75 năm thực hiện lời thề độc lập - Bài 1: 'Bệ đỡ' để phát triển

75 năm qua, thực hiện lời thề thiêng liêng tại Lễ Tuyên ngôn độc lập "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy", nhân dân ta đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, hy sinh biết bao xương máu để giữ vững thành quả và thực hiện các mục tiêu cao cả của Cách mạng Tháng Tám: độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Chú thích ảnh
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cách đây 75 năm, trong những ngày mùa thu lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập", khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự kiện trọng đại này là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

75 năm qua, thực hiện lời thề thiêng liêng tại Lễ Tuyên ngôn độc lập "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy", nhân dân ta đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, hy sinh biết bao xương máu để giữ vững thành quả và thực hiện các mục tiêu cao cả của Cách mạng Tháng Tám: độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Qua gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên, ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, vượt qua ngưỡng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Cùng với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống pháp luật của đất nước đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý vững chắc, là nền tảng, cơ sở để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật 

Ngay từ những ngày đầu tiên sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chủ tịch đã xác định, một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là phải xây dựng cho được một bản Hiến pháp dân chủ. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau mười tháng chuẩn bị, tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng Tháng Tám, xác lập Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Mục tiêu chiến lược của Hiến pháp là hoàn thành độc lập dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ nhân dân, chuẩn bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. 

Cùng với quá trình phát triển của đất nước, pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng được hoàn thiện với sự ra đời của các bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001), Hiến pháp năm 2013. Mỗi bản Hiến pháp ra đời đều có bối cảnh và ở những thời điểm lịch sử nhất định nhằm thể chế hóa đường lối cách mạng của Đảng cho mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1959, ngày 1/1/1960. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Hiến pháp năm 2013 ra đời phản ánh thành quả của quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 8 năm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị. Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa, phát triển và hình thành nhiều tư duy pháp lý mới mang tính nền tảng, cơ bản, chủ đạo, tạo cơ sở pháp lý - chính trị cao nhất cho quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời kỳ mới.

Một mục tiêu quan trọng nhất của Hiến pháp năm 2013 là tiếp tục phát huy dân chủ, bảo đảm chủ quyền nhân dân, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Nhấn mạnh bản chất nhà nước ta là nhà nước thực hiện chủ quyền nhân dân, thực hành dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và bảo đảm quyền lực của nhân dân, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân…".

Cùng với Hiến pháp - luật gốc, một hệ thống các văn bản luật và dưới luật đã được khẩn trương xây dựng để cụ thể thi hành hiến pháp. Hệ thống pháp luật được xây dựng và ngày càng được hoàn thiện, là cơ sở pháp lý xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bước sang giai đoạn đổi mới, hệ thống pháp luật của nước ta phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật ở tầm luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.

Số lượng các đạo luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ năm 1986 - 2016 gấp gần 8 lần số lượng luật, pháp lệnh ban hành trong 41 năm về trước. Cụ thể trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng đã ban hành 483 luật, pháp lệnh. Đặc biệt trong 4 năm 2016 - 2020, Quốc hội đã ban hành 65 luật và 99 nghị quyết, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhìn vào số lượng các văn bản luật và dưới luật đã được ban hành để cụ thể hóa hiến pháp để thấy sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống pháp luật, là nền tảng, "bễ đỡ" cho mọi quan hệ xã hội từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng phát triển. 

Đặc biệt sau khi ban hành Hiến pháp năm 2013, thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được bổ sung, hoàn thiện, trong đó các quyền con người được ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm.

Tôn trọng, bảo vệ quyền con người

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về pháp luật, một trong những thay đổi lớn nhất của Hiến pháp 2013 là chế định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các quyền này được đề cao, thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, các nước ghi nhận các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến hết tháng 6/2019, Quốc hội đã ban hành 11/16 luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các quyền con người, quyền công dân thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị như quyền ứng cử, bầu cử; quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý… đã được quan tâm cụ thể hóa thông qua việc ban hành mới Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trưng cầu ý dân. Các Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã được ban hành để bảo đảm hệ thống pháp luật về các quyền con người, quyền công dân ngày càng hoàn thiện, đủ cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện và bảo đảm, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân.

Các quyền con người, quyền công dân trong nhóm quyền kinh tế, văn hóa xã hội đã được cụ thể hóa trong các đạo luật thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Hôn nhân và gia đình… đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời để bảo đảm ghi nhận và quy định cụ thể cơ chế tổ chức thực hiện, bảo vệ tốt hơn nữa các quyền con người trong lĩnh vực dân sự, lao động, hôn nhân, gia đình. Trong đó, phải kể tới các quyền về nhân thân, quyền tài sản, quyền về an sinh xã hội, quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế; quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

Đối với nhóm quyền con người, quyền công dân trong tư pháp như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền bào chữa của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, quyền bình đẳng trước pháp luật… đã được cụ thể hóa trong các đạo luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án hình sự... Đặc biệt, việc ban hành Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự đã giúp cho Nhà nước và nhân dân có thêm công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong phòng, chống tội phạm, đề cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm trong tình hình mới, góp phần bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Qua triển khai Luật cùng nhiều biện pháp đồng bộ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2019, số vụ tội phạm đã được kéo giảm 7,39%. Đây là con số ấn tượng so với chỉ tiêu Bộ Công an đã đăng ký với Chính phủ, Quốc hội là từ 3 - 5%. 

Điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội

Theo nhận định của Chính phủ, trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định mô hình tổng thể tổ chức bộ máy nhà nước đã được quy định tại Hiến pháp năm 1992, đồng thời có một số phát triển mới trong các quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chính quyền địa phương và một số thiết chế khác bảo đảm phù hợp hơn với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.

Sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, các luật, pháp lệnh về tổ chức bộ máy đã được ban hành trên tinh thần cụ thể hóa nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước; đổi mới cơ chế hoạt động, phân công, phối hợp và kiểm soát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương theo hướng phân cấp, phân quyền, ủy quyền rành mạch, rõ ràng hơn nhằm hướng tới xây dựng một bộ máy nhà nước gọn về tổ chức và hiệu quả trong hoạt động.

Tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, đồng thời đổi mới mô hình tổ chức, hình thức, phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương theo chủ trương của Đảng nhằm hướng tới một bộ máy nhà nước tinh gọn về tổ chức, hiệu quả trong hoạt động và tăng cường trách nhiệm giải trình, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương...

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ quan trọng để xây dựng hệ thống pháp luật khoa học, hiệu quả. Theo đánh giá của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Với quan điểm phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ, Hiến pháp năm 2013 đã quy định mang tính khái quát về mục tiêu, định hướng và các chính sách cơ bản làm cơ sở để hoàn thiện và thực thi hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, pháp luật trong các lĩnh vực này đã được hoàn thiện một bước quan trọng. Tính đến hết tháng 6/2019, Quốc hội đã ban hành các đạo luật về thuế và 31/37 luật, pháp lệnh khác thuộc lĩnh vực này. Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các đạo luật thuộc lĩnh vực này đã tập trung góp phần tạo nền tảng pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh, các quyền về an sinh xã hội của công dân, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội…

Các đạo luật về bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội đã kịp thời được sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp và yêu cầu của tình hình mới. Tính đến hết tháng 6/2019, Quốc hội đã ban hành 06 luật, pháp lệnh về bảo vệ Tổ quốc trong Danh mục và 05 luật, pháp lệnh ngoài Danh mục.

Những nỗ lực trong công tác lập pháp thời gian quan đã từng bước đưa các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá việc triển khai thi hành Hiến pháp đã góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.

Bài 2: Nền kinh tế chuyển mình

Quỳnh Hoa (TTXVN)
75 năm thực hiện lời thề độc lập - Bài cuối: Nâng tầm vị thế Việt Nam 
75 năm thực hiện lời thề độc lập - Bài cuối: Nâng tầm vị thế Việt Nam 

Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó, nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại đã ra đời và vinh dự được Bác Hồ, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trực tiếp chỉ đạo, dìu dắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN