Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình là một bản hùng ca về trí tuệ của con người Việt Nam, là tấm gương sáng ngời về tinh thần lao động hăng say, dũng cảm, sáng tạo "dời núi lấp sông", bền bỉ vượt lên mọi khó khăn, thách thức, là niềm tự hào của cả nước. Công trình này có sự đóng góp đặc biệt to lớn và sự hi sinh vô giá của nhân dân các dân tộc Hòa Bình nói chung, của huyện Đà Bắc nói riêng. Với sự lãnh đạo của đảng bộ, chính quyền, người dân lòng hồ sông Đà đã vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống ấm no.
Việc di chuyển dân phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên sông Đà được xem như một cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử đất nước sau chiến tranh; được xác định là một nhiệm vụ đặc biệt, cực kỳ quan trọng phục vụ cho kế hoạch ngăn sông Đà (đợt 1 năm 1983, đợt 2 năm 1986 và phát điện tổ máy số 1 năm 1987). Thời điểm đó, huyện Đà Bắc có 23 xã thì có 18 xã nằm ở ven 2 bờ sông Đà, trong đó 7 xã phải di chuyển toàn bộ ra khỏi khu vực lòng hồ. Với tinh thần tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, cả huyện Đà Bắc giống như một công trường. Từ năm 1982-1986, huyện Đà Bắc đã hoàn thành việc di chuyển 2.365 hộ dân với 12.397 nhân khẩu, 3.700 ngôi mộ cùng hàng vạn mét vuông nhà ở của nhân dân tại 60 bản, làng thuộc 18/23 xã.
Bí thư Huyện ủy Đà Bắc Nguyễn Văn Luyến cho biết, trong quá trình chuyển dân, Nhà nước hầu như không phải bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chỉ hỗ trợ một phần rất nhỏ. Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và sự tin tưởng tuyệt đối của người dân, khi được vận động, tất cả hộ nằm trong vùng di chuyển đều thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Để hoàn thành kế hoạch chuyển dân, các hộ gia đình tự giúp nhau; đồng thời, thôn, xóm, tổ chức đoàn thể tích cực giúp người dân dỡ nhà chuyển đến nơi ở mới.
Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi chia sẻ, sau giai đoạn tập trung, nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ di chuyển dân lòng hồ sông Đà, Đà Bắc bước vào giai đoạn tái thiết với muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và người dân các dân tộc huyện Đà Bắc đã quyết tâm đưa địa phương từng bước phát triển ổn định. Trong đó, huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng xã, địa phương, nhất là vùng chuyển dân lòng hồ. Nhờ đó, bộ mặt kinh tế, xã hội của địa phương đã từng bước phát triển ổn định, đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 7,14%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc Nguyễn Văn Cửu nêu, 40 năm trước với bao khó khăn, vất vả nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đoàn kết, đồng lòng chung tay của người dân, huyện Đà Bắc đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Đến nay, đời sống người dân từng bước được ổn định; hộ nghèo giảm dần, một số hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng từ lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện sông Đà. Ông Nguyễn Văn Cửu mong muốn, thời gian tới, chính quyền và người dân địa phương tiếp tục phát huy truyền thống vươn lên trong mọi lĩnh vực, nhanh chóng đưa Đà Bắc thoát khỏi huyện nghèo, người dân được hưởng ấm no, hạnh phúc.
Nhìn lại chặng đường 40 năm qua với bao thăng trầm, khó khăn và thử thách, anh Đinh Công Luận, xã Hào Lý (Đà Bắc) chia sẻ: Đến nay, bộ mặt quê hương đã có diện mạo mới. Cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư đồng bộ. Giao thông đi lại thuận tiện, kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên. Đồng bào các dân tộc di chuyển vùng lòng hồ sông Đà luôn tự hào vì đã đóng góp một phần nhỏ bé cho dòng điện tươi sáng hôm nay.
Nhân dịp này, chính quyền và người dân huyện Đà Bắc đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba do có thành tích trong 40 năm di dân lòng hồ sông Đà.