quản lý đất đai và quản lý sử dụng tài sản nhà nước để chủ động xử lý dần những kẽ hở, vấn đề, ngăn chặn kịp thời những sai phạm; đề cao vai trò của Mặt trận trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đồng tình với ý kiến về việc thực hiện các kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, theo ông Nguyễn Túc, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận không cần làm nhiều mà nên tập trung chọn 1-2 vụ việc trọng điểm và "làm đến nơi đến chốn", đến tận nơi để giám sát, phản biện, tạo tiếng vang, tạo sự tin cậy đối với nhân dân.
Từ điểm cầu Huế, ông Lê Bá Trình cho rằng, thời quan qua nhân dân đã có niềm tin nhiều hơn từ công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, gần đây có nhiều vụ việc tham nhũng đã xảy ra, gây hoang mang cho nhân dân, đặc biệt, các vụ việc liên quan đến công tác phòng, chống dịch, có dấu hiệu vi phạm, làm nhân dân mất niềm tin. Điều nhân dân cần là nếu có vi phạm, cá nhân liên quan cần được xử lý nghiêm minh.
“Vừa qua các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, trong lĩnh vực liên quan đến phòng, chống COVID-19, ví dụ như vụ tiêu cực ở Công ty Việt Á "thổi giá" kit xét nghiệm, nhân dân đề nghị làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và xử lý thật nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm. Làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi tham mưu làm ra hàng chục phần mềm, app chống dịch gây lãng phí, hiệu quả sử dụng không cao”, ông Lê Bá Trình gợi mở.