Một cách thầm lặng, sau những dòng tin, vượt qua điều kiện thiếu thốn và cả sự hiểm nguy khi tác nghiệp giữa làn bom đạn, ngay trong lòng địch, họ đã góp sức duy trì "mạch máu" thông tin trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, kịp thời chuyển những thông tin chuẩn xác, góp sức vào phong trào đấu tranh giải phóng đất nước.
Ký ức những người điện báo viên Thông tấn
Ông Huỳnh Văn Khiêm (biệt danh Bảy Vũ Phong), sinh năm 1938, nguyên Phó trưởng Tiểu ban Thông tấn báo chí phụ trách điện đài tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) từ năm 1963 - 1972 là một trong những người đầu tiên đảm nhiệm vai trò điện báo viên Thông tấn xã tại tỉnh lúc bấy giờ vẫn nhớ những ngày làm việc tại Phân xã Thông tấn tỉnh Kiến Phong.
Ông Bảy cho biết, năm 1963, Phân xã Thông tấn tỉnh Kiến Phong, trực thuộc Ban Tuyên huấn ra đời tại vùng căn cứ kênh Nhất, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười. Đây là một trong những mắt xích quan trọng trong quy trình truyền phát tin về Thông tấn xã Giải phóng. Vào những ngày đầu thành lập, thiết bị, máy móc không có, để đáp ứng được yêu cầu của công việc trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, những điện báo viên - cán bộ kỹ thuật như ông phải cùng các “cơ công” (kỹ sư) tận dụng các linh kiện trong những chiếc radio để tái chế tạo thành máy điện đài.
Ông Bảy chia sẻ, “máy không chính quy” nên công suất thấp khoảng 3W, thêm vào đó, dây ăng-ten chỉ là dây cước lại phải ngụy trang trong các luồng cây để tránh việc địch phát hiện và dội bom. Sóng yếu, bị nhiễu tần số, điện báo viên phải nhích từng tần số để “rà” sóng và vận dụng các giác quan để làm việc “tay viết, tai nghe, tay chỉnh”.
Điện đài gắn với tín hiệu, máy móc thu phát thông tin nên công việc của điện báo viên cơ quan báo chí giai đoạn đó rất nguy hiểm và phải thay đổi địa điểm liên tục. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người điện báo viên phải kiên quyết bảo vệ căn cứ và các thiết bị, bởi đó là vũ khí.
Ở tuổi 82, ông Bảy vẫn nhớ như in những khoảnh khắc vào năm Mậu Thân 1968, đeo cáp tai nghe mà máy bay trinh sát (L19) của địch bay vòng lượn trên đầu khi phát hiện ra từ trường của máy điện đài. Thời điểm đó tưởng chừng cái chết cận kề, nhưng trước khi ẩn nấp, ông cùng các đồng đội bình tĩnh thu vội dây ăng ten, cho máy vào thùng rồi nhận xuống nước giấu trong ụ đất đã đào sẵn để tránh địch phát hiện.
Mặc dù có những lúc đứt quãng, nhưng những dòng tin cổ vũ cách mạng, thông tin chỉ đạo của Khu, Trung ương Cục miền Nam vẫn được tiếp nhận kịp thời. Đặc biệt, những tin về trận đánh tại địa phương được phát đi liên tục nhằm cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo tinh thần “Bừng bừng khí thế tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Trung Nam Bộ”. Đáng nhớ nhất đối với ông là trận chiến thắng đánh chìm 37 tàu giặc vang dội trên kênh Nguyễn Văn Tiếp vào ngày 4/12/1967 và trận đánh ở kênh tư Gáo Giồng vào mùa nước nổi những năm 1970, quân ta dùng xuồng tấn công đồn địch địa phương, phá vòng vây chiếm lại cánh đồng…
Cũng là điện báo viên Thông tấn xã từ tháng 7/1972, ông Nguyễn Văn Hưởng ( sinh năm 1952, quê ở Đốc Binh Kiều, Tháp Mười) nhớ lại, năm 1974, ông nhận nhiệm vụ mới tại căn cứ huyện Lấp Vò, đây là một trong những chiến trường ác liệt của tỉnh lúc bấy giờ. Ông Hưởng nói, cái cực của anh em làm công việc này mỗi khi ra chiến trường phải vác trên vai nguyên bộ máy nặng hơn 10 kg. Khi có tin tức, anh em phải tìm chỗ ẩn nấp, kéo ăng-ten lên các tán cây, ngồi bệt xuống đất để phát tin “hỏa tốc”. Khâu quan trọng nhất trong quá trình chuyển tin là phải nhận được tín hiệu từ Thông tấn xã Giải phóng “ đầu bên kia nói được, ở đây mới phát”, ông Hưởng cho biết.
Phát huy vai trò đội quân chủ lực
45 năm đã trôi qua nhưng người điện báo viên Thông tấn xã Giải phóng tại Đồng Tháp Huỳnh Ngọc Tuấn ( sinh năm 1954 ) vẫn nhớ mãi khoảnh khắc đón nhận tin chiến thắng, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng vào tối 30/4/1975, tại căn cứ của Thông tấn xã ở bờ xoài kênh Đào, xã Thanh Mỹ (Tháp Mười, Đồng Tháp). Lúc đó, ông được phân công nhiệm vụ ở lại căn cứ bảo vệ trụ sở, thiết bị máy móc đảm bảo an toàn, tránh bị kẻ địch tìm cách nhân cơ hội tấn công, chiếm giữ. Trong giây phút lịch sử nhận tin cả miền Nam hoàn toàn giải phóng, niềm vui khó tả, tay vừa run run vặn volume chỉnh đài rõ nhất, có thể nghe từng tín hiệu "tít tít te te", mừng rỡ miệng cười mà nước mắt cứ giàn giụa vì hạnh phúc.
Ông Tuấn cho biết, năm 1976, phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Sa Đéc (nay là Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Đồng Tháp) được hỗ trợ máy điện đài với công suất 150W. Trong hoàn cảnh đất nước trọn niềm vui, phóng viên, điện báo viên Đồng Tháp thực hiện nhiệm vụ các tuyến thông tin xây dựng đất nước, gương người tốt việc tốt, các điển hình làm kinh tế giỏi…
Là thế hệ điện báo viên cuối cùng của Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Nguyễn Văn Trí hiện là Trưởng Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Đồng Tháp cho biết, năm 1992, chuyển tin bằng hình thức phát tín hiệu morse (đánh ma-níp) “bị khai tử”. Từ đó, các hình thức chuyển phát tin theo công nghệ như fax, vi tính… dần được thay thế. Thậm chí, ngày nay, phương thức tác nghiệp bằng điện thoại trở nên thuận tiện và nhanh chóng.
"Công nghệ thay đổi đòi hỏi phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phải nhạy bén, nắm bắt kịp thời để thực hiện tốt vai trò là cơ quan thông tin chính thống, tin cậy của Đảng, Nhà nước. Phóng viên cần sắc sảo, nhãn quan tinh tường, dấn thân, lăn lộn trong thực tiễn, nhạy bén với thời cuộc để có nhiều tác phẩm có tính “khai phá, mở đường”, đấu tranh mạnh mẽ với sự trì trệ, bảo thủ; tuyên truyền những cách làm hay, mô hình sáng tạo, những đột phá trong tư duy… theo phương châm “nhanh - đúng - trúng - hay” - nhà báo Nguyễn Văn Trí nói.
Nhà báo Nguyễn Văn Thi (sinh năm 1954), nguyên Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Đồng Tháp nhắn gửi, trong điều kiện gian lao nhất, các thế hệ phóng viên, điện báo viên vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ viết nên trang sử Thông tấn xã Giải phóng cũng như Thông tấn xã Việt Nam. Tiếp nối truyền thống của thế hệ nhà báo thời chiến, trong thời kỳ đổi mới, phát triển đất nước, những người làm báo Thông tấn luôn trân quý những khó khăn của những nhà báo - chiến sĩ trong thời “mưa bom, bão đạn”, bởi đó là truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, của Thông tấn xã Việt Nam nói riêng; đồng thời, phát huy vai trò là đội quân chủ lực đi đầu trong việc định hướng dư luận xã hội. Các cán bộ, phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam phấn đấu xứng danh là thế hệ kế thừa 16 chữ vàng do Trung ương Cục miền Nam khen tặng Thông tấn xã Giải phóng năm 1968: “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.