Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Trần Ngọc Tam nhấn mạnh, Đảng bộ, nhân dân Bến Tre và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn ghi nhớ công lao to lớn của Tiểu đoàn 307 và Tiểu đoàn 310 anh hùng, đã đồng cam cộng khổ, kháng chiến trường kỳ giành độc lập tự do cho dân tộc, sẵn sàng hy sinh, nguyện một lòng gìn giữ non sông.
Phó Bí thư Tỉnh ủy kêu gọi chính quyền, nhân dân Bến Tre, nhất là thế hệ trẻ phát huy mạnh mẽ truyền thống anh hùng của Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn 310, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, thực hiện quyết liệt các phong trào thi đua yêu nước, tăng tốc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh…
Ôn lại truyền thống hào hùng của Tiểu đoàn 307, ông Nguyễn Việt Trân, Trưởng ban Liên lạc Tiểu đoàn cho biết: Tiểu đoàn 307 là đơn vị chủ lực đầu tiên của Khu 8 và cũng là đơn vị cơ động đầu tiên của Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Tiểu đoàn được thành lập ngày 1/5/1948, gồm lực lượng của Khu 8 và một bộ phận quan trọng của Trung đoàn 99 Bến Tre hợp thành. Sau 2 tháng tập trung huấn luyện ở Bến Tre, ngày 5/7/1948, Tiểu đoàn 307 đã làm lễ xuất quân tại Giồng Luông (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú).
Sau lễ xuất quân, Tiểu đoàn vượt sông Tiền nhận nhiệm vụ. Trận đầu ra quân thắng lớn, giải phóng huyện Mộc Hóa (Long An), liên kết chiến trường Việt Nam - Campuchia, nối thông Khu 8, Khu 7 và Khu 9 đã trở thành mốc son đầu tiên trang sử truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn 307; đồng thời, được đánh giá là điểm son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Pháp của Long An và Khu 8.
Sau chiến thắng Mộc Hóa, Tiểu đoàn hành quân về Trà Vinh thực hiện chiến thuật “công đồn, đả viện”, diệt đồn La Bang, phục kích diệt gọn một tiểu đoàn địch đến tiếp viện ứng cứu; giải phóng xã Đôn Châu và phá thế kìm kẹp của địch ở các xã Long Sơn, Long Hiệp, Ngũ Lạc, đập tan ý đồ của địch chiếm đóng vùng biển Trà Cú, Cầu Ngang (Trà Vinh).
Tháng 7/1950, Tiểu đoàn 307 trở lại xứ Dừa tham gia chiến dịch Bến Tre. Tiểu đoàn 307 bao vây tiêu diệt, bức hàng, bức rút sáu đồn bót ven thị trấn Cái Mơn. Đến tháng 8/1950, Tiểu đoàn trú quân ở Giồng Luông (nơi xuất quân 2 năm trước) bảo vệ hội nghị tổng kết chiến dịch Bến Tre. Trong thời gian này, Tiểu đoàn kết hợp vận động trên 200 thanh niên ở huyện Mỏ Cày, Thạnh Phú tòng quân gia nhập vào Tiểu đoàn, thực hiện huấn luyện tân binh bổ sung vào đơn vị chiến đấu…
Ngoài chiến đấu lập công, Tiểu đoàn 307 còn làm tốt công tác vận động quần chúng, chấp hành tốt kỷ luật dân vận, đoàn kết giúp đỡ địa phương tăng gia sản xuất. Sinh ra và trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, Tiểu đoàn 307 vượt qua gian khổ hy sinh, lập nhiều chiến công xuất sắc, được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.