Theo một số nhà phân tích, đã có dấu hiệu giúp vàng đảo chiều; trong đó, mức đáy của giá vàng thế giới có thể rơi vào khoảng 1.800 USD/ounce, sau đó sẽ bật tăng trở lại.
Tại thị trường Hà Nội, đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm nay (7/10), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,5 - 69,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Cùng đó, Tập đoàn Vàng Bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,45 - 69,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,25 - 69,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi ở chiều mua vào và tăng 100 nghìn đồng/lương ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Về thị trường trong nước, giá vàng ghi nhận liên tục giảm trong sáng ngày giao dịch đầu tuần 2 - 3/10, sau đó ổn định vào sáng 4 - 5/10, trước khi tăng trở lại vào sáng 6/10 đến cuối tuần.
Trong khi đó, thị trường thế giới khép lại tuần giảm thứ 2 khi dữ liệu việc làm vừa được công bố tại Mỹ cho thấy thị trường lao động vẫn trong trạng thái mạnh mẽ, làm dấy lên lo ngại về một đợt tăng lãi suất khác từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), có khả năng đẩy giá vàng suy giảm trở lại.
Nhận định về hoạt động giao dịch vàng trong tuần vừa qua, Sàn giao dịch Kitco cho rằng, đây là quãng thời gian khó khăn đối với vàng, khi thị trường chứng kiến chuỗi giảm giá dài nhất trong 7 năm, với phạm vi dao động gần mức thấp nhất kể từ tháng 3.
Mặc dù giá vàng vẫn ở xu hướng giảm sâu hơn trong thời gian tới, nhưng một số nhà phân tích cho rằng có một số dấu hiệu giúp vàng đảo chiều.
Yếu tố tích cực mới nhất đó là dữ liệu việc làm tháng 9 của Mỹ cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo ra thêm 336.000 việc làm mới, vượt xa kỳ vọng của thị trường. Điều này có thể là cơ sở để Fed tăng lãi suất trong tháng 11/2023. Nhưng mức tăng lương đáng thất vọng và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ không thay đổi có thể khiến Fed suy nghĩ lại và giữ nguyên lãi suất.
Chuyên gia Michael Moor, Nhà sáng lập Mạng phân tích Moor Analytics cho biết, mặc dù thị trường vàng vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm giá, nhưng mức độ suy giảm nhiều khả năng sẽ không nghiêm trọng và các nhà đầu tư đã bắt đầu thăm dò về triển vọng tăng giá của vàng.
Ông Moor dự báo, mức đáy của giá vàng có thể rơi vào khoảng 1.800 USD/ounce, sau đó sẽ bật tăng trở lại. Chuyên gia của Moor Analytics nhận định: "Nếu mức giá này được giữ và chúng ta thấy một đợt phục hồi. Nó có thể báo hiệu sự khởi đầu của một cấu trúc tăng giá dài hạn mới”.
Theo ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty Tài chính OANDA, dữ liệu lạm phát sẽ được các cơ quan chức năng của Mỹ công bố vào tuần tới có thể cung cấp một số hỗ trợ ngắn hạn cho giá vàng. Ông giải thích chỉ số lạm phát có thể làm tăng kỳ vọng rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất, điều này sẽ làm giảm bớt một số áp lực lên lợi suất trái phiếu, do đó hạ bớt tác động gây giảm giá vàng.
Ông nói: “Trong ngắn hạn, tôi nghĩ đây là thời điểm để mua vào, ngay cả khi lãi suất trái phiếu tăng cao hơn. Với quá nhiều bất ổn kinh tế, có rất nhiều yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng giá của vàng”
Nhiều nhà phân tích khác lại tỏ ra trung lập trong các bình luận về giá vàng, với lý do cần thêm thời gian để xem xét liệu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã đạt đỉnh hay chưa.
Lợi suất trái phiếu dài hạn tăng cao vẫn là động lực lớn nhất thúc đẩy giá vàng. Đợt bán tháo kim loại quý trong tuần này diễn ra khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm tăng 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007, trong khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt ngưỡng cao nhất trong 16 năm, ở mức 4,8%.