Trước đó, trong hai ngày 15 -16/8, các em đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các vấn đề thiết thực liên quan đến trẻ em. Các em chia thành 6 nhóm để trình bày về các vấn đề như: phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; an toàn trên môi trường mạng; giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống của trẻ em; chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và sự phát triển toàn diện cho trẻ em. Trong phiên thảo luận, đối thoại, các em đã chủ động nêu lên những thực trạng, tồn tại của vấn đề; nêu ý kiến, nguyện vọng và đề xuất sáng kiến, giải pháp đối với những vấn đề trên với tinh thần “Trẻ em lên tiếng - Trẻ em khởi xướng - Trẻ em cùng hành động”.
Qua các vấn đề trình bày, các em đã đưa ra 22 thông điệp, kiến nghị: bạo lực đối với trẻ em là hành vi hủy hoại tuổi thơ, cần phải kiên quyết loại trừ; không còn bạo lực ở nhà trường và gia đình là hạnh phúc của trẻ thơ; vì tương lai tươi sáng, hãy nói không với lao động trẻ em; Internet là bạn tốt đừng biến nó thành bạn xấu; hãy chơi mạng xã hội, đừng để mạng xã hội “chơi” mình; giá trị của con người không đến từ vật chất mà đến từ lối sống, đạo đức tốt đẹp; đừng áp đặt, hãy để trẻ là chính mình; đừng biến trẻ thành người lớn; hãy để trẻ sống đúng với lứa tuổi...
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến, khuyến nghị của trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia và Diễn đàn trẻ em các địa phương; cùng phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan xem xét, giải quyết trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án liên quan tới trẻ em, đặc biệt cho giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, từ đề xuất, kiến nghị của các em, trong thời gian tới Bộ sẽ xây dựng kế hoạch để triển khai tốt các kiến nghị đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đến trường của các em học sinh. Đề cập tới vấn đề bạo lực học đường, Thứ trưởng mong muốn các em học sinh sẽ cùng góp phần đẩy lùi bạo lực học đường, xây dựng văn hóa học đường, quy tắc ứng xử trong nhà trường, môi trường nhà trường xanh - sạch -đẹp...
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở các em nhỏ cần biết yêu thương ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo; cố gắng thực hiện thật tốt Năm điều Bác Hồ dậy; cố gắng sống tốt, trưởng thành, học hành chăm ngoan để có tương lai tươi sáng, báo hiếu ông bà, cha mẹ. Điều này giúp đất nước phát triển tốt hơn. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, ban ngành có những hành động cụ thể, đừng để các thông điệp, lời kêu gọi chỉ là trên giấy.
Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề của trẻ em” là sự kiện có ý nghĩa kỷ niệm 30 năm ra đời Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (1989-2019). Diễn đàn do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và một số đơn vị tổ chức từ ngày 14-17/8, tại Hà Nội.