75 năm thực hiện lời thề độc lập - Bài 3: Kiên định mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững

Thực hiện giảm nghèo, chăm lo an sinh - phúc lợi xã hội cho nhân dân đang đưa đến nhiều thành tựu cho Việt Nam.

Công cuộc đó cũng thể hiện bản chất tốt đẹp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên chặng đường 75 năm qua, nhất là sau hơn ba thập kỷ đổi mới…

Chú thích ảnh
Người dân ấm lòng khi đón nhận gạo từ thiện từ cây “ATM gạo”. Ảnh: An Thành Đạt/TTXVN

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Năm 2020, giữa đại dịch COVID-19, khoản tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng từ gói 62 nghìn tỷ theo tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ khiến ông Đặng Gia Định, thương binh hạng 3/4, ở ngõ 43 phố Nguyễn Phong Sắc, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cảm thấy ấm lòng. Trong suy nghĩ của ông Định, đó là nguồn động viên to lớn, không chỉ là thể hiện rõ tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà còn là sự khẳng định của Chính phủ về việc “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cũng như người thương binh ở phố Nguyễn Phong Sắc, chị Phùng Thị Ngọc Anh, phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) cảm kích và phấn khởi khi đón nhận khoản hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ từ cơ quan chức năng. Số tiền 1,5 triệu đó như chiếc “phao” giúp gia đình chị - một hộ cận nghèo, trang trải cuộc sống.

Điểm chung trong suy nghĩ của ông Đặng Gia Định và chị Phùng Thị Ngọc Anh khi nhận số tiền hỗ trợ của Chính phủ là, họ không chỉ tiếp nhận những động viên kịp thời, có giá trị về vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần, thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Bởi lẽ, họ đã được chứng kiến Đảng, Nhà nước dốc tổng lực để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và dành mọi nguồn lực để hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do COVID-19. Đợt dịch bệnh này, họ chỉ là hai trong số 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng trong diện được thụ hưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ như: người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động trong doanh nghiệp, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh…

Cảm nhận tinh thần về ý nghĩa cuộc sống trong đại dịch COVID-19 của hai người dân đó, như khái quát của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hồi tháng 7 mới đây: “Thông qua gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng, các nước trên thế giới cũng như người dân trong nước ghi nhận, đồng tình ủng hộ. Qua đó, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ được nâng lên. Đây là cái được vô giá !”.

Dẫn chứng từ ông Đào Ngọc Dung là, dù dịch bệnh bùng phát gây xáo trộn mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động, người nghèo và những đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội, nhưng Việt Nam đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra vừa đảm đảm nhiệm vụ chống dịch, đảm bảo sức khỏe vừa phục hồi kinh tế, ổn định kinh tế xã hội, những kết quả đạt được là rất đáng mừng và đáng trân trọng. Đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm nhanh, tỷ lệ thiếu đói giảm 74,6% so cùng kỳ. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân theo đầu người tăng lên đạt 4,3 triệu đồng…

Đặc biệt mới đây trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng với việc đề xuất điều chỉnh các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động cho phù hợp với thực tiễn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần 2 là 18.600 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do đại dịch này.

Đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lần 2 là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh; người lao động tại khu vực nông thôn.

Vững vàng niềm tin

Không phải đến những khó khăn mà đại dịch COVID-19 gây ra mới thấy niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thực hiện các chính sách an sinh - phúc lợi xã hội và xóa đói giảm nghèo. Mà vốn dĩ niềm tin ấy đã vững vàng bao trùm suốt chặng đường 75 năm qua, nhất là sau hơn ba thập kỷ đất nước đổi mới...

Những thành quả tốt đẹp từ hàng loạt các chủ trương, chiến lược xóa đói giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức quốc tế đã cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương. Những nỗ lực to lớn, không ngừng nghỉ nhằm đầu tư nguồn lực và đổi mới cơ chế, chính sách để thực hiện an sinh xã hội đã cải thiện không ngừng cuộc sống của người dân. Phát triển dân sinh được đặt trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội; quan tâm đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, hải đảo…  

Chú thích ảnh
Người dân xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: TTXVN

Thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cho thấy điều đó, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước tiếp tục giảm xuống, chỉ còn 3,75%. Trên 1,35 triệu hộ trong tổng số hơn 2,33 triệu hộ nghèo vào cuối năm 2015 đã thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước tiếp tục giảm xuống, chỉ còn khoảng 2,75%. Thu nhập bình quân hộ nghèo dự kiến đến cuối năm nay cũng tăng 1,6 lần, vượt chỉ tiêu đề ra.

Việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, nhất là giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần ổn định xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Thành tựu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam chính là sự thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thành tựu đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, nhìn nhận Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất thế giới, đạt được tiến bộ ấn tượng nhất trong các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết thực hiện.

Bình đẳng trong phát triển kinh tế, xã hội

Trước những thành tựu về xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận trong báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam”: Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ, những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài.

Chú thích ảnh
Làm thủ tục cho hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn tại điểm giao dịch xã Đê Ar, huyện Mang Yang (Gia Lai). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đánh giá về những kết quả mà Việt Nam đạt được trong Việt Nam đã đạt được tiến bộ tốt trong phát triển con người, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã kiên định chọn hướng phát triển lấy con người làm trọng tâm và sự bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việt Nam đã đạt được tăng trưởng đáng kể trong phát triển con người kể từ năm 1990 với mức độ bất bình đẳng tăng chậm.

Thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, được nhân dân trong nước đồng tình, dư luận quốc tế đánh giá cao, nhưng công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là xoá đói giảm nghèo chưa thật sự bền vững, khoảng cách giàu nghèo vẫn rộng và có xu hướng gia tăng.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã và đang đưa ra nhiều chủ trương mới nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Đáng chú ý là đề xuất khung chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Theo đề xuất này, giảm nghèo và an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, bảo đảm tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững có hiệu quả, giải pháp tổng thể được xác định từ đối tượng, phạm vi đến đề ra mục tiêu cần đạt được trong từng giai đoạn 5 năm, 10 năm trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp tác động đến giảm nghèo và an sinh xã hội, bao gồm: hệ thống các chính sách và Chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá. Chương trình được xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đảng, Chính phủ và các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Chương trình này đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững. Phấn đấu từng bước xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người ở mọi nơi; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người; góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, giảm bất bình đẳng trong xã hội.

Bài 4: Bảo vệ Tổ quốc bằng hòa bình bền vững 

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
75 năm thực hiện lời thề độc lập - Bài cuối: Nâng tầm vị thế Việt Nam 
75 năm thực hiện lời thề độc lập - Bài cuối: Nâng tầm vị thế Việt Nam 

Cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó, nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại đã ra đời và vinh dự được Bác Hồ, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trực tiếp chỉ đạo, dìu dắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN