60 năm qua kể từ khi được thành lập, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân viên Ủy ban luôn thấm nhuần tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành làm tốt công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Chính sách tạo động lực
Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhiều kiều bào ta mong muốn trở về Tổ quốc sinh sống và xây dựng đất nước. Để đáp ứng nguyện vọng của kiều bào, Hội đồng chính phủ đã họp và ra Nghị quyết về việc đón tiếp Việt kiều Thái Lan, Tân Đảo (Vanuatu, thuộc Cộng hòa Pháp), Tân Thế Giới (quần đảo New Caledonia, thuộc Cộng hòa Pháp) về nước. Ngày 23/11/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 416/TTg thành lập Ban Việt kiều Trung ương, đánh dấu mốc phát triển quan trọng của công tác đối với kiều bào. Đây là lần đầu tiên một tổ chức chuyên trách của Chính phủ được thành lập để vận động, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của bà con ta sinh sống ở nước ngoài, giúp Chính phủ theo dõi về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Sự kiện quan trọng đánh dấu bước chuyển mới, quan trọng trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là việc ban hành Nghị quyết số 8-NQ/TW ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Tháng 3/1995, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 55-CT/TW về việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, trong đó nêu rõ cần kiện toàn Ban Việt kiều Trung ương, tăng cường liên hệ với các bộ, ngành và các cơ quan đại diện ngoại giao ta ở nước ngoài.
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới đang không ngừng gia tăng cả về số lượng và địa bàn cư trú; được đánh giá có tiềm lực về tri thức và kinh tế, có vị trí và ảnh hưởng nhất định. Tình hình quốc tế, trong nước và những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần được tăng cường và đổi mới. Ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; trong đó khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” và “công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân”.
Ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Ngày 5/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020.
Trên cơ sở những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng này, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng kế hoạch hành động về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Trong lĩnh vực đối ngoại, Ủy ban cùng với các đơn vị của Bộ Ngoại giao chủ động đề xuất, xây dựng Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2016-2020.
Kết quả của những chính sách nêu trên tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, tạo đồng thuận góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích kiều bào hướng về quê hương, đóng góp tiềm lực kinh tế, chất xám vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tăng cường đại đoàn kết dân tộc
Quán triệt chủ trương đại đoàn kết dân tộc nêu trong Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45, Ủy ban đã chủ động phối hợp với các cơ quan trong nước và cơ quan đại diện người Việt Nam ở nước ngoài có cách tiếp cận mới, chủ động mở rộng tiếp xúc với nhiều thành phần khác nhau trong cộng đồng, kể cả những người còn định kiến với chế độ ta hay có quan điểm khác biệt. Đồng thời, Ủy ban tạo điều kiện cho những người từng phục vụ trong chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật… có tinh thần dân tộc được trở về quê hương, kể cả tham gia một số sự kiện do Ủy ban tổ chức.
Để tăng cường vai trò của kiều bào vào đời sống chính trị ở trong nước, Ủy ban phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến bà con đóng góp vào các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước như dự thảo văn kiện các Đại hội Đảng XI, XII; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013; giới thiệu đại biểu kiều bào tham gia Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động lớn dành riêng cho kiều bào cũng được tổ chức như: Chương trình họp mặt kiều bào vào dịp Tết Nguyên đán, sau này được biết đến với tên gọi Xuân Quê hương, được tổ chức từ hàng chục năm nay; Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với quy mô toàn thế giới vào các năm 2009, 2012 và 2016, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào và được dư luận cộng đồng hết sức quan tâm, phản ánh đúng tâm nguyện của kiều bào mong muốn đoàn kết hướng về quê hương để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đặc biệt, liên tục từ năm 2012, nhằm đáp ứng nguyện vọng và quan tâm của kiều bào, Ủy ban đã tổ chức 9 đoàn công tác với gần 500 đại biểu kiều bào từ các châu lục ra thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Thông qua hoạt động này, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực của kiều bào hướng về biển đảo quê hương đã được triển khai, như ủng hộ hơn 8 tỷ đồng tiền mặt cùng một xuồng chủ quyền trị giá 3,5 tỷ đồng, tặng hiện vật gần 3 tỷ đồng…
Đối với thế hệ trẻ, kể từ năm 2004, Ủy ban tổ chức Trại hè Việt Nam hằng năm, thu hút sự quan tâm đông đảo của thanh niên, sinh viên kiều bào. Trong 10 năm qua, tổng số đại biểu tham gia chương trình này không ngừng tăng với tổng số gần 1.500 em. Cùng với các hoạt động trải dài trên cả ba miền Bắc-Trung-Nam, chương trình có sự kết hợp hài hòa các yếu tố giáo dục chính trị, lịch sử, truyền thống, văn hóa, du lịch và trau dồi tiếng Việt góp phần khơi gợi lòng tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó quê hương của thế hệ kiều bào trẻ.
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, tính đến nay, có khoảng 500 hội đoàn người Việt trên toàn thế giới (hội nghề nghiệp, hội đồng hương, hội từ thiện, hội thanh niên-sinh viên, hội doanh nhân, hội trí thức…) với nhiều đổi mới trong các hoạt động hướng về quê hương, đất nước.
Thu hút nguồn lực kiều bào
Công tác thu hút nguồn lực kiều bào được Ủy ban tiến hành thường xuyên, với trọng tâm là hướng kiều bào đầu tư vào các chương trình kinh tế trọng điểm, vận động kiều bào tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao kinh tế và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Theo đó, Ủy ban đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để tạo diễn đàn cho doanh nhân Việt trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu và tăng cường hợp tác. Sự ra đời của Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) vào tháng 8/2009 là dấu mốc quan trọng trong quá trình tập hợp, liên kết sức mạnh của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài giúp nhau tìm kiếm cơ hội kinh doanh, làm ăn, cùng phát triển và đóng góp thiết thực cho đất nước. Tính đến nay, BAOOV có hơn 200 hội viên từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ; các hội viên đều là các doanh nhân thành đạt, có uy tín trong cộng đồng và có tấm lòng hướng về quê hương.
Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp kiều bào từ Mỹ, Canada, Ôxtrâylia, Nga, Pháp, Séc, Hà Lan… đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số vốn góp và vốn đăng ký 4 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực du lịch, thương mại, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản… Lượng kiều hối gửi về nước luôn duy trì mức tăng khoảng 10-15% mỗi năm với tổng kiều hối trong 10 năm qua lên gần 112 tỷ USD, đưa Việt Nam thành một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, đóng góp quan trọng vào ổn định cán cân thanh toán và phát triển kinh tế của đất nước.
Ủy ban cũng tích cực hỗ trợ các hội, nhóm, cá nhân chuyên gia trí thức trong các hoạt động đóng góp cho sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế-xã hội của đất nước (nhóm Giáo sư Trần Thanh Vân - Pháp; Nhóm Giáo sư Lê Văn Cường - Pháp; các nhóm trí thức trẻ như Hội Khoa học và Chuyên gia VN toàn cầu (AVSE Global), Viet Challenge, Sáng kiến Việt Nam, Hành trình Việt, Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam, Hội Ái Việt…). Kết quả là hàng năm, có khoảng 300 - 500 lượt trí thức, chuyên gia về nước làm việc với các cơ quan giảng dạy và nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản và chuyên môn khác.
Nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho trí thức kiều bào đóng góp cho những vấn đề lớn của đất nước cũng đã được Ủy ban tổ chức thành công như Diễn đàn chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đóng góp ý kiến về những vấn đề kinh tế - xã hội lớn trước thềm Đại hội Đảng XII hay Hội nghị bàn tròn “Thủ tướng với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam” vào tháng 12/2016. Đặc biệt, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với quy mô trên toàn thế giới năm 2016 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong thu hút những sáng kiến, đề xuất của kiều bào về thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng như đóng góp cho chiến lược phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Bên lề Hội nghị, Ủy ban tổ chức buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với 57 chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào để Thủ tướng trực tiếp lắng nghe các ý kiến tư vấn của kiều bào.
Thông qua sự kết nối và mời gọi của Ủy ban, doanh nhân, trí thức kiều bào đã chung tay hành động và trở thành một bộ phận đóng góp hiệu quả trong hợp tác với trong nước, cùng đồng hành trực tiếp với Chính phủ nhằm mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất. Các nhóm, mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt kiều thường xuyên tham vấn cho Chính phủ, cho ý kiến về xây dựng “Chính phủ thông minh”, “tạo lập hệ thống chấm điểm hành chính quốc gia”… Đặc biệt, 4 chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài (Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Anh - kiều bào ở Hoa Kỳ; Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Khương - kiều bào ở Pháp; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương - kiều bào ở Singapore; Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Thọ - kiều bào ở Nhật Bản) được lựa chọn tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đã có những đóng góp ý nghĩa, đưa ra các khuyến nghị hữu ích về các vấn đề kinh tế - xã hội như động lực tăng trưởng, vốn đầu tư nhà nước, khai thác tài nguyên...
Trong những năm gần đây, trên tinh thần đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển, công tác thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài được hướng mạnh vào những nhu cầu cấp bách của đất nước trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0, điển hình là các sáng kiến của Ủy ban góp phần tạo luồng sinh khí mới cho phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam. Thông qua “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” năm 2017 và 2018, Ủy ban tạo cơ hội cho các start-up Việt trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Năm 2018, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được thành lập, quy tụ 100 chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài, tạo bước đột phát mới trong đoàn kết, tập hợp chuyên gia, trí thức kiều bào hướng vào những nhiệm vụ phát triển cụ thể của đất nước.
Tháng 6/2019, Diễn đàn kinh tế kiều bào lần thứ nhất với sự bảo trợ của Ủy ban được tổ chức tại Hàn Quốc nhằm kết nối doanh nghiệp Việt Nam cả trong và ngoài nước trên những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, thương mại, du lịch, dịch vụ… cùng với các hoạt động triển lãm sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng tăng cường hỗ trợ cho các địa phương thu hút nguồn lực tri thức, tài chính của kiều bào trong giải quyết những vấn đề cụ thể.
Giúp kiều bào có cái nhìn khách quan về đất nước
Bằng nhiều kênh và nhiều hình thức khác nhau, Ủy ban đã giúp kiều bào có cách nhìn sát thực, khách quan về tình hình mọi mặt của đất nước, nhất là những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, tình hình biển đảo, biên giới lãnh thổ, về chính sách tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền, qua đó cơ bản giải tỏa được nhiều băn khoăn, hoài nghi của cộng đồng, giúp kiều bào an tâm, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước và ngày càng hướng về quê hương.
Bên cạnh việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho phóng viên các cơ quan truyền thông của người Việt Nam ở nước ngoài về nước tác nghiệp, tham gia đưa tin những sự kiện lớn của đất nước, thăm Trường Sa… Ủy ban cũng tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm giữa các cơ quan báo chí trong nước với các các phóng viên báo chí kiều bào nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của báo chí cộng đồng trong việc phản ánh đúng, khách quan về hiện thực của đất nước; đồng thời, chung tay góp sức giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và duy trì tiếng Việt.
Ủy ban đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong triển khai chính sách ngoại giao văn hóa để đưa văn hóa Việt đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bằng nhiều cách thức khác nhau: thông qua các sự kiện Tuần Việt Nam, Ngày Việt Nam; các chương trình quảng bá du lịch quy mô lớn; các hoạt động quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng tại nhiều nước có đông người Việt như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ.. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng được tổ chức thường xuyên hơn, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán.
Để giúp thế hệ trẻ kiều bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì tình cảm, gắn bó với nguồn cội, việc dạy và học tiếng Việt được đẩy mạnh với nhiều hoạt động phong phú thiết thực: trực tiếp hỗ trợ cơ sở vật chất, sách giáo khoa, tài liệu học tiếng Việt, tổ chức tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào… Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban đã hỗ trợ 10.000 cuốn sách giáo khoa cấp tiểu học, gần 400 bộ sách tiếng Việt vui và Quê Việt, hơn 700 bộ truyện tranh lịch sử và dân gian lứa tuổi thiếu nhi cho cộng đồng tại hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2013 đến nay, Ủy ban tập huấn nghiệp vụ sư phạm cho hơn 200 giáo viên tại hàng chục địa bàn, giúp họ trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt tại các nước… Với sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Ủy ban, phong trào học và dạy tiếng Việt đã lan tỏa trên khắp các châu lục, nâng cao ý thức của kiều bào đối với việc duy trì tiếng Việt và truyền thống dân tộc. Tại một số địa bàn như Séc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…, tiếng Việt được công nhận và giảng dạy như một ngoại ngữ thứ hai, thứ ba ở các trường phổ thông nơi có đông người Việt.
Trước nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng gắn với văn hóa dân tộc của cộng đồng ngày một phát triển, Ủy ban dành sự quan tâm thích đáng, chủ động phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử các đoàn đi hoằng pháp, xây chùa và cử các vị chức sắc sang trụ trì, hướng dẫn bà con tu học theo chính pháp, phát huy tinh thần yêu nước, hướng về Tổ quốc.
Trên nền tảng kết quả công tác đạt được, thời gian tới Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần nỗ lực, sáng tạo, chủ động thúc đẩy mọi mặt công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, sao cho công tác này ngày càng đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển đất nước và quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.