Theo công văn số 1544 /BTC-VP của Bộ Tài chính ngày 20/2 về việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm, qua phản ảnh của báo đài, thời gian qua vẫn có tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn.
Về việc này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp tục yêu cầu Cục QL&GS Bảo hiểm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm; tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.
“Công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân và doanh nghiệp về các sản phẩm bảo hiểm biến tướng nêu trên; phân công cán bộ trực 24/7 và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm”, nội dung công văn nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu Cục QL&GS Bảo hiểm rà soát và báo cáo đánh giá rủi ro tình hình thị trường bảo hiểm Việt Nam, có đánh giá về thực trạng số lượng, hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, tái bảo hiểm so với quy mô thị trường và đặc biệt là việc tuân thủ các quy định trong hoạt động huy động, đầu tư vốn (nếu có) của các doanh nghiệp bảo hiểm tại một số lĩnh vực có hệ số rủi ro cao.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, khi các bên là ngân hàng, bảo hiểm và nhân viên đều có lợi ích lớn từ việc bán bảo hiểm thì rất dễ dẫn đến tình trạng tìm mọi cách để bán hàng, trong đó không loại trừ việc ép buộc khách hàng. Phía ngân hàng gia nhập vào đội ngũ bán bảo hiểm với thế mạnh, cơ hội, lợi thế vô cùng lớn và nguồn lợi thu được rất lớn, khoản thu nhập từ dịch vụ rất an toàn mà không phải đầu tư, chi phí nhiều. Tuy nhiên hiện nay có tình trạng các ngân hàng lạm dụng vị thể để gây sức ép với khách hàng.
Đề cập về việc nhiều ngân hàng đều bán "bia kèm lạc" từ các khoản cho vay thì trách nhiệm quản lý của NHNN như thế nào, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Trong hoạt động quản lý Nhà nước, NHNN có những hoạt dộng thanh tra, kiểm tra việc một số ngân hàng đang có hành vi vi phạm.
“Hiện một số ngân hàng vì lợi nhuận đã không tách bạch việc giao kết hợp đồng bảo hiểm riêng với các giao kết khác của tổ chức tín dụng. Đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý. Tôi hy vọng trong thời gian tới ‘vấn nạn’ này sẽ được NHNN chấn chỉnh kịp thời”, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Có 3 yếu tố chính tác động đến việc này: Thứ nhất là pháp luật đã quy định tương đối rõ về trách nhiệm và chế tài đối với các bên liên quan; thứ hai, về phía ngân hàng không chỉ thực hiện đúng quy định pháp luật mà cần phải đề cao văn hóa, đạo đức kinh doanh để không gây bức xúc cho khách hàng; thứ ba, về phía khách hàng thì cần nắm rõ để bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong các giao dịch với ngân hàng. "Điều quan trọng là khách hàng cũng cần phải sử dụng "quyền lực người tiêu dùng" là lên tiếng một cách mạnh mẽ, thậm chí trong những trường hợp cụ thể cần phải kiện ra tòa để ngân hàng phải thay đổi văn hóa kinh doanh", ông Trương Thanh Đức cho biết.
NHNN đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý phản ảnh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng. Do đó, người dân có thể gọi cho hotline của NHNN như sau để phản ánh tình trạng ngân hàng ép khách hàng đi vay vốn mua bảo hiểm:
* Số điện thoại cố định: (024) 3936.1017
* Số điện thoại di động: 0942.966.854
* Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn.