An Giang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển

Ngày 14/7, tại phường Rạch Giá, Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030”. Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cùng đại diện các bộ, ngành, trường đại học, chuyên gia và nhà khoa học tham dự.

Chú thích ảnh
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội thảo. 

Hội thảo nhằm thu thập các ý kiến mang tính khoa học, khách quan đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đây cũng là dịp tập hợp và phát huy trí tuệ tập thể của đội ngũ cán bộ, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài tỉnh để hoạch định các giải pháp chiến lược, giúp tỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh An Giang theo tư duy kinh tế hiện đại, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo và kinh tế xanh ngày càng đóng vai trò then chốt. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, thay vì tiếp cận theo mô hình phân ngành đơn lẻ, chia tách giữa nông nghiệp với lâm nghiệp hay ngư nghiệp, cần định hình lại nông nghiệp như một hệ sinh thái đa tầng, đa lĩnh vực, nơi các giá trị được tích hợp và gắn kết chặt chẽ.

Cụ thể, giá trị sinh thái thể hiện ở việc phát triển nông nghiệp nhưng không làm tổn hại đến chất lượng đất, nguồn nước, rừng và nguồn lợi thủy sản, đồng thời không gây tác động tiêu cực đến môi trường. Giá trị kinh tế thể hiện ở việc tăng năng suất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, gắn với nhu cầu và yêu cầu thay đổi không ngừng của thị trường toàn cầu. Giá trị xã hội - văn hóa là kết nối nông nghiệp với việc nâng cao năng lực cộng đồng, phát triển du lịch, giáo dục, bảo tồn bản sắc văn hóa và khai thác tài nguyên bản địa. Giá trị công nghệ - tri thức là ứng dụng các tiện ích thông minh, chuyển đổi số, dự báo biến đổi khí hậu trong sản xuất. Giá trị đổi mới sáng tạo chính là định vị An Giang không chỉ là “vùng nguyên liệu” mà còn là “vựa ý tưởng mới” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải phát biểu đề dẫn Hội thảo. 

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải khẳng định, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia. Tỉnh xác định phương châm hành động “Một tỉnh - Một tầm nhìn - Một hành động - Một niềm tin” làm nền tảng thống nhất phát triển.

Tỉnh phát triển theo hướng xanh, số và hội nhập sâu; lấy kinh tế biển, biên mậu, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số làm động lực tăng trưởng; đổi mới sáng tạo là khâu đột phá chiến lược. Không gian phát triển được tổ chức theo hướng phát huy vị trí chiến lược của tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

An Giang xác định vùng Tứ giác Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên là động lực phát triển công nghiệp, logistics, du lịch văn hóa, sinh thái và là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản và dược liệu công nghệ cao. Tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, tăng cường giao thương với Vương quốc Campuchia. Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, giáo dục và y tế số thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, quốc phòng - an ninh vững chắc. Tỉnh đặt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm (2025 - 2030) đạt từ 10% trở lên, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt từ 7.500 USD trở lên, tổng thu ngân sách 5 năm đạt 175.000 tỷ đồng...

Chú thích ảnh
Chủ trì Hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung phân tích các vấn đề trọng tâm như định hướng phát triển tổng thể, các khâu đột phá chiến lược, phát triển Phú Quốc thành đặc khu tầm quốc tế; tích hợp giữa kinh tế biển, biên mậu và nội địa để hình thành động lực tăng trưởng mới; giải pháp đảm bảo an ninh sinh kế, môi trường bền vững; phát huy giá trị văn hóa bản địa; mô hình vận hành chính quyền địa phương hai cấp hiệu quả, nền tảng số; bảo đảm quốc phòng - an ninh biên giới; phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số; góp ý các dự thảo báo cáo trình Đại hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định, điểm mạnh của An Giang là dân số lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, vùng tứ giác Long Xuyên có lợi thế mạnh nông nghiệp, chế biến sâu và thương mại; yếu tố liên kết “biển - biên giới - nội địa” để phát triển kinh tế tổng hợp. Ông đề xuất, tỉnh cần xây dựng đề án rà soát quy hoạch; đề án phát triển Tứ giác Long Xuyên, đặc khu Phú Quốc, kinh tế cửa khẩu, kinh tế biển; đề án phát triển kinh tế tư nhân; chương trình phát triển hạ tầng; đề án phát triển nguồn nhân lực; đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh trong định hướng phát triển.

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành Trung tâm kinh tế biển Quốc gia
Phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành Trung tâm kinh tế biển Quốc gia

Ngày 15/4, tại thành phố Vũng Tàu, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Đề án “phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành Trung tâm kinh tế biển Quốc gia” với sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương vùng Đông Nam Bộ; các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực về kinh tế biển và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN