Ba lần gặp Đại tướng

Thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam , thiên tài trong lịch sử quân sự thế giới từ trần đã làm nghẹn lại hàng triệu triệu con tim của đồng bào cả nước và bè bạn khắp năm châu.

Nhớ về Ông trên báo chí, nhiều tướng lĩnh, sỹ quan Quân đội, nhà nghiên cứu và mọi tầng lớp nhân dân cả nước đã kể lại những kỷ niệm hết sức xúc động, sâu lắng về hình ảnh một vị tướng trong lòng nhân dân.

TTXVN xin trân trọng giới thiệu bài viết Ba lần gặp Đại tướng của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) như một kỷ niệm đáng nhớ về vị Anh hùng dân tộc.

            *****

Tôi may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần trong vai trò là người làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử quân sự. Ông là người LÀM NÊN LỊCH SỬ và là CON NGƯỜI CỦA LỊCH SỬ. Bởi thế, bên cạnh sự may mắn được gặp, chúng tôi còn ý thức rõ là cần phải gặp được Đại tướng càng nhiều càng tốt để “tranh thủ” khai thác tư liệu từ ông với tư cách là chứng nhân lịch sử, là người trong cuộc trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng từ khi có Đảng. Trong những lần vinh dự được gặp, làm việc với Đại tướng, tôi nhớ nhất những kỷ niệm sau:

Ngày 12/2/1971, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện thân mật với các Anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra miền Bắc dự Lễ kỷ niệm lần thứ 10 Ngày thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh: Ngọc Khanh – TTXVN


Lần gặp đầu tiên

Đó là vào năm 1994, lúc đó tôi là cán bộ của Phòng Lịch sử kháng chiến chống Pháp. Hôm đó, Trung tướng Hoàng Phương, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Thiếu tướng Bùi Công Ái, Phó Viện trưởng cùng đi với cán bộ của Phòng sang nhà riêng của Đại tướng chúc mừng Đại tướng nhân kỷ niệm 38 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời xin ý kiến về một số vấn đề trong lịch sử kháng chiến chống Pháp.

Mặc dù ở tuổi 81, nhưng lần đầu đầu tiên được nhìn Đại tướng mặc quân phục mùa đông, ngồi trên ghế sa lông đệm da đã cũ, ở trong phòng khách ngôi nhà ngang nói chuyện, tôi vẫn thấy ở ông toát lên phong thái của 1 vị tướng mạnh mẽ, thông tuệ, minh mẫn mà rất gần gũi.

Đại tướng cảm ơn Viện đã đến chúc mừng nhân ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ và nói: Đây là chiến thắng chung của cả dân tộc mà công đầu tiên thuộc về Đảng ta và Bác Hồ. Trận Điện Biên Phủ còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, làm sáng tỏ, nhiệm vụ của các đồng chí là phải làm rõ những vấn đề đó. Lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng phải nghiên cứu, phải viết nhiều lần, phải viết làm sao cho đúng, phản ánh được sự thật nhưng phải có sức thuyết phục và hấp dẫn người đọc.

Nhìn Đại tướng say sưa, lại được ngồi gần như đối diện với Đại tướng, tôi thầm nghĩ: những lời tâm sự gan ruột của người thày dạy sử ở trường tư thục Thăng Long năm xưa, của vị Đại tướng lừng danh, của người Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử hôm nay chính là lời dạy bảo, nhắn nhủ, gửi gắm tâm tư, mong muốn của ông đối với những người viết sử, đặc biệt là lịch sử quân sự.

Tôi tuyệt nhiên không thấy Đại tướng nhắc đến bản thân mình trong suốt buổi nói chuyện. Người được Đại tướng thường xuyên nói đến chính là Bác Hồ, người đã có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Điều này tôi nhận thấy và kiểm chứng trong tất cả những lần tôi được gặp Đại tướng.


Lần gặp thứ hai

Đó là vào tháng 9 năm 1997. Khi đó, được phép của thủ trưởng Bộ Quốc phòng ,Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, phối hợp với các tỉnh Bắc Kạn, Phú Thọ và Thái Nguyên tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm 50 năm chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947. Tôi được phân công sang nhà riêng của Đại tướng, gặp Đại tá Nguyễn Huyên, Thư ký của Đại tướng.

Tôi trình bày mục đích của hội thảo và bày tỏ mong muốn mời Đại tướng tham dự. Tôi theo anh Huyên lên phòng khách vừa lúc gặp Đại tướng đi ra. Tôi đứng nghiêm chào. Đại tướng gật đầu, chỉ ghế cho tôi ngồi và nói ngay: Các đồng chí tổ chức kỷ niệm chiến thắng Việt Bắc là rất tốt, tôi hoan nghênh. Tôi cũng muốn tham dự nhưng chưa nắm được cụ thể yêu cầu của Hội thảo, đồng chí nói rõ luôn xem.

Tôi thưa với Đại tướng mục đích, nội dung của Hội thảo và đề nghị Đại tướng dự, phát biểu về sự chỉ đạo của Đảng và Bộ Tổng chỉ huy đánh bại cuộc tiến công của Pháp lên Việt Bắc. Đại tướng nghe xong, từ tốn nói: Sự kiện này đã diễn ra nửa thế kỷ rồi, nhiều sự kiện diễn biến tôi không còn nhớ rõ, hôm nào cậu đến đây nói lại cho toàn bộ diễn biến chiến dịch rồi sau đó viết gì sẽ viết. Tôi ngỡ ngàng khi nghe Đại tướng nói như vậy bởi sự cầu thị của ông. Đại tướng rất nghiêm túc trong công việc, việc gì chưa nắm chắc, ông hỏi lại cho rõ. Ông cũng không giấu sự không còn nhớ của mình.

Mấy hôm sau, Văn phòng của Đại tướng cho xe đến đón tôi và chở thẳng lên khu biệt thự Hồ Tây, nơi nghỉ dưỡng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Xe dừng lại trước một biệt thự nhỏ, yên tĩnh. Tôi xuống xe đã thấy Đại tướng đứng chờ ở bậc tam cấp. Ông mặc bộ pijama màu sáng, mỉm cười chìa tay ra đón tôi. Một cảm giác gần gũi, thân thiết dâng lên trong lòng. Lúc đó tôi không tin là mình đang được gặp một vị Tướng huyền thoại. Phong thái của ông, những cử chỉ không một chút xã giao, như của một người ông đối với một đứa cháu, đã động viên tôi bình tâm trở lại.

Tôi báo cáo với Đại tướng âm mưu, kế hoạch và quá trình chuẩn bị đánh lên Việt Bắc nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp theo ba đường: đường không, đường bộ, đường thủy nhằm bao vây và tổ chức càn quét những nơi chúng nghi có các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội ta đứng chân, nhằm phá những cơ sở kho tàng, công xưởng quân giới... Đại tướng chăm chú nghe, thỉnh thoảng đưa ra một số câu hỏi, nhận xét. Nghe tôi trình bày xong, Đại tướng nói: thế là được rồi, mình sẽ viết bài cho các cậu. Nếu hôm hội thảo, sức khỏe cho phép mình sẽ lên dự. Cảm ơn đồng chí.

Tiễn tôi ra cửa, Đại tướng nói thêm: Nghèo, khó khăn thế mà cuối cùng đánh thắng cả Pháp rồi sau là Mỹ. Độc đáo lắm, đặc biệt lắm. Các cậu viết sử chiến tranh phải làm sao nói rõ được điều này. Theo đúng hẹn, ngày 6 tháng 12 năm 1997, Đại tướng đã lên Thái Nguyên tham dự cuộc Hội thảo kỷ niệm 50 năm chiến thắng Việt Bắc được tổ chức lại Bảo tàng các dân tộc Việt Bắc. Bài phát biểu quan trọng của Đại tướng đã được in trang trọng ở trang đầu của cuốn Kỷ yếu Hội thảo.

Lần gặp thứ ba

Năm 1999, kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/1999), Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức cuộc Hội thảo khoa học tại Thị xã Cao Bằng. Sau hội thảo, chúng tôi vào thăm khu di tích ở rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, nơi ghi dấu sự thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực tiền thân của Quân đội ta.

Một số đồng chí lão thành cách mạng đi cùng chúng tôi phát hiện trên tấm bia có sự sai sót, nhầm lẫn về tên họ, quê quán, dân tộc, là liệt sỹ hay không phải liệt sỹ của danh sách 34 cán bộ, chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Họ viết thư kiến nghị lên Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Quân khu I đề nghị xác minh làm rõ và bổ sung, sửa những nhầm lẫn trong tấm bia khắc tên 34 cán bộ Chiến sỹ của Đội.

Trên cơ sở kiến nghị đó, Tổng cục Chính trị giao cho Viện Lịch sử quân sự Việt Nam xác minh làm rõ và trả lời. Tôi lúc đó đang làm Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự, được phân công phụ trách một tổ thực hiện nhiệm vụ. Sau hai năm (2000 và 2001), với hàng chục chuyến đi xác minh nhân chứng và lần theo dấu chân các đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, ở Hà Nội, ở Quảng Bình và cả ở Lâm Đồng, chúng tôi đã xây dựng được một danh sách khá đầy đủ thông tin về họ tên, bí danh hoạt động, năm sinh, thành phần dân tộc, quê quán, quá trình hoạt động cách mạng cho đến khi nghỉ hưu hoặc đến khi hy sinh, các phần thưởng huân, huy chương, Bằng Tổ quốc ghi công... của 34 cán bộ chiến sỹ của Đội.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi nhiều lần được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động của Đội và về các đội viên. Đặc biệt là trường hợp của mấy đội viên như Hồng Cô (người Mông duy nhất tham gia Đội); đội viên Luận (sau này chúng tôi xác minh họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Luận, quê ở Tuyên Hóa, Quảng Bình); đội viên Nông Văn Ích ở Hà Quảng, Cao Bằng... Đại tướng đã kể về họ, giúp chúng tôi thêm tư liệu và nghị lực để “đi tìm” ra những đội viên này vì thông tin về họ rất ít ỏi.

Kết thúc nhiệm vụ giữa năm 2002, chúng tôi sang báo cáo Đại tướng về kết quả công việc. Như thường lệ, Đại tướng mặc quân phục mùa hè tiếp chúng tôi trong phòng khách ở nhà trên. Đại tướng nói: công việc của các đồng chí rất có ý nghĩa, góp phần làm rõ các hoạt động của Đội quân tiền thân của Quân đội và những con người cụ thể. Không những thế, nó còn giúp cho cơ quan chính sách trong và ngoài quân đội có cơ sở tham khảo để giải quyết chính sách cho các gia đình đội viên chưa được hưởng. Hồi đó, Bác Hồ giao cho tôi nhiệm vụ tổ chức thành lập Đội. Hôm thành lập, không khí rất trang nghiêm nhưng thân mật, đầm ấm. Vật chất hầu như không có gì, khó khăn lắm. Gần 60 năm rồi, bây giờ quân đội ta lớn mạnh, đã đánh thắng cả quân Pháp, quân Mỹ. Lịch sử của dân tộc, của Quân đội ta anh hùng lắm, các đồng chí phải làm sao cho phản ánh được điều đó vào trong sách lịch sử để giáo dục thế hệ trẻ.

Cuộc đời hơn 1 thế kỷ bình dị mà cao quý, gần gũi mà như huyền thoại của vị Đại tướng của nhân dân khó có bút nào có thể viết hết. Là người có may mắn được nhiều lần gặp Đại tướng trong cuộc đời công tác của mình, tôi hy vọng qua những kỷ niệm nho nhỏ trên đây, bạn đọc sẽ hiểu thêm về tầm vóc và nhân cách của một con người Văn-Võ song toàn, một nhân vật đã góp phần quan trọng định hình lịch sử của Việt Nam và thế giới thời hiện đại.



PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "cánh tay phải" của Bác Hồ

Ngày 6/10, tại Mátxcơva, phóng viên TTXVN tại Nga đã có buổi trò chuyện tại nhà riêng Thượng tướng Khiupenhen Anatoli Ivanovich, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học quân sự. Vị tướng chia sẻ, ông vô cùng đau xót khi nhận được tin người bạn của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã "ra đi".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN