10 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025

Từ ngày 1/1/2025, mười luật sẽ có hiệu lực thi hành, bao gồm: Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024; Luật Đường bộ năm 2024; Luật Thủ đô năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ năm 2024; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) năm 2024; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2024; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 2023; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024; Luật Đầu tư công năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bổ sung nhiều quy định mới với lái xe

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương, 89 điều.

Việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và cam kết thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chú thích ảnh
Các phương tiện lưu thông trên đường Giải Phóng hướng ra khỏi Thủ đô. Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN

Đáng chú ý, kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ...

Độ tuổi hành nghề của lái xe ô tô chở khách trên 29 chỗ được tăng từ 2 - 5 năm, tuổi tối đa đối với nam là 57 tuổi, nữ là 55 tuổi. Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Tương tự, Luật Đường bộ gồm 7 chương, 54 điều; quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

Đáng chú ý, Luật Đường bộ dành riêng một chương quy định về cơ chế chính sách đột phá chiến lược về đường cao tốc, tháo gỡ các vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc trong giai đoạn phân kỳ theo quy mô quy hoạch, tạo hành lang pháp lý để đạt được mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc.

Bên cạnh đó, Luật cho phép thu phí đối với các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý khai thác, góp phần thể chế hóa chủ trương Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 52/2017 về chủ trương đầu tư các tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Luật Đường bộ cũng yêu cầu khi đầu tư xây dựng đường cao tốc phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, triển khai đầu tư đồng bộ các công trình phụ trợ như hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe…

Quy định các chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô

Luật Thủ đô gồm 7 chương, 54 điều; quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Theo đó, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp, liên tục của các cấp chính quyền và người dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đáng chú ý, việc thu hút, trọng dụng người có tài năng được thể hiện rõ hơn trong Luật. Theo đó, công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức.

Bổ sung đối tượng cảnh vệ

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gồm 2 điều.

So với Luật Cảnh vệ năm 2017, Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ gồm Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để phù hợp với công tác cảnh vệ và đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cảnh vệ.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 9 chương, 152 điều; có một số điểm mới liên quan đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân; đổi mới tổ chức bộ máy của tòa án; thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; hội thẩm, tổ chức xét xử; bảo đảm hoạt động của tòa án...

Đáng chú ý, để công tác tổ chức việc xét xử của các tòa án được thực hiện thống nhất, khoa học, hiệu quả, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân bổ sung một chương mới về "Tổ chức xét xử". Nội dung chương này quy định về lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán, hội thẩm tham gia xét xử; phương thức tổ chức xét xử tại tòa án; quy định về phòng xử án, phòng hòa giải, đối thoại; cách thức bố trí phòng xử án, phòng hòa giải, đối thoại; nội quy phiên tòa, phiên họp; bảo vệ tòa án; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa.

Hoàn thiện cơ chế về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 75 điều. Luật quy định cụ thể các nội dung liên quan đến: nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Luật cũng quy định điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Luật cũng quy định điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; thủ tục trang bị vũ khí quân dụng, thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng; nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng, các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ độc lập để bảo đảm an ninh, trật tự...

Cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều. Việc xây dựng luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.

Đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự…

Chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có nội dung mới liên quan đến sửa đổi, bổ sung các quy định về: đấu giá viên và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu giá tài sản...

Đáng chú ý, Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, người có tài sản đấu giá như cấm lập danh sách khống về người tham gia đấu giá, lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá, hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định để tăng cường tính độc lập, khách quan, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực trong hoạt động đấu gia.

Luật bổ sung 2 điều mới về đấu giá trực tuyến và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến, trong đó quy định việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến, các nguyên tắc chung thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm hoàn thiện hơn nữa hình thức đấu giá trực tuyến, góp phân nâng cao tinh khách quan, công khai, minh bạch, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản.

Tương tự, Luật Đầu tư công năm 2024 đã cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn. Đó là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính, gồm 11 điều.

Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin - cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác...

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; tuy nhiên, một số quy định có hiệu lực riêng như quy định về: nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, vốn chủ sở hữu; kiểm toán độc lập (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026); sửa đổi bổ sung Luật Ngân sách nhà nước (có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2025); hộ cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số (có hiệu lực thi hành từ 1/4/2025).

Diệp Trương (TTXVN)
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/2025
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/2025

Trong tháng 1/2025, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Quy định mới về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú, tạm trú; mức trợ cấp tai nạn lao động; quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; xe ô tô kinh doanh chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN