Cuối phiên sáng 3/10, VN-Index giảm 26,98 điểm xuống 1.105,13 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 189,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 4.050,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 393 mã tăng giá, 53 mã tăng giá và 37 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 4,93 điểm xuống 245,32 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 19,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 363 tỷ đồng. Toàn sàn có 123 mã giảm giá, 34 mã tăng giá và 37 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 1,1 điểm xuống 83,86 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 15,5 triệu đơn vị, tương ứng gần 251 tỷ đồng. Toàn sàn có 144 mã giảm giá, 94 mã tăng giá, 55 mã đứng giá.
Rổ cổ phiếu VN30 còn duy nhất PLX tăng nhẹ 0,9%, SAB may mắn đứng ở tham chiếu. Tất cả 28 mã cổ phiếu còn lại trong rổ cổ phiếu này chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý, VRE giảm 4,6%, VHM giảm 4%, KDH giảm 3,9%...
Cùng đó, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng giảm rất mạnh, tạo áp lực lớn lên thị trường chung. Các mã như: TPB giảm 4,4%, BID giảm 4,1%, MBB giảm 3,8%, STB và BVB đều giảm 3,4%, CTG giảm 3,2%, HDB giảm 3,1%... Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 3 mã tăng giá là EIB, PGB và SGB.
Các nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, bảo hiểm, dầu khí, hóa chất, bất động sản, xây dựng và vật liệu… đồng loạt giảm mạnh.
Khối ngoại cũng bán ròng mạnh trong phiên sáng nay. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng 275,35 tỷ đồng trên HOSE và 6,2 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 8,79 tỷ đồng trên HNX.
Thực tế trước phiên giao dịch hôm nay, nhiều công ty chứng khoán cũng đã có những nhận định khá tiêu cực về thị trường trong ngắn hạn. Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) không loại trừ việc phiên tăng điểm kết tuần (30/9) chỉ là hồi kỹ thuật và quán tính giảm có thể vẫn còn tiếp diễn.
Công ty chứng khoán này cho biết, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, sau khi nâng lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục sử dụng công cụ tỷ giá cho thấy sức ép lớn vẫn đang duy trì với các chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô. Với bối cảnh xung đột chính trị thế giới tiếp tục leo thang, rủi ro hệ thống gia tăng, nhiều khả năng các thị trường tài chính sẽ tiếp tục quá trình định giá lại.
Thực tế quý III/2022, thị trường chứng khoán ghi nhận đà phục hồi tương đối tích cực trong tháng 7 và tháng 8, nhưng những thông tin vĩ mô không mấy tích cực khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn. Dòng tiền chảy vào chứng khoán giảm mạnh cùng chỉ số đi xuống. Giá trị giao dịch bình quân trong quý III giảm về mức 16.000 tỷ đồng/phiên.
Cùng đó, khối ngoại bán ròng tới 3.552 tỷ đồng trên toàn thị trường trong quý III, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài bán ròng rất mạnh trong tháng 9.
Trước bối cảnh bị tác động bởi nhiều yếu tố không tích cực, chỉ số VN-Index thậm chí có thời điểm còn để mất mốc 1.100 trước khi phục hồi trở lại. Thực tế, trong bối cảnh ngân hàng tăng lãi suất, dòng tiền chảy vào thị trường ngày càng suy giảm khiến chỉ số mất đi động lực tăng giá.