Tại buổi làm việc với Bộ Y tế chiều 24/3, PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị 46 trường hợp bệnh nhân, trong đó có 34 người Việt và 12 người nước ngoài.
Trong số các bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện hiện có 3 ca nặng đang được kiểm soát. Cụ thể, bệnh nhân nữ 64 tuổi, hiện vẫn đang thở máy và duy trì can thiệp ECMO, hiện chỉ số sinh tồn của bệnh nhân ổn. Bệnh nhân được điều chỉnh giảm thở máy hơn nhưng vẫn đang trong tình trạng nặng. Bệnh nhân thứ 2 là nam bệnh nhân người Anh, 69 tuổi, đã trải qua 9 ngày điều trị trong phòng hồi sức, bệnh nhân đang được giảm dần chế độ thở máy, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tiếp tục duy trì điều trị. Và một trường hợp khác là nam bệnh nhân người Việt 50 tuổi, chuyển vào phòng hồi sức từ ngày 22/3, vẫn đang được theo dõi sát; hiện dấu hiệu sinh tồn, huyết áp của bệnh nhân ổn định. Cả 3 bệnh nhân này đều đã kết thúc liệu trình lọc máu.
Còn lại đa số các bệnh nhân trong tình trạng ổn định.
Cũng theo PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, khác với những bệnh nhân mắc dịch COVID-19 điều trị tại Bệnh viện trong giai đoạn 1 chủ yếu là người trẻ tuổi, thì ở đợt này, bệnh nhân mắc dịch COVID-19 đông hơn, nhiều lứa tuổi, có cả bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh nền như: Tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường... Vì vậy để đảm bảo an toàn điều trị, bệnh viện đã tiến hành phân luồng, sàng lọc, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm riêng, hướng dẫn nhân viên sử dụng thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn công tác khám chữa bệnh.
Tuy nhiên vừa qua, điều không mong muốn đã xảy ra là một bác sĩ của Khoa Cấp cứu trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nặng nhiều ngày, đã mắc dịch COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ, sau tai nạn nghề nghiệp của bác sĩ ở Khoa Cấp cứu, cần có sự cảm thông, chia sẻ với các y bác sĩ. Quan trọng nhất là để khắc phục và tránh tình trạng này xảy ra tiếp, cần thực hiện đúng, tuân thủ đảm bảo về chống nhiễm khuẩn, công tác chăm sóc người bệnh.
Theo đó, bệnh viện cần rà soát lại công tác nhiễm khuẩn bệnh viện, kiểm tra lại khu cách ly, kiểm tra lại việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện phòng hộ khi khám chữa bệnh... Nơi nào làm chưa đúng cần phê bình, rút kinh nghiệm nghiêm túc, để tránh những hậu quả không mong muốn. Bên cạnh đó, Bệnh viện cần quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần của cán bộ y bác sĩ và cũng cần điều chuyển để tránh một nhóm bác sĩ và nhân viên y tế bị quá tải. Đặc biệt, cần bố trí khu lưu trú cho nhân viên tại bệnh viện hoặc tại một cơ sở lưu trú gần bệnh viện.
Về công tác điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị Bệnh viện tập trung theo dõi các ca bệnh COVID-19 đang điều trị, đặc biệt là bệnh nhân bước sang tuần thứ 2 là giai đoạn nặng nhất, nhất là những trường hợp có biểu hiện viêm phổi, viêm phổi, suy hô hấp để kịp thời báo cáo và có hướng xử lý phù hợp.
"Ưu tiên số một trong các phòng điều trị bệnh nhân mắc dịch COVID-19 là đảm bảo thông thoáng khí, không sử dụng điều hoà và tiến hành khử khuẩn thường xuyên. Riêng phòng áp lực âm chỉ sử dụng cho những trường hợp bệnh nhân cần cách ly thực sự, còn bệnh nhân bình thường thì nên để phòng điều trị bình thường. Cần hạn chế tối đa sử dụng phòng áp lực âm", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo.